Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi sản lượng tôm nuôi
VOV.VN - Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2022, sản lượng tôm tăng 74%, đạt trên 24.500 tấn; nuôi biển đạt gần 13.000ha, sản lượng trên 52.000 tấn; đưa sản lượng tôm, cá biển và nhuyễn thể vươn lên đứng top 5 về sản lượng và năng suất trung bình chung đứng trong top 10 của cả nước.
Ngày 25/3, tỉnh Quảng Ninh phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai sản xuất tôm và nuôi biển năm 2022, bàn giải pháp nâng cao hiệu quả sản xuất, liên kết chuỗi giá trị và thu hút đầu tư, phát triển địa phương thành trung tâm nuôi trồng thuỷ sản khu vực phía Bắc.
Quảng Ninh có tiềm năng và lợi thế đặc biệt khi sở hữu hơn 250km bờ biển, 40.000ha bãi triều, 20.000ha eo, vịnh và tài nguyên sinh vật biển đa dạng, đồng thời cũng là cửa ngõ xuất khẩu sang thị trường quốc tế. . Đối với nuôi biển, tổng diện tích tại Quảng Ninh đạt trên 10.600ha, sản lượng 45.000 tấn, tập trung vào cá biển (cá song, cá chim vây vàng, cá giò…) và nhuyễn thể (hàu, ngao, trai cấy ngọc…).
Vài năm gần đây, công nghệ sản xuất tiên tiến được nhiều cơ sở nghiên cứu và ứng dụng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt trong sản xuất giống và nuôi tôm thương phẩm, cá biệt có mô hình đạt năng suất trên 100 tấn/ha/vụ. Tuy vậy, công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, hạ tầng cơ sở vùng nuôi tại Quảng Ninh chưa theo kịp yêu cầu sản xuất; chưa hình thành được chuỗi giá trị sản xuất bền vững, giá thành cao, tính cạnh tranh thấp; hạn chế trong kiểm soát quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc… Việc tập trung quá mức nuôi cá biển, nhuyễn thể ven bờ cũng đang làm tăng áp lực môi trường nuôi, dịch bệnh phát sinh nhiều, năng suất thấp…
Tại Hội nghị, đại diện Tổng cục Thuỷ sản, các Hiệp hội ngành thuỷ sản, chuyên gia và nhà đầu tư về lĩnh vực nuôi biển tham gia ý kiến, đề xuất nhiều giải pháp, định hướng nâng cao hiệu quả trong sản xuất nuôi tôm và cá biển tại Quảng Ninh. Trong đó, tập trung vào công tác quy hoạch, phối hợp xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm nuôi biển, gắn với trung tâm nghề cá lớn, chuyển nuôi biển tự phát, quy mô nhỏ sang nuôi thương mại, quy mô lớn; thu hút các nhà đầu tư chiến lược để phát huy hạ tầng các trung tâm sản xuất tập trung; đồng bộ từ khâu tổ chức sản xuất tới cung ứng giống, thức ăn, vật liệu đầu vào cho đến chế biến và thương mại…
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cho rằng: "Xu hướng phát triển nuôi biển là di chuyển từ ven bờ ra xa bờ hơn, tiến ra nuôi đại dương, điều này phải gắn với công nghệ. Tiếp theo là phải tích hợp với các ngành kinh tế khác, trước hết là du lịch vì Quảng Ninh là tỉnh du lịch cho nên sự tích hợp của 2 ngành này là cần thiết, cùng nâng cấp lên để đảm bảo cho môi trường".
Định hướng của Quảng Ninh là phát triển toàn diện lĩnh vực nuôi tôm và nuôi biển theo hướng xã hội hóa; tạo chuỗi liên kết từ sản xuất, chế biến tới tiêu thụ sản phẩm, tiến tới sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại; nuôi trồng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường; sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững tài nguyên biển gắn với tái tạo và bảo vệ nguồn lợi.
Quảng Ninh đặt mục tiêu năm 2022, sản lượng tôm tăng 74%, đạt trên 24.500 tấn; nuôi biển đạt gần 13.000ha, sản lượng trên 52.000 tấn; đưa sản lượng tôm, cá biển và nhuyễn thể vươn lên đứng top 5 về sản lượng và năng suất trung bình chung đứng trong top 10 của cả nước, phát triển nuôi tôm và nuôi biển trở thành ngành kinh tế trọng điểm, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ.
Ông Phạm Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh nhấn mạnh: "Quảng Ninh sẽ xây dựng, nghiên cứu các mô hình liên kết. Các sở ngành địa phương trong tháng 4 này đề nghị đề xuất để xây dựng bằng được các chuỗi liên kết này và mô hình chuyển đổi số. Quảng Ninh sẽ khẩn trương triển khai các nhiệm vụ để đưa ngành thuỷ sản phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh và đạt được mục tiêu đề ra"./.