Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Hà Nội

Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước, là chìa khóa để giải quyết một số vấn đề cơ bản của nền kinh tế  

Sáng 30/7 tại Hà Nội, UBND thành phố Hà Nội tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ. Các đơn vị tham gia lễ ký kết có Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Công thương Hà Nội, Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất, cùng Công ty cổ phần đầu tư phát triển N&G, chủ đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội và một số ngân hàng. 

Theo thỏa thuận hợp tác này, các bên cùng nhau cam kết hợp tác để hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cụ thể là tại các khu công nghiệp dành riêng cho các ngành công nghiệp hỗ trợ và các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội. Hiện tại là khu công nghiệp trên địa bàn xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội với quy mô diện tích hơn 440 ha, tập trung đầu tư vào các nhóm ngành công nghiệp hỗ trợ của 5 lĩnh vực là: Dệt may, da giầy, cơ khí chế tạo, điện tử tin học, sản xuất và lắp ráp ô tô. Khu công nghiệp này sẽ là tiền đề cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ông Nguyễn Đức Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết: “Để phát triển ngành Công nghiệp hỗ trợ thành công làm cơ sở đột phá phát triển bền vững các ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam, chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp từ chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp của nhà nước, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng chuyển giao công nghệ cho đến việc cải thiện chế độ thuế, liên kết thương mại và đặc biệt là cơ chế tiếp cận các nguồn vốn tín dụng đầu tư”.

Trong bối cảnh hiện nay, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa của đất nước, là chìa khóa để giải quyết một số vấn đề cơ bản của nền kinh tế, phát huy tối đa nguồn lực đầu tư của các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đồng thời, nâng cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, góp phần giảm nhập siêu cho nền kinh tế và tạo việc làm cho người lao động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên