Quy hoạch mở đường gây bức xúc ở Hà Nội: Quận nói thẳng, dân bảo cong

VOV.VN - Liệu có uẩn khúc gì không khi người dân cho biết họ đã bị chính quyền cho đứng ngoài cuộc ngay từ khi lập quy hoạch?

Đoạn đường dài khoảng 200 mét, đi qua đất của 95 hộ dân ở tổ 14,15 và 16 của phường Bồ Đề, quận Long Biên (Hà Nội), thuộc dự án xây dựng tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng dự kiến sẽ khởi công vào đầu tháng 12 tới đã gây bức xúc dư luận nhiều ngày qua.

Có hay không việc đoạn đường này nếu thực hiện đúng quy hoạch sẽ gây lãng phí hàng trăm tỷ đồng? Có uẩn khúc gì không khi người dân cho biết họ đã bị chính quyền cho đứng ngoài cuộc ngay từ khi lập quy hoạch?


Đây sẽ là đoạn cong nhất của tuyến đường khi triển khai xây dựng.
Tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ đến đê Tả ngạn sông Hồng là một đoạn của tuyến đường liên khu vực nối từ đường vành đai 3, đường vành đai 2, đường Nguyễn Văn Cừ và đến đường đê Ngọc Thụy đi huyện Đông Anh. Toàn bộ tuyến đường đã được xác định thống nhất tại đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998; Quy hoạch chi tiết quận Long Biên năm 2005 và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2011.

Chủ tịch UBND quận Long Biên, ông Đỗ Mạnh Hải khẳng định, việc lập, thẩm định và phê duyệt hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường là hoàn toàn tuân thủ các quy định của UBND thành phố Hà Nội. Sẽ không có gì để nói nếu đoạn đường này đi thẳng qua khu đất nông nghiệp. Vấn đề là ở chỗ, đoạn 200 mét này lại phải “cong” để đi qua đất của 95 hộ dân. Trước thông tin cho rằng đoạn đường này bị “nắn cong”, khiến chi phí đội lên đến 250 tỷ đồng.

“Chúng tôi khẳng định đoạn tuyến người dân đang nói cong thì nó đang thẳng và không sai với quy hoạch. Dự án này dự kiến sẽ khởi công vào tháng 12 tới, hiện nay, toàn tuyến có 461 hộ dân đã có 324 hộ nhận tiền bàn giao mặt bằng. Về vấn đề kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, chúng tôi khẳng định chi phí cho đoạn tuyến 200 mét là 53 tỷ đồng chứ không phải là 250 tỷ đồng như thông tin nêu”, ông Hải khẳng định.

Tuy nhiên khi đi khảo sát thực tế, những vạch chỉ giới đường đỏ đã được đo đạc, đánh dấu khi nối lại là một đường không thẳng. Điều mà dư luận đặt câu hỏi là tại sao lại phải làm một đoạn đường cong khiến phải giải phóng mặt bằng, đền bù, lãng phí tiền của Nhà nước, trong khi nếu làm thẳng đi qua khu đất nông nghiệp vừa giảm được số tiền lớn, vừa không làm xáo trộn cuộc sống của cả trăm hộ dân?

Về số tiền đền bù, giải phóng mặt bằng, chính quyền địa phương đã công bố với người dân giá đền bù đối với đất thổ cư là 14,4 triệu đồng/mét vuông. Theo như tính toán của người dân, ít nhất số tiền đền bù cũng phải 200 tỷ, chứ không thể là 53,2 tỷ. Đấy là chưa kể đến giá đền bù phải tính toán theo giá thị trường, mà mỗi mét vuông đất ở khu vực này hiện không dưới 40 triệu đồng/mét vuông. Nhưng dù là 53,2 hay 200 tỷ, thì đó vẫn là tiền ngân sách Nhà nước, tiền đóng thuế của nhân dân nên không thể sử dụng một cách lãng phí!


Nếu đoạn đường này không cong sẽ đi thẳng qua khu đất nông nghiệp.
Một vấn đề đáng quan tâm, cũng là bức xúc lớn nhất của hàng trăm người dân ở tổ 14, 15, 16 phường Bồ Đề, đó là việc quy hoạch tuyến đường này đã có từ rất lâu, nhưng mãi ngày 8/1/2014, người dân mới được mời đi họp, thông báo về việc giải tỏa, thu hồi đất và bồi thường, tái định cư. Vì vậy, người dân cho rằng, chính quyền địa phương đã cố tình giữ kín thông tin về quy hoạch, không lấy ý kiến của những người bị ảnh hưởng bởi quy hoạch này.

Về việc này, ông Chủ tịch UBND quận Long Biên lại lý giải: “Trước khi quy hoạch năm 2005, Viện Quy hoạch phối hợp với quận tổ chức hội nghị để xin ý kiến và quận đã tổ chức hội nghị dân chủ với đại diện tổ trưởng tổ dân phố, tổ phó tổ dân phố và phát tài liệu cho nhân dân xin ý kiến. Hết thời gian không có ý kiến phản hồi quận đã gửi văn bản Sở Quy hoạch kiến trúc để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy việc triển khai là hoàn toàn theo đúng quy trình”.

Tuy nhiên, chính những người dân đã cung cấp văn bản số 1735 của Sở Quy hoạch kiến trúc gửi UBND thành phố Hà Nội, báo cáo việc giải quyết đơn kiến nghị, trong đó có đoạn nói về việc lấy ý kiến khi lập quy hoạch chi tiết quận Long Biên, tỷ lệ 1/2.000 như sau: “Ngày 5/5/2005, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (đơn vị Tư vấn lập quy hoạch) đã tổ chức báo cáo lấy ý kiến về đồ án tại Trụ sở UBND quận Long Biên (thành phần: Thường trực UBND quận, các phòng ban chuyên môn và các đồng chí Bí thư, Chủ tịch UBND 14 phường)”. 

Như vậy là không có sự tham gia của người dân. Những người dân ở đây bức xúc:

“Hết lần này đến lần khác Viện Quy hoạch xây dựng yêu cầu chính quyền quận Long Biên nghe ý kiến, đối thoại thẳng thắn, giải đáp những thắc mắc, nhưng cái nhận được chỉ là những lời hứa suông rằng sẽ chuyển những kiến nghị của dân lên UBND thành phố”.

“Chúng tôi là những người dân sống ở đây từ bao nhiêu đời nay, nhưng khi mở con đường này chúng tôi không được biết”.

“Chúng tôi là những người dân lao động, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, suốt ngày kiếm từng đồng, từng ngọn rau muống để nuôi sống gia đình. Thế nhưng bây giờ làm một dự án bí mật hoàn toàn, đến 8/1 họp người dân mới biết nhà mình ở trong lòng đường”.

-  “Chúng tôi đã có trong tay hàng chục phiếu chuyển đơn của các cấp nhưng mà đến nay vẫn chưa được xử lý. Chúng tôi cho rằng điều này là do các cấp cơ sở, đặc biệt là quận Long Biên và các Sở, ngành không báo cáo đầy đủ tình hình với cấp trên nên đến nay thành phố vẫn chưa giải quyết”.

Theo pháp luật hiện hành, khi quy hoạch phải có 1 bước quan trọng là lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, nhất là những người dân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi quy hoạch. Việc lấy ý kiến này phải thực hiện khi tiến hành cả 3 bước lập quy hoạch, thẩm định quy hoạch, trình phê duyệt quy hoạch. Khi tổ chức thực hiện tuyến đường này cũng phải thông báo cho người dân biết để trao đổi về các giải pháp thực hiện. Nếu trong việc tổ chức thực hiện quy hoạch còn thiếu một trong những bước đó thì đã vi phạm hành lang pháp lý về tổ chức thực hiện quy hoạch.

Như vậy, quận Long Biên nói đã lấy ý kiến người dân, còn dân lại cho biết mình hoàn toàn bị đứng ngoài cuộc. Cần nhấn mạnh rằng việc lấy ý kiến này phải là những người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi quy hoạch, chứ không phải là lấy ý kiến một số người nào đó một cách hình thức cho có thủ tục. Ai sai, ai đúng, chính quyền thành phố cần vào cuộc để làm rõ. Còn hướng giải quyết một quy hoạch có kiến nghị của dân ra sao sẽ đề được cập ở phần 2 của loạt bài này./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngang nhiên vi phạm xây dựng ở phố cổ
Ngang nhiên vi phạm xây dựng ở phố cổ

VOV.VN -Trong khi đang thực thi Quyết định của UBND thành phố Hà Nội chủ đầu tư đã tự ý cải tạo sửa chữa không phép

Ngang nhiên vi phạm xây dựng ở phố cổ

Ngang nhiên vi phạm xây dựng ở phố cổ

VOV.VN -Trong khi đang thực thi Quyết định của UBND thành phố Hà Nội chủ đầu tư đã tự ý cải tạo sửa chữa không phép

Vi phạm xây dựng nhiều là do quản lý chồng chéo và thiếu sâu sát
Vi phạm xây dựng nhiều là do quản lý chồng chéo và thiếu sâu sát

VOV.VN - Công tác quản lý TTXD bị chồng chéo, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công trình vi phạm.

Vi phạm xây dựng nhiều là do quản lý chồng chéo và thiếu sâu sát

Vi phạm xây dựng nhiều là do quản lý chồng chéo và thiếu sâu sát

VOV.VN - Công tác quản lý TTXD bị chồng chéo, dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm trong xử lý công trình vi phạm.

Cưỡng chế 5 hộ dân vi phạm xây dựng ven hồ Hồ Ba Mẫu
Cưỡng chế 5 hộ dân vi phạm xây dựng ven hồ Hồ Ba Mẫu

VOV.VN -Hiện trạng của các công trình vi phạm là nhà mái tôn, bê tông, tường gạch

Cưỡng chế 5 hộ dân vi phạm xây dựng ven hồ Hồ Ba Mẫu

Cưỡng chế 5 hộ dân vi phạm xây dựng ven hồ Hồ Ba Mẫu

VOV.VN -Hiện trạng của các công trình vi phạm là nhà mái tôn, bê tông, tường gạch

Tiền phạt vi phạm xây dựng được chi cho công tác xử phạt
Tiền phạt vi phạm xây dựng được chi cho công tác xử phạt

Đây là quy định tại Thông tư liên tịch của liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng vừa ban hành

Tiền phạt vi phạm xây dựng được chi cho công tác xử phạt

Tiền phạt vi phạm xây dựng được chi cho công tác xử phạt

Đây là quy định tại Thông tư liên tịch của liên Bộ Tài chính - Bộ Xây dựng vừa ban hành

TP Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp vi phạm xây dựng
TP Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp vi phạm xây dựng

Các quy định hiện hành về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng hiện còn nhiều bất cập, nhiều vi phạm vẫn chưa được quy định đầy đủ

TP Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp vi phạm xây dựng

TP Hồ Chí Minh có trên 4.500 trường hợp vi phạm xây dựng

Các quy định hiện hành về xử lý vi phạm trong lĩnh vực xây dựng hiện còn nhiều bất cập, nhiều vi phạm vẫn chưa được quy định đầy đủ