Giảm sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng

(VOV) -Theo lộ trình, các TCTD phải thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả.

Đây là một trong những biện pháp mà Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng nghiên cứu, đề xuất để tiến hành giải quyết tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng, đặc biệt là tình trạng sở hữu cổ phần lẫn nhau của các tổ chức tín dụng (TCTD).

Thực tế, sở hữu chéo trong ngân hàng đến nay là vấn đề hết sức phức tạp khiến hoạt động của các ngân hàng (NH) không minh bạch. Quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cần phải giải quyết những bất cập từ vấn đề sở hữu chéo.

Giải quyết sở hữu chéo để tái cơ cấu NH

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô 2012 do Ủy ban Kinh tế của QH công bố, vấn đề sở hữu chéo giữa các TCTD ở Việt Nam ngày càng trở nên nghiêm trọng. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn dựa trên quan hệ thay vì hiệu quả sử dụng.

Theo báo cáo này, sở hữu chéo trong hệ thống NH Việt Nam có thể chia thành sáu nhóm: Thứ nhất, sở hữu của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và NHTM nước ngoài tại các NH liên doanh; Thứ hai, cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM - cả nhà nước lẫn cổ phần; Thứ ba, cổ đông tại các NHTM là các công ty quản lý quỹ; Thứ tư, sở hữu của các NHTM nhà nước tại các NHTM cổ phần; Thứ năm, sở hữu lẫn nhau giữa các NHTM cổ phần; Thứ sáu, sở hữu NHTM cổ phần bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân: 

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế nhận định trong các mối quan hệ trên, ba nhóm sở hữu chéo đầu tiên có tính tích cực vì các mối quan hệ này chủ yếu hướng đến việc tăng cường thúc đẩy hoạt động thương mại giữa Việt Nam và quốc tế, nâng cao năng lực quản trị và thúc đẩy việc sử dụng vốn một cách có hiệu quả.

Đáng bàn nhất là mối quan hệ ở ba nhóm sau. Khi các NHTM nhà nước là cổ đông lớn của các NHTM cổ phần, các NHTM nhà nước có thể ảnh hưởng đến các NH thuộc nhóm sau trong việc cung cấp vốn cho các DNNN. Với trường hợp các NHTM có cổ đông lớn là các DN, rất có thể các NHTM này trở thành sân sau, chuyên huy động vốn từ dân để tài trợ cho các dự án của DN cổ đông. Mặc dù theo quy định, các NH không được cho các cổ đông của mình vay vốn nhưng các NH có thể lách quy định bằng cách cho các công ty con của các DN vay vốn. Tương tự, việc sở hữu chéo giữa các NH cũng tạo điều kiện để cho các DN sở hữu NH này có thể dễ dàng vay được vốn từ NH kia.

Như vậy, ba trường hợp sở hữu này đều có nguy cơ dẫn đến việc các NHTM sẽ tiến hành thẩm định vốn vay thiếu cẩn trọng. Nếu điều này xảy ra, đây có thể coi là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu trong hệ thống các TCTD tăng cao.

Báo cáo của Ủy ban Kinh tế cho rằng quá trình tái cấu trúc hệ thống NH cần phải giải quyết vấn đề sở hữu chéo nêu trên.

Tăng cường thanh tra, giám sát TCTD

Theo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng – NHNN, luật Các TCTD năm 2010 không cho phép các TCTD sở hữu cổ phần lẫn nhau (Khoản 5 Điều 129); không cho phép các công ty con, công ty liên kết của một TCTD được góp vốn, mua cổ phần của chính TCTD đó (Khoản 2 Điều 135). Tuy nhiên do yếu tố lịch sử, trên thực tế, hiện vẫn còn một số TCTD góp vốn tại nhiều TCTD khác hoặc có sở hữu cổ phần lẫn nhau (xảy ra từ trước khi Luật Các TCTD năm 2010 có hiệu lực) hoặc có một số trường hợp TCTD thông qua các công ty con của mình sở hữu cổ phần của TCTD khác (gọi chung là các TCTD “có liên quan”).

Việc tồn tại nhóm các TCTD sở hữu cổ phần lẫn nhau gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực như làm gia tăng rủi ro hệ thống tạo điều kiện cho các hành vi chuyển vốn lòng vòng, tăng vốn điều lệ không thực chất... Do đó, cần phải xử lý kiên quyết vấn đề sở hữu chéo theo lộ trình phù hợp.

Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng nêu trên, NHNN triển khai các giải pháp, trong đó có việc phải tăng cường công tác thanh tra, giám sát, rà soát, chấn chỉnh các trường hợp vi phạm các quy định tại Khoản 5 Điều 129, Khoản 2 Điều 135 Luật các TCTD năm 2010 và các quy định có liên quan đến vấn đề sở hữu chéo của các TCTD. Xây dựng lộ trình giảm sở hữu vốn lẫn nhau giữa các TCTD; tạo điều kiện cho các TCTD thoái vốn ở các TCTD và các công ty con, công ty liên kết hoạt động không có hiệu quả.

Đồng thời, cũng theo Cơ quan Thanh tra, cần xác định nguồn lực tài chính của các cổ đông của TCTD khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại TCTD. Cụ thể, để đảm bảo nguồn vốn của các cổ đông là cá nhân, tổ chức đầu tư vào TCTD là hợp pháp và phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của họ, khi xem xét việc tăng vốn điều lệ của các TCTD, NHNN sẽ tăng cường công tác xác minh nguồn tiền của các cổ đông và người có liên quan khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các TCTD (thông qua các hồ sơ chứng minh năng lực tài chính và quan hệ tín dụng tại các TCTD).

Ngoài ra, việc giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của các đối tượng có sở hữu chéo cũng rất quan trọng. Theo đó, NHNN sẽ giám sát chặt chẽ quan hệ tín dụng của những cổ đông và người có liên quan tại các TCTD có liên quan để một mặt đánh giá khả năng tài chính của cổ đông; mặt khác, ngăn chặn, phát hiện và xử lý tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng dẫn đến vi phạm giới hạn cấp tín dụng cho cổ đông và người liên quan.

Bên cạnh đó, NHNN sẽ phối hợp với Ủy ban chứng khoán theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Thống đốc mạnh tay với “lợi ích nhóm, sở hữu chéo”
Thống đốc mạnh tay với “lợi ích nhóm, sở hữu chéo”

(VOV) -Lợi ích nhóm và sở hữu chéo là những rào cản khó vượt nhất khi tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.

Thống đốc mạnh tay với “lợi ích nhóm, sở hữu chéo”

Thống đốc mạnh tay với “lợi ích nhóm, sở hữu chéo”

(VOV) -Lợi ích nhóm và sở hữu chéo là những rào cản khó vượt nhất khi tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng.

Sở hữu chéo và vốn ảo trong hệ thống ngân hàng
Sở hữu chéo và vốn ảo trong hệ thống ngân hàng

(VOV) -Sở hữu chéo khiến đánh giá rủi ro hệ thống, quản trị và giám sát đối với hệ thống tài chính-ngân hàng bị sai lệch.

Sở hữu chéo và vốn ảo trong hệ thống ngân hàng

Sở hữu chéo và vốn ảo trong hệ thống ngân hàng

(VOV) -Sở hữu chéo khiến đánh giá rủi ro hệ thống, quản trị và giám sát đối với hệ thống tài chính-ngân hàng bị sai lệch.