Phát triển ngành công nghiệp ô tô: Cần sự chuyển hướng chọn lọc

Theo các chuyên gia, tuy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng quy mô của ngành công nghiệp ô tô của nước ta còn ở mức độ khiêm tốn. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế của một ngành công nghiệp nhỏ lẻ, công nghiệp phụ trợ yếu kém.

Trong bối cảnh thị trường ô tô thế giới rơi vào khủng hoảng, sản lượng sản xuất và tiêu thụ xe sụt giảm  liên tiếp trong các năm 2008-2009 thì ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam được đánh giá đã vượt qua thời kỳ khủng hoảng và có sự phát triển khá ổn định (mặc dù ảnh hưởng nhiều biến động về thuế VAT (giá trị gia tăng), thuế nhập khẩu và lệ phí trước bạ). Trong hơn 2 năm qua và tính đến tháng 4/2010, sản xuất lắp ráp và nhập khẩu ô tô liên tục có sự tăng trưởng từ 6-10%. Theo thống kê năm 2009 so với năm 2002, đã có 1 triệu ô tô được đưa vào lưu thông.

Với đà tăng trưởng này, mục tiêu kỳ vọng tới năm 2030 sẽ có 3 triệu xe, trong đó một nửa trong số này là xe con được sử dụng tại Việt Nam là hoàn toàn có thể. Nhận xét về tốc độ tăng trưởng này, ông Dương Quốc Thịnh, Tổng thư ký Hội kỹ sư ô tô cho rằng, sự hỗ trợ kích cầu tích cực từ phía Nhà nước thông qua giảm thuế VAT, lệ phí trước bạ; Những đầu tư lớn vào hạ tầng giao thông vận tải, đặc biệt là đường cao tốc Bắc –Nam là những hỗ trợ tích cực tới ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam thời gian qua.

Bộ Công thương đánh giá cao những thành tựu mà ngành Công nghiệp ô tô, xe máy Việt Nam đạt được trong Chiến lược phát triển ngành ô tô và các ngành công nghiệp hỗ trợ định hướng đến năm 2020. Trong đó, công nghiệp hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô xe máy sẽ là một trong 5 lĩnh vực chính ưu tiên phát triển trong ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm nội địa hoá sản phẩm. Đây là chủ trương quan trọng được nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện phát triển.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tuy tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhưng quy mô của ngành công nghiệp ô tô của nước ta còn ở mức độ khiêm tốn. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn bộc lộ những hạn chế của một ngành công nghiệp nhỏ lẻ, công nghiệp phụ trợ yếu kém.

Linh kiện phụ trợ vẫn còn nhỏ lẻ

Được dự báo lượng xe sử dụng sẽ ngày càng tăng nhưng tới thời điểm năm 2018, lượng xe ô tô nhập khẩu tăng mạnh và lượng xe ô tô lắp ráp tăng chậm, thậm chí giảm, sẽ có nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất, chuyển sang phân khối nhập khẩu. Đây là những bất lợi sẽ tác động xấu tới Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô giai đoạn 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 được Chính phủ ban hành năm 2004.

Cảnh báo doanh nghiệp chuyển hướng sang nhập khẩu ô tô nguyên chiếc

Trong giai đoạn hiện nay, ngành Công nghiệp ô tô Việt Nam có 54 doanh nghiệp đang sản xuất, lắp ráp ô tô, trong đó 12 doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài, còn lại là doanh nghiệp trong nước và khoảng trên 60 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô (100% vốn đầu tư nước ngoài).

Công nghiệp hỗ trợ sản xuất ô tô đã mang lại khoảng 30 triệu USD/năm. Tuy nhiên, các doanh nghiệp có quy mô đầu tư nhỏ, mỗi doanh nghiệp không vượt quá 20 tỷ đồng, sản phẩm là các linh kiện đơn giản, hàm lượng công nghệ cao còn ít và có giá trị thấp trong cơ cấu nội địa hoá sản phẩm.

Qua 6 năm triển khai Quy hoạch, nhóm sản phẩm ô tô bus trên 24 chỗ, ô tô tải dưới 5 tấn đáp ứng mục tiêu quy hoạch. Các nhà sản xuất ô tô trong nước đã nâng cao tỷ lệ nội địa hoá dòng xe tải, xe bus đạt 40%-50%. Ở dòng xe con Toyota Việt Nam năm 2008 cũng đã đạt tỷ lệ nội địa hoá đến 37% cho mẫu xe Innova.

Theo ông Ngô Văn Trụ, Vụ phó Vụ Công nghiệp nặng (Bộ Công thương), chương trình nội địa hoá của ngành ô tô gặp khó khăn là do sản lượng từng dòng xe ô tô được sản xuất  quá nhỏ nên việc thực hiện nội địa hoá khó khăn.

Với 54 doanh nghiệp và khoảng 400 chủng loại, mẫu mã xe được lắp ráp trong nước, trung bình 380 chiếc cho một mẫu xe. Vì vậy, việc đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư sản xuất phụ tùng, linh kiện ít được doanh nghiệp mặn mà vì không hiệu quả. Triển vọng xuất khẩu cũng kém lợi thế vì doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được các loại nguyên, vật liệu chủ yếu. Mặt khác, công nghệ trong sản xuất ô tô đóng vai trò quyết định thì hầu hết doanh nghiệp trong nước không có chuyển giao công nghệ tiên tiến của thế giới. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành ô tô chịu tác động ảnh hưởng mạnh từ cơ chế chính sách, trong đó có chính sách thuế nhiều biến động khiến ngành sản xuất lắp ráp, ô tô gặp nhiều khó khăn.

Theo tính toán của Bộ Công thương, dự báo đến khoảng sau năm 2020, dòng xe ô tô du lịch sẽ chiếm trên 70% tổng thị trường tiêu thụ ô tô. Nếu ngành công nghiệp ô tô không có sự đón đầu để thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng trong nước thì các dòng xe nhập khẩu ồ ạt chảy vào Việt Nam là tất yếu. Bởi giai đoạn này, thị trường ô tô Việt Nam phải mở cửa hoàn toàn cho xe nhập khẩu vào năm 2018 theo cam kết tự do hoá thương mại ASEAN/AFTA. Uớc thâm hụt thương mại tự do nhập khẩu ô tô nguyên chiếc ở mức khoảng 12 tỷ USD/năm. Việc giải thể hoặc chuyển hướng sang nhập khẩu ô tô của các doanh nghiệp Việt Nam là điều không tránh khỏi.

Vì vậy, theo Bộ Công thương, bên cạnh việc tiếp tục ưu tiên phát triển các dòng xe tải, xe bus, ngành công nghiệp tô Việt Nam cần có thêm định hướng phát triển rõ ràng đối với dòng xe du lịch. Để thay thế việc phát triển dàn trải như hiện nay, và  để đạt được quy mô sản xuất trong nước đủ lớn phục vụ chương trình nội địa hoá.  Việc đề xuất xây dựng chính sách phát triển tập trung có chọn lọc cụ thể ở một dòng xe nhất định để phát huy nguồn lực của doanh nghiệp và ngành công nghiệp vào việc phát triển là yêu cầu tất yếu.

Bên cạnh đó, việc thực hiện công cụ thuế đối với ngành công nghiệp ô tô cũng cần được thiết kế mức thu bảo đảm sự hợp lý giữa lợi ích và trách nhiệm của doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhằm hướng tới sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp ô tô ở nước ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên