Cơ hội và thách thức cho thị trường bán lẻ Việt Nam

VOV.VN - Các doanh nghiệp bán lẻ trong nước vẫn cần nhiều sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng.

“Mở cửa thị trường bán lẻ Việt Nam: Cơ hội và thách thức” là chủ đề cuộc tọa đàm ngày 4/6 tại Hà Nội do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức. Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, để vượt qua những thách thức và cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thì các doanh nghiệp trong nước cần nhiều sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng.

Các đại biểu cho biết, từ khi tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), các nhà bán lẻ Việt Nam cũng phát triển và đồng hành với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài. Chính vì vậy, mặc dù thời gian qua, nền kinh tế gặp nhiều khó khăn nhưng thị trường bán lẻ nước ta vẫn có bước phát triển đáng khích lệ, tăng trưởng xấp xỉ 6%.

DN bán lẻ trong nước sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các DN nước ngoài. (Ảnh: Internet)

Việc Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới sẽ có nhiều cơ hội để thị trường bán lẻ trong nước nắm được thời cơ để vươn xa, phát triển bền vững. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá: Khả năng phát triển sắp tới của nền công nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần phải vượt qua để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất thường có nguồn vốn nhỏ, hạ tầng phục vụ còn thấp, tính chuyên nghiệp chưa cao.   

“Đầu vào của thị trường bán lẻ Việt Nam hiện nay do có nền sản xuất quy mô nhỏ, năng suất thấp, hàng rẻ, hàng đẹp nhưng không vào được siêu thị bởi cần hóa đơn, chứng từ, bao bì, chứng từ bao bì gây khó khăn cho người nông dân. Chính vì những vấn đề này làm cho siêu thị không có hàng bán mà phải nhập hàng từ các nước khác. Do đó, việc tổ chức lại để các nhà sản xuất và bán lẻ ngồi lại với nhau, cùng đầu tư sản xuất là cần thiết trong giai đoạn hiện nay”, ông Phú cho biết.

Để vượt qua những thách thức và cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng về cung cấp thông tin, kế hoạch triển khai ban đầu, cách thức quảng bá thương hiệu tốt nhất. Đồng thời, mong muốn có có chính sách giá linh hoạt, cơ động để doanh nghiệp có thể chủ động, đưa tới khách hàng những chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổ chức nhiều các cuộc trao đổi, tọa đàm, hội thảo nhiều hơn nữa để các doanh nghiệp sản xuất với các nhà phân phối gắn liền với nhau mà cụ thể là các doanh nghiệp bán lẻ để quá trình sản xuất và phân phối được gần nhau hơn nhằm hạn chế được tầng lớp trung gian. Từ đó thúc đẩy thị trường bán lẻ trong nước phát triển ổn định và cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài

Theo nhiều chuyên gia, trước sức ép từ các nhà đầu tư nước ngoài đang hiện diện và những thương hiệu chuẩn bị vào khi Việt Nam mở cửa hoàn toàn thị trường vào đầu năm 2015, các doanh nghiệp trong nước cần vượt lên chính mình bằng nhiều biện pháp như tăng thị phần, củng cố vị thế, đa dạng hóa loại hình kinh doanh, mô hình kinh doanh, sáp nhập cửa hàng, quy hoạch lại mạng lưới bán lẻ… để đảm bảo sức cạnh tranh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên