Tăng thuế cá tra sẽ không làm giảm xuất khẩu sang Mỹ

Theo Vasep, việc các doanh nghiệp dẫn đầu bị áp thuế cao sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp khác chịu thuế thấp hơn thay thế thị phần.

Theo ông Dương Ngọc Minh, phó chủ tịch Vasep, các doanh nghiệp nằm ngoài vụ kiện với mức thuế chỉ 0,03 cent/kg vẫn hoạt động xuất khẩu bình thường và đang có kế hoạch tăng sản lượng để xuất khẩu vào Mỹ.

SGTT dẫn lời ông Nguyễn Văn Ký, tổng giám đốc công ty Agifish An Giang, một trong số các doanh nghiệp hưởng mức thuế thấp cho biết, công ty bắt đầu có kế hoạch đẩy mạnh sản lượng từ 250 tấn nguyên liệu/ngày lên 300 – 400 tấn.

Trong đợt rà soát hành chính lần 8 vừa qua, hai doanh nghiệp Vĩnh Hoàn và Anvifish có thị phần lớn nhất bị áp thuế cao. Ông Dương Ngọc Minh cho rằng, đây sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp khác thay thế thị phần. Vasep dự báo năm nay xuất khẩu vào Mỹ không sụt giảm mà vẫn đạt con số từ 280 – 350 triệu USD.

Trước đó ngày 14/3/2013, DOC công bố kết quả cuối cùng đợt xem xét hành chính thuế chống bán phá giá lần thứ 8 (POR8) đối với mặt hàng cá tra philê đông lạnh của Việt Nam xuất sang thị trường Mỹ trong giai đoạn từ 1/8/2010 đến 31/7/2011. Theo đó, DOC đột ngột quyết định thay đổi quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam từ Bangladesh thành Indonesia, dẫn đến mức thuế chống bán phá giá với một số doanh nghiệp tăng gấp vài chục lần so với mức thuế suất trung bình của POR7.

Thông cáo báo chí của VASEP cho biết, quyết định cuối cùng này của DOC đã chịu ảnh hưởng từ cuộc vận động chính trị của Hiệp hội các nhà nuôi cá nheo Mỹ (CFA). CFA đã công khai các cuộc gặp cấp cao cũng như nỗ lực vận động trực tiếp các nhà làm luật DOC. Chính vì vậy, quyết định cuối cùng mang tính trừng phạt này của DOC khiến nhiều người nghi ngờ về tính công bằng trong quá trình xem xét cũng như sự công tư của DOC./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên