Thu phí ATM chủ yếu ở ngân hàng chiếm thị phần lớn

(VOV) -Các NH này có lượng thẻ ghi nợ nội địa chiếm 45% trên toàn thị trường và 38% máy ATM tại Việt Nam.

Đánh giá về kết quả triển khai Thông tư 35/TT-NHNN ngày 28/12 quy định về thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa, Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, 4/46 tổ chức phát hành thẻ (TCPHT) có chính sách thu phí rút tiền ATM nội mạng như Vietcombank, Agribank... đã đề ra những chính sách cụ thể về phân loại đối tượng khách hàng và hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp, sinh viên nghèo...

Dung hòa lợi ích khách hàng và TCPHT

Báo cáo nhận định, việc quy định khung mức phí từ 0-1.000 đồng/giao dịch rút tiền nội mạng đã thể hiện vai trò quản lý nhà nước của NHNN qua việc điều tiết mức phí tối đa TCPHT được phép thu, làm cơ sở cho các TCPHT xây dựng mức phí phù hợp với năng lực tài chính và chính sách khách hàng của tổ chức mình. Theo cơ chế này, một số TCPHT có thể miễn giảm đến mức không thu phí cho khách hàng trong khi một số khác áp dụng thu phí ở mức tối đa 1.000 đồng/giao dịch để bù đắp phần nào chi phí đã đầu tư cho hạ tầng ATM và cân đối thu chi cho việc duy trì hoạt động hệ thống ATM. Việc không quy định một mức phí cứng nhắc mà chỉ quy định khung phí vừa đảm bảo tuân thủ pháp luật về cạnh tranh, nguyên tắc thỏa thuận trong giao kết hợp đồng, giúp khách hàng có nhiều lựa chọn hơn về ngân hàng phục vụ với cách thức thu phí khác nhau còn TCPHT cũng có được sự linh hoạt nhất định trong việc quy định mức phí, chính sách phí đối với khách hàng, đảm bảo dung hòa lợi ích giữa khách hàng và TCPHT.

Các NHTM trên các địa bàn đã tuân thủ quy định về khung phí, công bố thông tin về phí, giải quyết kịp thời các thắc mắc, khiếu nại của khách hàng.

Thu phí để bù đắp chi phí đầu tư ATM

Hiện có 8 ngân hàng có chính sách thu phí giao dịch ATM rút tiền nội mạng gồm BIDV, Vietinbank, Vietcombank, Agribank, Sacombank, SeABank, LienVietPost Bank và WesternBank. Trong 8 TCPHT có chính sách thu phí, Vietcombank, Sacombank, SeABank, Western Bank là đã áp dụng thu phí. 3 ngân hàng lớn còn lại dự kiến thu phí nhưng đang áp dụng khuyến mại nhân dịp 30/4 hoặc chưa chốt thời điểm áp dụng là BIDV, Agribank và Vietinbank. Phần lớn các ngân hàng phát hành thẻ nêu trên đều có lượng thẻ phát hành lớn, tổng cộng chiếm tới 70% lượng thẻ ghi nợ nội địa toàn thị trường và sở hữu lượng máy ATM chiếm 57% trên tổng số máy toàn thị trường.

Theo đánh giá của NHNN, những TCPHT này đã mất nhiều chi phí cho đầu tư hạ tầng và duy trì dịch vụ ATM trong những năm qua nên có nhu cầu thu phí giao dịch ATM nội mạng để bù đắp phần nào chi phí bỏ ra.

Nhóm chưa thu phí giao dịch ATM rút tiền nội mạng  gồm 35 TCPHT có quy mô nhỏ và vừa, có lượng thẻ phát hành và lượng máy ATM sở hữu chưa nhiều nên chưa mất nhiều chi phí đầu tư cho hạ tầng và duy trì dịch vụ ATM. Vì vậy, những ngân hàng này hiện tại vẫn tiếp tục chưa thu phí để duy trì lượng khách hàng hiện có và thu hút thêm khách hàng mới. Còn lại, 3 TCPHT là Ngân hàng Việt Nam Thương Tín, Ngân hàng Kiên Long và Quỹ Tín dụng Nhân dân TW do mới lưu hành thẻ ghi nợ nội địa nên chưa xây dựng biểu phí cụ thể cho sản phẩm này.

Chính sách hỗ trợ các đối tượng thu nhập thấp

Ngoài việc tập trung vào phí giao dịch ATM rút tiền nội mạng, Thông tư 35 cũng quy định khung phí cho các phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa khác như phí phát hành thẻ, phí thường niên, phí in sao kê, phí vấn tin tài khoản và phí chuyển khoản tại ATM. Theo báo cáo của Vụ Thanh toán, mỗi TCHPT có cách thức kết hợp thu phí khác nhau giữa phí định kỳ và phí giao dịch. Những TCPHT mới tham gia phát hành thẻ, hoặc có lượng chủ thẻ ít thường có xu hướng miễn tất cả các loại phí (phí phát hành, phí thường niên, phí giao dịch tại ATM) cho chủ thẻ nhằm gia tăng số lượng khách hàng, quảng bá sản phẩm, dịch vụ thẻ/tài khoản.  Những TCPHT đã phát hành thẻ từ lâu nhưng chưa xây dựng được cơ sở khách hàng đủ lớn có xu hướng áp dụng các khoản phí định kỳ như phí phát hành, phí thường niên nhưng miễn các loại phí giao dịch ATM hoặc ngược lại thu phí giao dịch ATM nhưng miễn phí phát hành, phí thường niên. Những TCPHT có lượng thẻ phát hành lớn, mất nhiều chi phí để duy trì hoạt động hệ thống ATM và chất lượng dịch vụ thẻ thường thu cả phí phát hành, phí thường niên và phí giao dịch ATM.

Tại khoản 2 Điều 7 Thông tư 35 có quy định“tổ chức phát hành thẻ cần có biện pháp phân loại đối tượng khách hàng để có hình thức hỗ trợ phù hợp với sinh viên nghèo, người lao động có thu nhập thấp.”. Trên thực tế, 4/46 TCPHT có chính sách thu phí rút tiền ATM nội mạng như Vietcombank, Agribank... đã đề ra những chính sách cụ thể về phân loại đối tượng khách hàng và hỗ trợ cho người lao động có thu nhập thấp, sinh viên nghèo... Những TCPHT này đều có quy mô lớn với lượng thẻ ghi nợ nội địa chiếm 45% tổng số thẻ toàn thị trường và sở hữu lượng máy ATM chiếm tới 38% tổng số máy ATM tại Việt Nam, qua đó giúp một bộ phận không nhỏ những đối tượng khách hàng nêu trên được hưởng những lợi ích, cụ thể, thiết thực, tránh bị ảnh hưởng bởi việc thu phí rút tiền ATM nội mạng. Bên cạnh đó, các TCPHT khác mặc dù chưa nêu ra chính sách, biện pháp hỗ trợ cụ thể đối với nhóm đối tượng nêu trên tuy nhiên qua việc chưa áp dụng thu phí giao dịch ATM rút tiền nội mạng cũng hưởng ứng chủ trương trên của Thông tư 35./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Từ việc thu phí ATM: Sao không thanh toán bằng thẻ?
Từ việc thu phí ATM: Sao không thanh toán bằng thẻ?

(VOV) - Hạn chế thanh tóan bằng tiền mặt giúp đất nước tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ cho việc in tiền.

Từ việc thu phí ATM: Sao không thanh toán bằng thẻ?

Từ việc thu phí ATM: Sao không thanh toán bằng thẻ?

(VOV) - Hạn chế thanh tóan bằng tiền mặt giúp đất nước tiết kiệm được một khoản chi phí không nhỏ cho việc in tiền.

22 ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng
22 ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng

(VOV) -Theo khảo sát ngày 27/2, hiện các ngân hàng Vietcombank, Maritime Bank, Techcombank... chưa thu phí rút tiền mặt nội mạng.

22 ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng

22 ngân hàng chưa thu phí ATM nội mạng

(VOV) -Theo khảo sát ngày 27/2, hiện các ngân hàng Vietcombank, Maritime Bank, Techcombank... chưa thu phí rút tiền mặt nội mạng.