Phải luật hóa thời hạn của cuộc kiểm toán

VOV.VN - Thực tiễn địa phương, một đoàn kiểm toán có thể làm 60 ngày, cộng với thời gian kiến nghị lại mất 30 ngày, thành 90 ngày…

Sáng nay (26/11), Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Quốc hội tập trung thảo luận các nội dung: tính độc lập của kiểm toán nhà nước; về đơn vị được kiểm toán; về giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán…

Cho ý kiến về thời hạn kiểm toán, Đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng: Theo dự thảo luật, giao cho Tổng kiểm toán nhà nước thẩm quyền quyết định thời hạn kiểm toán đối với từng cuộc kiểm toán cụ thể. Đại biểu Trần Văn Minh cho rằng, cần phải luật hóa thời hạn của cuộc kiểm toán để đảm bảo sự minh bạch và cũng để đề cao tinh thần trách nhiệm của cả Kiểm toán nhà nước lẫn đơn vị được kiểm toán. Đồng thời cũng tạo thuận lợi, chủ động cho các đơn vị được kiểm toán trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của mình.

“Tôi cũng đã nghiên cứu báo cáo tiếp thu, giải trình của Kiểm toán nhà nước về nội dung này và hoàn toàn chia sẻ với những khó khăn trong việc luật hóa thời hạn kiểm toán do quy mô và mức độ phức tạp của các kiểu kiểm toán là khác nhau. Tuy nhiên, tôi thấy hoàn toàn có thể khắc phục được khó khăn này bằng việc ngoài quy định chung về thời gian cho một cuộc kiểm toán nên có một khoản quy định bổ sung về việc kéo dài thời gian của kiểm toán với các điều kiện cụ thể và giao cho Tổng kiểm toán nhà nước quy định. Cũng có thể thực hiện bằng cách phân loại các cuộc kiểm toán theo quy mô, tính chất phức tạp và luật hóa thời hạn tối đa của cuộc kiểm toán theo các loại hình đã được phân loại” – đại biểu Trần Văn Minh nói.

Cùng chung quan điểm này, đại biểu Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) cho rằng: “Thời gian tối thiểu, tối đa cho một cuộc kiểm toán không quy định trong luật có thể dẫn đến "tùy nghi" trong quá trình tổ chức thực hiện”.

Nêu khó khăn của địa phương, đại biểu Phạm Văn Cường (đoàn Lào Cai) cũng đề nghị cần quy định rõ thời gian tối đa của cuộc kiểm toán như trong Luật thanh tra. Trong trường hợp cần thiết Tổng kiểm toán có thể quyết định gia hạn, quy định như vậy sẽ đảm bảo chặt chẽ, tránh tùy tiện muốn kiểm toán bao lâu cũng được. “Đây là thực tiễn địa phương, một đoàn kiểm toán có thể làm 60 ngày, cộng với thời gian kiến nghị lại mất 30 ngày, thành 90 ngày là quá lâu. Ảnh hưởng đến kế hoạch chỉ đạo của các địa phương cũng như các bộ, ngành” – đại biểu Phạm Văn Cường nói..

Đại biểu Thân Đức Nam (đoàn Đà Nẵng) đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định kế hoạch kiểm toán, Quốc hội phê chuẩn kế hoạch kiểm toán cao nhất, các kế hoạch của cơ quan khác không được viện dẫn lý do đã có kế hoạch thanh tra, kiểm tra khác để ngăn cản kế hoạch kiểm toán lại.

Tuy nhiên, ông Thân Đức Nam đề nghị rút ngắn thời gian một lần kiểm toán 45 ngày thay vì trước đây đề nghị 60 ngày.

Không nên kiểm toán quá nhiều đối tượng

Đại biểu Trần Văn Minh bày tỏ lo lắng với việc mở rộng đối tượng kiểm toán như dự thảo luật. Vì khi đó các đối tượng phải kiểm toán là rất lớn trong khi nguồn lực cả về nhân lực, vật lực và cả thời gian để thực hiện của Kiểm toán nhà nước là có hạn. Mặt khác, việc tiến hành kiểm toán các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế sẽ dẫn đến sự không thống nhất với mục đích kiểm toán quy định ở Điều 3 là phục vụ cho việc kiểm tra, giám sát của nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Có nghĩa là kiểm toán các đối tượng quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Đồng thời sẽ dẫn đến tình trạng chồng chéo do cơ quan thuế đang quản lý các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế và việc kiểm tra, khắc phục tình trạng trốn lậu thuế đang do thanh tra thuế đảm nhận.

Với các lý do đó, đại biểu Trần Văn Minh đồng tình với kiến nghị của đa số các ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách là chỉ kiểm toán các cơ quan quản lý thuế để phục vụ thu đúng, thu đủ, thu kịp thời các khoản thu vào ngân sách nhà nước. Khi cần thiết thì Tổng kiểm toán nhà nước quyết định đối chiều nghĩa vụ nộp thuế của đơn vị có nghĩa vụ nộp thuế.

Bày tỏ sự nhất trí với quy định kiểm toán doanh nghiệp sử dụng vốn nhà nước, đại biểu Phạm Văn Cường cho rằng: Quy định như vậy phù hợp với Hiến pháp và kiểm toán trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, nếu chỉ dừng ở kiểm toán những doanh nghiệp nhà nước mà nhà nước giữ cổ phần chi phối từ trên 50% trở lên như luật hiện hành thì có rất nhiều tài sản nhà nước được đầu tư tại các doanh nghiệp mà nhà nước không giữ cổ phần chi phối, chúng ta không kiểm soát được. Có doanh nghiệp lớn dù tỷ lệ ít nhưng số vốn lại lớn, nếu không kiểm toán thì cơ quan nào giúp Quốc hội, Chính phủ kiểm tra, đánh giá thực hiện sử dụng vốn của nhà nước tại các doanh nghiệp này. Đặc biệt chúng ta đang đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thì chắc chắn những doanh nghiệp loại này phải tăng lên và cần phải kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp là rất cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Văn Cường cũng băn khoăn nếu mở rộng đối tượng kiểm toán sẽ là một khối công việc vô cùng lớn, không đơn giản.

Làm rõ hơn điều này, đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) dẫn chứng, đối với thu ngân sách, hầu hết các nước chỉ kiểm toán ở cơ quan có nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, trong trường hợp phát hiện thấy có những nghi vấn thì có quyền đối chiếu ở các đơn vị nộp ngân sách. Ở Việt Nam, trong thời gian qua Kiểm toán nhà nước mới kiểm toán được trên một nửa số bộ, ngành và trên một nửa số địa phương, việc kiểm toán ở các địa phương chủ yếu là mới kiểm toán ở cấp tỉnh, còn cấp huyện, cấp xã kiểm toán rất ít. “Với số lượng hàng trăm ngàn doanh nghiệp, tới đây thu nhập tăng lên đến hàng triệu người có nhiệm vụ, có nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập cá nhân, việc mở rộng phạm vi kiểm toán nhà nước tôi e đó là vấn đề không khả thi. Vì vậy, tôi đề nghị cần phải cân nhắc về quy định mở rộng đối tượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước” – đại biểu Bùi Đức Thụ nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kiểm toán sẽ quan tâm đặc biệt đến quản lý sử dụng đất
Kiểm toán sẽ quan tâm đặc biệt đến quản lý sử dụng đất

VOV.VN -Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, cùng với đó, lĩnh vực cấp phép khai thác khoáng sản cũng đã vào “tầm ngắm”.

Kiểm toán sẽ quan tâm đặc biệt đến quản lý sử dụng đất

Kiểm toán sẽ quan tâm đặc biệt đến quản lý sử dụng đất

VOV.VN -Theo Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Cao Tấn Khổng, cùng với đó, lĩnh vực cấp phép khai thác khoáng sản cũng đã vào “tầm ngắm”.

Quy định kiểm toán phải chặt để không “10 biến thành 8”
Quy định kiểm toán phải chặt để không “10 biến thành 8”

VOV.VN -Những quy định hiện hành còn có kẽ hở có thể bị lợi dụng để "mặc cả với nhau",  10 biến thành 8, cái lớn biến thành bé.

Quy định kiểm toán phải chặt để không “10 biến thành 8”

Quy định kiểm toán phải chặt để không “10 biến thành 8”

VOV.VN -Những quy định hiện hành còn có kẽ hở có thể bị lợi dụng để "mặc cả với nhau",  10 biến thành 8, cái lớn biến thành bé.

Đề nghị kiểm toán công trình Nhà Quốc hội
Đề nghị kiểm toán công trình Nhà Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kiến nghị đưa công trình Nhà Quốc hội vào chương trình kiểm toán năm 2015.

Đề nghị kiểm toán công trình Nhà Quốc hội

Đề nghị kiểm toán công trình Nhà Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng kiến nghị đưa công trình Nhà Quốc hội vào chương trình kiểm toán năm 2015.