Tầng lớp trung lưu Việt Nam tăng mạnh nhất khu vực

Đến năm 2020, tầng lớp người tiêu dùng trung lưu và giàu có tại Việt Nam được dự đoán bằng hai phần ba Thái Lan.

Theo khảo sát mới nhất của Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), Việt Nam hiện là quốc gia có tốc độ tăng trưởng tầng lớp trung lưu và giàu có mạnh nhất Đông Nam Á, dự kiến lên 33 triệu người vào năm 2020.

Đến năm 2020, tầng lớp người tiêu dùng trung lưu và giàu có tại Việt Nam được dự đoán bằng hai phần ba Thái Lan. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng từ 1.400 USD lên 3.400 USD một năm.

Theo các số liệu được thu thập trong năm 2013, người tiêu dùng Việt Nam cũng được đánh giá thuộc nhóm lạc quan nhất thế giới. Khảo sát của BCG cho thấy hơn 90% người dân cho rằng họ có mức sống cao hơn cha mẹ và dự đoán chất lượng sống sẽ còn tiếp tục được cải thiện ở đời con cháu. Số liệu này thuộc top cao nhất trong 25 nước được khảo sát, vượt cả Trung Quốc, Ấn Độ hay Indonesia.

Bên cạnh đó, bất chấp các lo ngại về kinh tế toàn cầu trong ngắn hạn, 70% người tiêu dùng Việt Nam cho biết nền kinh tế trong nước đang cải thiện. Nhóm người này cũng có tài chính đảm bảo và sẵn sàng mua sắm nhiều hơn năm trước.

Chính vì vậy, Việt Nam đã trở thành điểm đến ưa thích của nhà đầu tư nước ngoài trong vài năm nay. Samsung vừa được cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy 1,2 tỷ USD. Nestlé gần đây mở nhà máy chế biến cà phê 240 triệu USD để phục vụ thị trường Đông Nam Á. Các chuỗi cửa hàng nổi tiếng thế giới như McDonald’s, KFC, Starbucks, Pizza Hut hay Burger King cũng đã có mặt tại đây.

"Các công ty đầu tư vào Việt Nam đang có cơ hội gây dựng doanh nghiệp, thương hiệu và đà tăng trưởng. Tuy nhiên, họ chỉ có thể làm được nếu hiểu biết rõ người tiêu dùng và cách thỏa mãn nhu cầu của họ", Douglas Jackson – Giám đốc điều hành BCG Việt Nam nhận định trong báo cáo "Việt Nam và Myanmar: Những nước tăng trưởng mới của Đông Nam Á".

Trong khi đó, Tuomas Rinne – đồng tác giả của nghiên cứu này cho biết: "Nếu Việt Nam là cơ hội ngay bây giờ, thì Myanmar là cuộc chơi dài hạn. Thị trường vẫn đang phát triển, vẫn còn thời gian để học hỏi và tập trung chiến lược"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên