Sản xuất và thương mại ngô biến đổi gen từ năm 2015

VOV.VN - Người nông dân sẽ có cơ hội áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, hướng đến nâng cao hiệu quả thu nhập.

>> Nhiều nước không dùng thực phẩm biến đổi gen vì họ không hiểu
>> Cây trồng biến đổi gen có làm... người bị biến đổi gen? 
>> Không có chuyện chuột ăn thực phẩm biến đổi gen bị ung thư 
>> Định hướng thông tin về cây trồng biến đổi gen

Ngày 3/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo “Nông dân trước cơ hội ứng dụng cây trồng biến đổi gen tại Việt Nam”. Tham gia hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực cây trồng biến đổi gen cùng đại diện hội nông dân một số tỉnh, thành trên cả nước.

Cây trồng biến đổi gen là thành tựu khoa học của nhân loại được nghiên cứu thành công từ những năm 80 của Thế kỷ XX, và chính thức được thương mại hóa trên thế giới vào năm 1996.

Với tính năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng canh tác trong điều kiện biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập cho nông dân, sau 18 năm kể từ khi nghiên cứu thành công, cây trồng biến đổi gen đã được trồng tại 27 quốc gia với sự tham gia của hơn 18 triệu nông dân toàn cầu.


Ông Nguyễn Duy Lượng - Phó chủ tịch Hội nông dân Việt Nam.
Hiện tổng diện tích cây trồng biến đổi gen tăng liên tục đến nay đã đạt 176 triệu ha. Đã có 61 nước và vùng lãnh thổ sử dụng sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen làm thực phẩm và chế biến thức ăn chăn nuôi…

Ở Việt Nam, cây trồng biến đổi gen đã được khảo nghiệm từ nhiều năm nay. Ngày 12/1/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 11 về việc phê duyệt “Chương trình trọng điểm phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020”. 

Từ đầu năm 2010, Bộ NN&PTNT đã cấp giấy phép khảo nghiệm cho 5 sự kiện ngô biến đổi gen. Cuối tháng 8 vừa qua, Bộ đã chính thức có các Quyết định về việc công nhận các sự kiện ngô biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam.

Tiếp sau đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có các Quyết định phê duyệt và cấp Giấy chứng nhận an toàn sinh học cho 3 sự kiện ngô biến đổi gen…. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để cụ thể hóa hướng đến mục tiêu thương mại hóa và chính thức vào sản xuất cây ngô biến đổi gen tại nước ta vào năm 2015.

PGS.TS. Phạm Văn Toản, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ, cây trồng biến đổi gen phải được nhìn nhận là thành tựu về khoa học công nghệ của nhân loại, không phải của một quốc gia hay một nhóm tổ chức nào trên toàn cầu.

“Với tốc độ phát triển nhanh và được các quốc gia đánh giá là đem lại lợi ích, có hiệu quả về kinh tế, môi trường và xã hội đó là bằng chứng để cho nông dân tin tưởng. Về mặt khoa học trong lĩnh vực cây trồng biến đổi gen trên thực tế đã có hàng trăm công trình nghiên cứu”, PGS.TS. Phạm Văn Toản khẳng định.

Các đại biểu cho rằng, trong điều kiện hiện nay, việc ứng dụng cây trồng biến đổi gen có ý nghĩa rất quan trọng trong giảm bớt sự lệ thuộc phải nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi…Tuy nhiên trước khi triển khai cây trồng biến đổi gen trên thực tế cần trồng khảo nghiệm các mô hình trình diễn để so sánh và tập huấn cho nông dân…

Ông Lê Quốc Việt, Chủ tịch Hội nông dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đề nghị các nhà khoa học cung cấp thông tin rộng rãi những nơi cung cấp đảm bảo chất lượng để nông dân được biết. Đặc biệt việc tuyên truyền cho nông dân hiểu được vai trò và lợi ích cây trồng biến đổi gen phải được thực hiện thường xuyên.

“Nông dân phải trực tiếp tham gia, thấy được hiệu quả cụ thể, phải tổ chức các mô hình trình diễn để đối chứng để chứng minh hiệu quả kinh tế cho bà con thì nông dân mới đồng thuận trong việc triển khai”, ông Việt nói.

Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội nông dân Việt Nam nêu rõ: Đây là dịp để nông dân và các cấp hội nâng cao nhận thức về áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, hướng đến nâng cao hiệu quả thu nhập. Trung ương Hội nông dân Việt Nam sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức các mô hình trình diễn, tham mưu các cơ chế chính sách để người dân sớm tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ khoa học, trong đó có cây trồng biến đổi gen.

“Hội viên Hội Nông dân tăng cường tiếp cận thông tin về giống cây trồng biến đổi gen, từ đó các cấp hội tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nông dân ở địa phương trong ứng dụng các tiến bộ khoa học. Sắp tới Trung ương hội sẽ đề xuất phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức các mô hình trình diễn để bà con nông dân thấy được hiệu quả và lợi ích của cây trồng biến đổi gen”, ông Lượng cho biết.

Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện Việt Nam phụ thuộc khoảng 70% nguyên liệu dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi. Tính riêng trong 11 tháng của năm nay, Việt Nam phải bỏ ra 3 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn chăn nuôi, trong đó riêng nhập khẩu ngô chiếm khoảng 1 tỷ USD, với khối lượng lên đến hơn 4 triệu tấn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên