Sau 25 năm thu hút FDI: Phải quý hồ tinh...!

(VOV)-Các chuyên gia cho rằng, dù rất cần dòng vốn FDI cho nền kinh tế, nhưng phải kiên quyết theo hướng coi trọng chất lượng hơn số lượng.

Nhìn lại 25 năm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, các chuyên gia khẳng định, khu vực kinh tế có vốn FDI đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội, nhưng cũng lộ rõ nhiều bất cập. Do đó, thời gian tới Việt Nam phải xốc lại việc thu hút FDI theo hướng coi trọng chất lượng hơn số lượng.

FDI là một nguồn lực quan trọng

Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh khẳng định: Thu hút FDI đối với Việt Nam chiếm một vai trò rất quan trọng. DN FDI không chỉ mang đến nguồn lực về vốn mà còn mang đến Việt Nam các kinh nghiệm quản lý, và ở một chừng mực nhất định có thể có sự chuyển giao công nghệ. DN FDI tạo ra việc làm, giá trị xuất khẩu và rất nhiều chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong môi trường kinh tế Việt Nam.

Khu vực FDI nổi bật trong đổi mới và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường cơ sở vật chất cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước

Còn TS Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KHĐT) chỉ ra một số đóng góp cụ thể: Vốn FDI là nguồn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển, đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế. Giai đoạn 2001 – 2005, FDI đóng góp 16% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ trọng này tăng lên 24,8% trong thời kỳ 2006 – 2011. Vốn FDI còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp. Tỷ trọng ngành nông nghiệp từ chỗ chiếm 80% năm 1988 đến năm 2011 chỉ còn chiếm 22%, công nghiệp – dịch vụ chiếm 78%.

Cùng với đó, khu vực FDI đã đóng góp khoảng 18,3% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam; kim ngạch xuất khẩu khu vực FDI có tỷ trọng ngày càng tăng trong kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Nếu như năm 1995, khu vực FDI (kể cả dầu thô) chỉ chiếm 27% tổng xuất khẩu cả nước thì đến 2011 đã chiếm 59%, đến 2012 chiếm 64%.

Khu vực FDI còn nổi bật trong đổi mới và chuyển giao công nghệ ở Việt Nam, góp phần vào việc tăng cường cơ sở vật chất cho sự nghiệp CNH, HĐH đất nước; góp phần quan trọng trong việc tạo việc làm (tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và hàng chục vạn việc làm gián tiếp), tăng năng suất lao động, đào tạo và cải thiện nguồn nhân lực.

Ông Hoàng nhấn mạnh: “FDI đã đưa Việt Nam hội nhập sâu rộng vào đời sống kinh tế quốc tế và mở rộng quan hệ đối ngoại. Cùng với các nhân tố khác, FDI đã góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế”. 

Đồng thời, FDI còn mang đến một phương thức đầu tư kinh doanh mới, từ đó có tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác của nền kinh tế, khơi dậy các nguồn lực đầu tư trong nước. Thông qua sự liên kết giữa doanh nghiệp có vốn FDI với các doanh nghiệp trong nước, công nghệ và năng lực quản lý, kinh doanh được chuyển giao từ doanh nghiệp FDI sang các doanh nghiệp trong nước. Mặt khác, các doanh nghiệp FDI cũng tạo động lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong nước nhằm thích ứng trong bối cảnh toàn cầu hóa, qua đó nâng cao được năng lực của các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, FDI đã mở rộng quy mô thị trường trong nước, thúc đẩy sự hình thành và phát triển của nhiều ngành, lĩnh vực dịch vụ cũng như sản phẩm mới. Đồng thời, FDI cũng đóng vai trò quan trọng trong việc giới thiệu, đưa các sản phẩm hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam vào thị trường quốc tế; tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam; đẩy nhanh tốc độ mở cửa thương mại; tăng khả năng ổn định cán cân thương mại của đất nước.

Nhiều bất cập nhãn tiền

Mặc dù đã đạt được những kết quả cơ bản quan trọng nêu trên, song việc thu hút, sử dụng và quản lý vốn FDI thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế.  

TS Đỗ Nhất Hoàng đánh giá: Trong khi Việt Nam đang có nhu cầu lớn về vốn nhưng khả năng hấp thụ vốn FDI còn khiêm tốn, chưa tận dụng hiệu quả nguồn vốn này. Chất lượng của nguồn vốn chưa cao; việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao còn hạn chế; chuyển giao công nghệ còn chậm; còn có DN FDI sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; sử dụng tài nguyên đất đai, khoáng sản chưa thực sự hiệu quả; mối liên kết ngang và dọc giữa các DN FDI và DN trong nước chưa cao...

Ông Nguyễn Trần Bạt cảnh báo, đi cùng dòng vốn FDI có thể có rất nhiều cái bẫy, trong đó có tình trạng giả công nghệ, giả tài chính

Đồng quan điểm này, GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, bổ sung: Một số DN FDI hạch toán tăng giá đầu vào, giảm giá đầu ra, thậm chí khi bán cho công ty mẹ đã bán thấp hơn nhiều so với giá thành gây ra “lỗ giả”, trốn thuế. Thậm chí còn có tình trạng vay vốn của ngân hàng Việt Nam nhưng bỏ trốn. Với tình huống này, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, “xử lý không dễ”.

GS Mại chỉ ra thêm bất cập: không ít tỉnh, thành phố ở nước ta đã lạm dụng ưu đãi đầu tư miễn là thu hút được FDI mà không tính đến hiệu quả kinh tế- xã hội của địa phương, thậm chí miễn giảm tiền thuê đất đến mức UBND tỉnh phải vay tiền nhà đầu tư để trả chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng mà không biết liệu khi dự án đầu tư đi vào hoạt động thì thu ngân sách địa phương có đảm bảo hoàn lại không. Trong khi đó, một số chủ DN FDI không tôn trọng quyền hợp pháp của người lao động về giờ làm việc, tiền lương, tiền thưởng, sinh hoạt vật chất và tinh thần.

Trong dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam, ông Nguyễn Trần Bạt (Chủ tịch, Tổng Giám đốc Investconsult Group) cảnh báo, có thể có rất nhiều cái bẫy, trong đó có tình trạng giả công nghệ, giả tài chính... “Đó là những cái bẫy khổng lồ mà bất kỳ một người không chuyên nghiệp nào đều có thể rơi vào. Ví dụ, chúng ta nghĩ là chúng ta cần tiền, chúng ta gọi vốn để cho tiền vào Việt Nam, nhưng tiền vào Việt Nam có thể làm giàu người Việt mà cũng có thể làm “bẩn” người Việt. Vậy đồng tiền nào thì làm giàu, đồng tiền nào thì làm bẩn chúng ta phải phân biệt được và phải có công nghệ lọc”- ông Bạt cho biết.

Trong khi thu hút vốn FDI, theo ông Bạt, “Việt Nam có nguy cơ trở thành một bãi thải tất yếu của các vấn đề về môi trường, về công nghệ, về lao động...”.

Trọng chất FDI vì sự phát triển bền vững

Những tồn tại, hạn chế nêu trên của khu vực FDI, ông Đỗ Nhất Hoàng cho là có nguyên nhân từ sự yếu kém nội tại của nền kinh tế và hạn chế trong việc hoạch định và thực thi chính sách, pháp luật về FDI. Nguyên nhân chủ yếu là các văn bản pháp luật hiện hành về hoạt động FDI chưa thực sự đồng bộ, rõ ràng, các văn bản pháp luật còn chồng chéo, tạo ra các cách hiểu khác nhau trong quá trình áp dụng ở các cấp.

Về điểm này, Bộ trưởng Bộ KHĐT Bùi Quang Vinh thẳng thắn chỉ ra: “Hiện, thể chế trong vấn đề thu hút FDI còn đang cắt khúc, chồng chéo, thậm chí một số văn bản khi đọc lên mà chưa hiểu được nội dung nói cụ thể là như thế nào; thủ tục hành chính còn rất rườm rà”.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nêu dẫn chứng, Việt Nam rất ưu ái trong chính sách về công nghiệp phụ trợ. Nhưng nhiều văn bản liên quan, khi đọc lên, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn không hiểu mặt hàng họ sản xuất thuộc loại dự án nào, được ưu đãi gì. Rồi lại phải đi gặp ông A, ông B và xin xỏ chán chê mới được.

Do vậy, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để các nhà đầu tư đến chỉ cần gặp một nơi, không phải chạy đi rất nhiều cơ quan để làm thủ tục.

Song song với cải cách để thu hút tốt hơn vốn FDI, Việt Nam cần đặc biệt chú ý đến quản lý chất lượng, hiệu quả vốn FDI. GS Mại đề xuất: Cần cần chuyển hướng sang chính sách nâng cấp FDI coi trọng hơn chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững. Chất lượng và hiệu quả của các dự án FDI cần được xem xét dưới giác độ phù hợp với mục tiêu của Chiến lược kinh tế- xã hội của cả nước, của từng ngành, vùng lãnh thổ và địa phương.

Việc chuyển nhanh từ lợi thế chủ yếu từ lao động phổ thông và tiền công thấp sang lao động có kỹ năng vừa đạt được đồng thời 2 mục tiêu: một là, ngành nghề sử dụng nhiều lao động phổ thông dành ưu tiên cho các doanh nghiệp trong nước, nhất là dịch vụ là lĩnh vực đòi hỏi ít vốn đầu tư nhưng giải quyết được nhiều lao động; hai là, ngành công nghệ cao và dịch vụ hiện đại cần lao động có kỹ năng thì thu hút FDI với cam kết về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, để hình thành đội ngũ các nhà quản lý, kỹ sư, công nhân kỷ thuật ngang tầm khu vực và tiếp cận tầm quốc tế.

Chuyên gia Nguyễn Trần Bạt đặc biệt lưu ý quá trình thẩm định và đánh giá các dự án đầu tư. Chính phủ mà đại diện là Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn toàn có quyền thành lập những trung tâm thẩm định. Mỗi miền của đất nước có thể có một trung tâm. Trung tâm ấy có trách nhiệm thẩm định những dự án từ bao nhiêu trăm triệu USD trở lên, chẳng hạn. Thậm chí chia quá trình thẩm định ra nhiều cấp: cấp thẩm định đối tác, cấp thẩm định công nghệ, cấp thẩm định các hậu quả kinh tế và xã hội.

Nhấn mạnh quyết tâm trong việc “trọng chất” vốn FDI thời gian tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết: Mấu chốt hiện nay là phải nâng cao chất lượng đầu tư. Đó là chú trọng đến công nghệ, vì công nghệ hiện đại sẽ tiêu thụ năng lượng ít, sản phẩm có sức cạnh tranh. Đồng thời, sẽ định hướng thu hút FDI vào những ngành nghề chúng ta đang muốn thu hút vào. Ví dụ, chọn công nghiệp phụ trợ hay một số lĩnh vực mà Việt Nam cần hoặc có lợi thế khác, chứ không để nhà đầu tư chọn làm cái họ muốn. Có thể nếu lĩnh vực nhà đầu tư muốn làm là công nghệ cao nhưng Việt Nam không muốn thì chọn cái khác”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Năm 2013 mục tiêu thu hút 13-14 tỷ USD vốn FDI
Năm 2013 mục tiêu thu hút 13-14 tỷ USD vốn FDI

(VOV) -Bộ KHĐT cũng đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay khoảng 10,5-11 tỷ USD.

Năm 2013 mục tiêu thu hút 13-14 tỷ USD vốn FDI

Năm 2013 mục tiêu thu hút 13-14 tỷ USD vốn FDI

(VOV) -Bộ KHĐT cũng đặt mục tiêu giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài năm nay khoảng 10,5-11 tỷ USD.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Khó xử lý doanh nghiệp FDI bỏ trốn
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Khó xử lý doanh nghiệp FDI bỏ trốn

(VOV) -Tình trạng doanh nghiệp FDI vay vốn của ngân hàng trong nước nhưng không hoạt động nữa, bỏ trốn khỏi địa bàn là có, tuy không nhiều

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Khó xử lý doanh nghiệp FDI bỏ trốn

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Khó xử lý doanh nghiệp FDI bỏ trốn

(VOV) -Tình trạng doanh nghiệp FDI vay vốn của ngân hàng trong nước nhưng không hoạt động nữa, bỏ trốn khỏi địa bàn là có, tuy không nhiều

Tháng 1, thu hút 281,4 triệu USD vốn FDI
Tháng 1, thu hút 281,4 triệu USD vốn FDI

(VOV) -Số vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1 này tăng 74% so với cùng kỳ năm 2012.

Tháng 1, thu hút 281,4 triệu USD vốn FDI

Tháng 1, thu hút 281,4 triệu USD vốn FDI

(VOV) -Số vốn FDI vào Việt Nam trong tháng 1 này tăng 74% so với cùng kỳ năm 2012.

FDI cả năm chỉ đạt 12,72 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu
FDI cả năm chỉ đạt 12,72 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu

(VOV) -Trong số vốn FDI thu hút được năm 2012 này, vốn đăng ký tăng thêm là 4,925 tỷ USD với 406 dự án.

FDI cả năm chỉ đạt 12,72 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu

FDI cả năm chỉ đạt 12,72 tỷ USD, thấp hơn mục tiêu

(VOV) -Trong số vốn FDI thu hút được năm 2012 này, vốn đăng ký tăng thêm là 4,925 tỷ USD với 406 dự án.

 FDI vào Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN
FDI vào Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN

(VOV)-Kết quả này do Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ nhất trong số các nước Đông Nam Á và môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn.

 FDI vào Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN

FDI vào Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN

(VOV)-Kết quả này do Việt Nam có nguồn lao động giá rẻ nhất trong số các nước Đông Nam Á và môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn.