Phân bổ 180.000 tỷ đồng ổn định kinh tế vĩ mô

Đây là yêu cầu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội với Chính phủ cho cả giai đoạn 2012-2015.

Chiều 20/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chương trình phiên họp thứ 6, cho ý kiến về phương án phân bổ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ năm 2012 và bố trí nguồn lực cho chương trình mục tiêu quốc gia. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ phân bổ 180.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2012-2015 để bảo đảm mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo tờ trình của Chính phủ, giai đoạn 2012-2015, các bộ, ngành địa phương bố trí gần 167.000 tỷ đồng cho 2050 dự án thuộc các lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, xây dựng ký túc xá sinh viên, bệnh viện tuyến trung ương, tỉnh, huyện. Theo phương án này, dự kiến còn khoảng 300 dự án dở dang do không đủ nguồn vốn để thực hiện. Các chương trình kiên cố hoá trường lớp học và y tế cấp huyện còn thiếu rất nhiều so với nhu cầu các địa phương đề nghị. Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần tiếp tục rà soát mức phân bổ cho hợp lý, bảo đảm công bằng giữa các địa phương.

Đối với khoản dự phòng chưa phân bổ 13.000 tỷ đồng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị nên dành một khoản kinh phí đầu tư cho các công trình thuỷ lợi trọng điểm phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp.

Các dự án nằm ngoài danh mục Nghị quyết 881 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Quyết định 184 của Thủ tướng Chính phủ như dự án ký túc xá sinh viên Đại học Trà Vinh, bệnh viện ung bướu thành phố Đà Nẵng, các dự án thành phần thuộc tuyến đường ven biển tỉnh Ninh Thuận…, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến trong kì họp tới.

Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, dự kiến bố trí ngân sách Trung ương năm 2012 hơn 20.000 tỷ đồng. Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, việc Chính phủ chưa xác định được mục tiêu, nhiệm vụ, thời gian thực hiện và các nguồn lực cụ thể cho từng dự án thành phần của các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015 mà đã đề xuất phân bổ nguồn vốn cho năm 2012 là thiếu cơ sở pháp lý, có thể gây lãng phí cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nếu chậm trễ trong phân bổ nguồn vốn sẽ ảnh hưởng đến tất cả các chương trình.

Trước đó, trong sáng cùng ngày, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật quản lý thuế, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, trong tổng số 70% doanh nghiệp tự khai, tự nộp thuế, cơ quan chức năng mới chỉ kiểm tra được 20%. Thất thu thuế, trốn nợ thuế còn khá phổ biến. Vì vậy, các đại biểu đề nghị tăng mức xử phạt hành vi gian lận thuế, trốn thuế nhằm bảo đảm tính nghiêm minh trong tuân thủ pháp luật./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên