Sắp có Nghị định mới về quản lý kinh doanh vàng

Theo Nghị định mới, Ngân hàng nhà nước sẽ tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Sau khi hoàn thành Dự thảo Nghị định mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã thực hiện xin ý kiến các Bộ, ngành và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh vàng và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đến nay, NHNN đã hoàn thành việc tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và hoàn thiện Dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Ngày 16/8/2011, NHNN đã tổ chức cuộc họp với Tổ soạn thảo Liên ngành và Tổ soạn thảo NHNN để trao đổi, thống nhất nội dung của Dự thảo Nghị định trước khi gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định.

Dự kiến, trong tháng 9/2011, NHNH sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định 174/1999/NĐ-CP. Theo đó, về cơ bản, Dự thảo Nghị định đáp ứng được các mục tiêu do Nghị quyết 11 đề ra.

Về sản xuất vàng miếng: NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép sản xuất vàng miếng. Về nguyên tắc, đây là hoạt động hạn chế kinh doanh và cần được quản lý chặt chẽ. Do đó, tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế trong từng thời kỳ, NHNN sẽ tổ chức sản xuất hoặc cấp phép cho doanh nghiệp sản xuất vàng miếng nhưng sẽ rất hạn chế.

Về lưu thông vàng miếng: NHNN chỉ cho phép một số doanh nghiệp và TCTD có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vàng được thực hiện mua bán vàng miếng với tổ chức, cá nhân nhằm thu hẹp đầu mối, tạo điều kiện thuận lợi đối với việc quản lý hoạt động mua bán này.

Về xuất, nhập khẩu vàng nguyên liệu: NHNN là cơ quan tổ chức hoặc cấp phép hoạt động xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. 

Về sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ: NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cho các doanh nghiệp sản xuất, gia công vàng trang sức, mỹ nghệ. Riêng hoạt động gia công nhỏ lẻ của cá nhân, hộ gia đình, hợp tác xã không cần xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện mà được thực hiện theo Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Về mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ: Tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh mua, bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải thành lập doanh nghiệp và đáp ứng đủ một số điều kiện theo quy định tại Nghị định nhưng không cần xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Xây dựng cơ chế phân công trách nhiệm giữa các Bộ, ngành chủ yếu về việc quản lý chất lượng và kiểm tra, kiểm soát thị trường vàng.

Như vậy với định hướng quản lý nêu trên, Ngân hàng nhà nước đã tham gia trực tiếp quản lý về quá trình sản xuất và lưu thông vàng miếng; xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu. Đây là các yếu tố đảm bảo cho Ngân hàng Nhà nước can thiệp hiệu quả trên thị trường vàng, chống hoạt động đầu cơ lũng đoạn giá vàng, đảm bảo được các mục tiêu của Nghị quyết 11/NĐ-CP.

Quan điểm chỉ đạo điều hành của NHNN trong những tháng cuối năm 2011 là: ổn định tỷ giá; đảm bảo giá vàng trong nước diễn biến sát với giá vàng thế giới, chống đầu cơ làm giá trên thị trường.

Phân tích cán cân thanh toán tổng thể trong những tháng vừa qua và dự báo những tháng cuối năm cho thấy cán cân thanh toán tổng thể năm 2011 có khả năng thặng dư từ 2,5 đến 4,5 tỷ USD.

Ổn định tỷ giá cũng sẽ là cơ sở quan trọng để bình ổn giá vàng theo hướng làm cho giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế. NHNN theo dõi sát sao biến động giá vàng trong và ngoài nước. Bên cạnh việc chủ động, kịp thời cho phép nhập khẩu vàng với khối lượng cần thiết để tránh đầu cơ làm giá trên thị trường trong nước. NHNN sẽ có cơ chế phù hợp để các TCTD có thể chủ động sử dụng lượng vàng hiện có trong nước để can thiệp bình ổn thị trường. Thời gian qua NHNN đã cấp hạn mức nhập vàng 5 tấn, nhưng thực tế các đơn vị mới chỉ thực nhập gần 3 tấn. Với các giải pháp của NHNN thời gian qua cũng như thời gian tới có thể khẳng định rằng chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát để đảm bảo diễn biến của giá vàng trong nước theo sát giá vàng quốc tế, chống đầu cơ, làm giá ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên