Tăng lương cơ bản: Cần có sự hỗ trợ, bù đắp với nhóm yếu thế

VOV.VN - Không bố trí được nguồn cho tăng lương nhưng dứt khoát phải có sự hỗ trợ, bù đắp cho một số đối tượng khó khăn như người về hưu lâu năm…

Tiếp tục câu chuyện tăng lương cơ bản trong năm 2015, một số đại biểu Quốc hội đề nghị cần bố trí kinh phí để tăng lương tối thiểu theo lộ trình để bảo đảm đời sống cho một bộ phận người nghỉ hưu và CBCC có thu nhập thấp. 

Những người nghỉ hưu lâu năm cần có sự quan tâm, hỗ trợ (ảnh Internet)

Đại diện cho quan điểm này, Đại biểu Trần Văn Minh (đoàn Quảng Ninh) cho rằng: “Theo tôi nên xem xét tăng lương tối thiểu với giá trị và tỷ lệ thích hợp. Vì tiền lương của người làm công ăn lương chủ yếu để phục vụ sinh hoạt”.

Còn theo quan điểm của Đại biểu Cao Sỹ Kiêm (đoàn Thái Bình): “Chúng ta không bố trí được nguồn cho tăng lương nhưng dứt khoát phải có sự hỗ trợ, bù đắp cho một số đối tượng khó khăn, ví dụ các cụ về hưu lâu năm, lực lượng lao động trong những ngành khó khăn… Bởi đây là nhóm đối tượng rất yếu thế trong xã hội”.

Trong lúc này, những người làm công, ăn lương phải chia sẻ với Chính phủ. Thực tế, người làm công ăn lương đã có sự chia sẻ rồi vì lương 2 năm nay không tăng trong khi giá vẫn tăng. “Nói chung là người lao động đang bị chia sẻ với Chính phủ rồi vì năm ngoái đã không tăng lương, năm nay lại không tăng nữa” – ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Cùng chung quan điểm nên điều chỉnh lương cho một số đối tượng, đại biểu Bùi Đức Thụ (đoàn Lai Châu) cho biết: Chúng tôi suy nghĩ đến hai hướng. Một là, đối tượng về hưu, nhất là các cụ nghỉ hưu đã lâu có mức lương rất thấp và chế độ hưởng phụ cấp ở một số ngành đặc thù. Với điều kiện như hiện nay, việc trượt giá, đời sống vật chất khó khăn thì nếu xét mức độ ưu tiên thì phải quan tâm đến đối tượng này.

Dạng thứ hai, để tăng cường chế độ trách nhiệm và nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy công quyền, đối với cán bộ công chức có thể không tăng lương nhưng có thể tính đến phụ cấp công vụ trực tiếp cho một số đối tượng và cũng phù hợp với thực tiễn. Nhưng chỗ này, với bối cảnh chung về cân đối ngân sách Nhà nước năm 2015 thì chúng tôi thấy cần thiết phải ưu tiên đi trước một chút nhưng thực hiện ngay trong năm 2015 thì cũng rất khó.

“Trong quá trình điều hành ngân sách Nhà nước năm 2015 nếu có những nguồn phát sinh và có những điều kiện tiền đề để xử lý được ngay trong năm 2015 thì tốt, không thì phải bắt đầu từ những năm sau” – ông Bùi Đức Thụ nói.

Thực tế những năm qua lạm phát tăng dẫn đến việc giảm thu nhập thực tế của công chức, viên chức và của toàn bộ những người hưởng lương.

Trong lúc này, để tháo gỡ khó khăn cho người lao động, có ý kiến cho rằng, một số địa phương cân đối được nguồn thì có quyền điều chỉnh phụ cấp cho một số đối tượng. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Bùi Đức Thụ, chính sách đối với con người phải hết sức thận trọng, cân nhắc. Nếu giao cho từng địa phương, “anh” nào khỏe có quyền tự quyết được thì vô hình chung phá vỡ chính sách và tạo thành bất bình đẳng. Cũng là cán bộ nhà nước, cũng trình độ như vậy, nhưng làm chỗ này được hưởng lương quá cao, nhất là với những thành phố lớn, còn với vùng sâu, vùng xa thì khó khăn thì đã có phụ cấp khu vực, phụ cấp thu hút rồi.

“Bây giờ nếu cho “anh” nào “khỏe” như Hà Nội, TP HCM có quyền chi cho người vượt lên thì tôi cho rằng phải xem xét tính hợp lý, nếu không nó sẽ phá vỡ chính sách chung, chính sách chi đối với con người, tạo thành bất bình đẳng trong xã hội” – ông Bùi Đức Thụ nói.

Còn các khoản trợ cấp đối với một số trường hợp để đảm bảo an sinh xã hội, ông Bùi Đức Thụ cho rằng có thể được, nhưng phải được quản lý chặt chẽ theo đúng đối tượng.

Không tăng lương, bố trí nguồn trả nợ

Việc tạm dừng tăng lương để bố trí nguồn cho trả nợ, theo quan điểm của Đại biểu Cao Sỹ Kiêm là đúng. Vì nợ chúng ta đã cam kết quốc tế rồi. Nếu vay không trả thì sẽ bị phạt, chuyển thành nợ quá hạn lại mất thêm tiền phí nữa. Kéo theo chuyện mất lòng tin, mất tín nhiệm, bị cô lập, phong tỏa còn thiệt hại hơn nhiều việc phải dừng chi cái khác.

Giãn lộ trình tăng lương, theo ông Bùi Đức Thụ, cũng có những lý do hợp lý. Bởi trong những năm qua, tốc độ tăng lương cao hơn tăng năng suất lao động xã hội. Tiền lương ấy đúng với số lượng, chất lượng cống hiến của người lao động. “Quan trọng hơn là điều kiện thực hiện tăng lương năm 2015 là chưa có, do mất cân đối ngân sách Nhà nước”- ông Bùi Đức Thụ nói.

Trong điều kiện kinh tế phát triển không thuận lợi, thu ngân sách nhà nước có nhiều khó khăn nhưng vẫn phải giảm thu để hỗ trợ doanh nghiệp. Và phải tập trung nguồn vốn ngân sách và huy động trái phiếu Chính phủ cho đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng. Đồng thời, còn phải dành phần lớn để thực hiện các chính sách xã hội và tiền lương.

Mặt khác, cơ cấu vay ưu đãi nước ngoài có xu hướng giảm qua các năm do Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình nên tỷ trọng vay trong nước tăng lên và việc huy động trái phiếu Chính phủ chủ yếu là dưới 5 năm dẫn đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong ngắn hạn tăng lên. Trong bối cảnh đó, chúng ta vẫn bảo đảm trả nợ đầy đủ, không để phát sinh nợ quá hạn.

Dự kiến năm 2014 tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với tổng thu ngân sách khoảng 14,2% (theo quy định của Chiến lược nợ công là không quá 25%) nhưng nếu tính cả vay để đảo nợ và trả nợ vay về cho vay lại thì khoảng 26,2%./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tăng lương 2015: Vẫn chưa bố trí được nguồn
Tăng lương 2015: Vẫn chưa bố trí được nguồn

VOV.VN - Dự toán thu ngân sách nhà nước sẽ vượt 9% nhưng mức vượt này sẽ dùng để bù kinh phí thực hiện an sinh xã hội, trả nợ…

Tăng lương 2015: Vẫn chưa bố trí được nguồn

Tăng lương 2015: Vẫn chưa bố trí được nguồn

VOV.VN - Dự toán thu ngân sách nhà nước sẽ vượt 9% nhưng mức vượt này sẽ dùng để bù kinh phí thực hiện an sinh xã hội, trả nợ…

Tăng lương tối thiểu năm 2015: Bài toán khó!
Tăng lương tối thiểu năm 2015: Bài toán khó!

VOV.VN -Một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng lương theo lộ trình để bảo đảm đời sống cho người có thu nhập thấp, ý kiến khác lại không đồng tình.

Tăng lương tối thiểu năm 2015: Bài toán khó!

Tăng lương tối thiểu năm 2015: Bài toán khó!

VOV.VN -Một số đại biểu Quốc hội cho rằng cần tăng lương theo lộ trình để bảo đảm đời sống cho người có thu nhập thấp, ý kiến khác lại không đồng tình.

Vượt thu ngân sách vẫn khó tăng lương trong năm 2015?
Vượt thu ngân sách vẫn khó tăng lương trong năm 2015?

VOV.VN - Mặc dù dự kiến thu ngân sách năm nay vượt 9% dự toán, song ngân sách vẫn không đủ nguồn để tăng lương năm 2015.

Vượt thu ngân sách vẫn khó tăng lương trong năm 2015?

Vượt thu ngân sách vẫn khó tăng lương trong năm 2015?

VOV.VN - Mặc dù dự kiến thu ngân sách năm nay vượt 9% dự toán, song ngân sách vẫn không đủ nguồn để tăng lương năm 2015.