Vì sao thị trường chứng khoán Việt Nam chưa phát triển mạnh?

VOV.VN -Đây là câu hỏi mà tác giả Leslie Shaffer nêu ra trong bài viết đăng tải trên Kênh thông tin kinh tế và tài chính Mỹ (CNBC) sáng 3/4.

Nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều điều kiện thuận lợi, như cấu trúc dân số tốt, mức thu nhập và chi tiêu gia tăng. Tuy nhiên, các yếu tố này dường như chưa đủ để thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển mạnh.

Bà Trinh Nguyễn, chuyên gia của HSBC, cho biết Việt Nam có cấu trúc dân số rất tốt giúp gia tăng sức cạnh tranh về chi phí lao động cũng như thúc đẩy nhu cầu nội địa. Tăng trưởng bền vững từ nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cho thấy sức hấp dẫn Việt Nam với vai trò là trung tâm sản xuất lớn trong khu vực. Tuy nhiên, những yếu tố tích cực đối với nhà đầu tư nước ngoài lại không giúp gì nhiều cho doanh nghiệp trong nước.

Giá cổ phiếu được niêm yết bên ngoài một công ty chứng khoán tại Hà Nội.
Các doanh nghiệp trong nước đã không tận dụng được nguồn lao động giá rẻ tại Việt Nam. Xuất khẩu của các công ty nội địa đã giảm trong quý 4/2014 và quý 1/2015, mặc dù các nhà đầu tư nước ngoài đạt được thặng dư thương mại.

Lực lượng lao động tại Việt Nam khá dồi dào với hơn 60% dân số có độ tuổi trung bình 15-54 và chỉ 6% dân số có độ tuổi trên 65. Độ tuổi bình quân tại Việt Nam là 29, thấp hơn rất nhiều so với con số 46 của Nhật Bản và 37 của Trung Quốc.

Điều đáng ngạc nhiên là chỉ số VN Index từ đầu năm đến nay chỉ tăng 0,5% và hiện thấp hơn khoảng 9% so với mức cao nhất hồi tháng trước.

Ngành du lịch của Việt Nam cũng không giúp được gì nhiều khi thị trường Thái Lan đang dần hồi sinh và một đồng nội tệ mạnh đã làm giảm lợi nhuận của ngành này. Bà Trinh Nguyễn nhấn mạnh thêm rằng lượng khách du lịch trong quý 1/2015 đã giảm gần 14% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sắp đến hồi kết?

Một số chuyên gia nghi vấn rằng liệu các yếu tố hỗ trợ như thành phần dân số tại Việt Nam sẽ kéo dài khoảng bao lâu. Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Anh, những nguyên nhân hỗ trợ cho cấu trúc dân số tại Việt Nam đang thay đổi. Quốc gia Đông Nam Á này đã từng có tỷ lệ sinh khá cao, nhưng độ tuổi trung bình của dân số đang ngày càng gia tăng. Hiện nay, tỷ lệ sinh thấp hơn so với mức sinh thay thế, và trong vòng 20 năm tới thì số người trên 65 tuổi sẽ tăng gấp đôi trong tổng dân số Việt Nam.

Ngay cả khả năng cạnh tranh của Việt Nam về mức lương cũng đang bị đe dọa. Theo thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế, năm 2013, mức lương bình quân của Việt Nam là 197 USD/tháng, thấp hơn mức 391 USD của Thái Lan, 613 USD của Trung Quốc và 651 USD của Malaysia

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực tăng lương từ người lao động trong tương lai, như trong trường hợp đình công tại một nhà máy giày dép gần đây về vấn đề bảo hiểm xã hội.

Chỉ là tạm thời?

Một số chuyên gia khác lại cho rằng sự suy giảm của thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ diễn ra trong ngắn hạn.

Ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành của PXP Vietnam Asset Management
Ông Kevin Snowball, Giám đốc điều hành của PXP Vietnam Asset Management nhận định, một trong những lý do chính khiến thị trường chứng khoán giảm điểm là cổ phiếu của PetroVietnam Gas (GAS) – chiếm khoảng 12% chỉ số chứng khoán - giảm giá mạnh theo giá dầu thế giới. Ngoài ra, công ty này cũng thất bại trong việc thực hiện mua cổ phiếu quỹ.

Theo ông Snowball, nền kinh tế Việt Nam đang trong tình trạng tốt hơn bao giờ hết. Thị trường chứng khoán Việt Nam do giảm điểm nên hiện đang ở mức giá vô cùng rẻ. Ông cũng đánh giá các cổ phiếu đang được giao dịch bởi PXP có khả năng sinh lợi 11,6 lần trong năm nay và dự đoán là 10,6 lần trong năm tới.

Trong quý 1/2015, GDP của Việt Nam đã tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái và Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự kiến mức tăng trưởng 6,1% cho cả năm 2015.

Ngoài ra, ông Snowball cho rằng việc đề xuất tăng giới hạn sở hữu từ 49% lên 60% cho nhà đầu tư nước ngoài là một yếu tố kích thích thị trường chứng khoán, dù hiện đang bị trì hoãn. Ông hy vọng đề xuất này sẽ được thông qua vào cuối tháng 7 năm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên