Xử lý mũ bảo hiểm không đạt chuẩn: Liệu có triệt để?

VOV.VN - Điều khiến người dân băn khoăn là làm thế nào giải quyết tận gốc để mũ bảo hiểm kém chất lượng không trôi nổi trên thị trường

Tháng 3/2013, việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đã được tổ chức, tuy nhiên, sau vài tháng cao điểm thực hiện, mọi việc lại đâu vào đó. Số người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn để đối phó với lực lượng chức năng lại tăng dần trở lại.

Với quyết tâm khắc phục vấn nạn này, mới đây, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Định La Thăng lại có văn bản chỉ đạo các lực lượng kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn chất lượng. Đây là động thái tích cực trong quản lý Nhà nước và có lợi cho người tiêu dùng.

Theo thống kê, có khoảng 70% số vụ tai nạn giao thông ở nước ta liên quan đến mô tô, xe máy và không ít nạn nhân bị chấn thương sọ não, dẫn đến tử vong. Vì thế, việc xử phạt mũ bảo hiểm không đạt chuẩn là cần thiết.

Mũ bảo hiểm không đạt chuẩn tràn lan trên thị trường (Ảnh: KT)

Tuy nhiên, điều khiến người dân băn khoăn là làm thế nào giải quyết tận gốc để mũ bảo hiểm kém chất lượng không trôi nổi trên thị trường.

Trao đổi với luật sư Nguyễn Thế Chuyền, Giám đốc công ty Luật Thiên Thanh cho biết, vấn đề xử phạt mũ bảo hiểm không hợp chuẩn đã được tiến hành từ lâu, song không phải là việc dễ dàng do còn có nhiều vướng mắc.

PV: Việc xử phạt các hành vi từ sản xuất, kinh doanh và lưu thông mũ bảo hiểm không đạt chuẩn rõ ràng mang lại lợi ích cho người tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc phân biệt đâu là mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đâu là mũ không đạt không phải là điều dễ dàng, cho dù các cơ quan chức năng đã từng đưa ra những tiêu chí phân biệt. Ông có nhận xét gì về điều này, thưa ông?

LS. Nguyễn Thế Chuyền: Việc tiến hành xử phạt bắt đầu từ 1/7 đối với những trường hợp sản xuất, lưu thông, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đã thể hiện quyết tâm rất cao của Chính phủ, cũng như của Bộ trưởng Đinh La Thăng trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông.

Việc xử phạt các hành vi sản xuất, lưu thông, kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đã diễn ra hàng chục năm nay. Theo đó, kể từ ngày 1/6/2001, quy định bắt buộc về đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng phương tiện mô tô, xe đạp điện đã có hiệu lực và các hành vi vi phạm đều phải xử lý.

Trong lần này, việc các cơ quan chức năng sẽ tiến hành phạt người tham gia giao thông trong việc sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn đối với lỗi vi phạm tương tự như không đội mũ đạt chuẩn theo Nghị định số 101 ban hành ngày 13/11/2013 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt là một hướng đúng đắn.

Tuy nhiên, để phân biệt mũ bảo hiểm đạt chuẩn và không đạt có rất nhiều vấn đề cần bàn cãi. Cụ thể, dấu hiệu nhận biết 1 mũ bảo hiểm đạt chuẩn về mặt hình thức là có một lớp nhựa cứng, 1 lớp chống va đập và có quai mũ, ngoài ra phải có dán dấu CR đạt chuẩn của Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN).

Trên thực tế, có rất nhiều mũ bảo hiểm đủ các yếu tố trên nhưng không phải mũ đạt chuẩn, ví dụ như những trường hợp dán tem giả hoặc chất lượng của lớp bảo vệ kém.

PV: Một vấn đề đặt ra là chúng ta khó có thể phân biệt được mũ đạt chuẩn và mũ không đạt chuẩn, 1 số mũ nhìn sơ qua thì tưởng đạt chuẩn, song khi kiểm tra chất lượng lại không đảm bảo được an toàn cho người tham gia giao thông. Do vậy không tránh được trường hợp người dân cố tình hoặc vô tình mua mũ bảo hiểm không đạt chuẩn như vậy. Thực tế thì cảnh sát giao thông (CSGT) cũng khó mà nhận biết để xử phạt. Theo ông, chúng ta có thể khắc phục điều này như thế nào?

LS. Nguyễn Thế Chuyền: Lâu nay chúng ta đã quen với cách hành xử “không quản được thì cấm hoặc phạt”, vô hình chung chúng ta đang để lực lượng CSGT đáng ra chỉ là lực lượng phối hợp trong việc xử lý các vi phạm cũng như nhắc nhở tuyên truyền thì phải gánh vác trọng trách chính trong việc “dẹp” mũ bảo hiểm không đạt chuẩn.

Một thực trạng hiện nay là có quá nhiều mũ bảo hiểm trên thị trường. Điều này thuộc trách nhiệm của cơ quan quản lý địa phương có cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm và có các đơn vị xuất nhập khẩu mũ bảo hiểm. Các cơ quan quản lý khi đó phải đảm bảo giám sát để tránh trường hợp các đơn vị sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm đưa ra thị trrường những sản phẩm kém chất lượng, đồng thời thúc đẩy và tạo niềm tin cho các doanh nghiệp này đưa ra những sản phẩm đạt chất lượng cao nhất.

Hiện nay, người tiêu dùng đúng ra phải là người được bảo vệ, thì chúng ta lại đặt họ vào vị thế phải chứng minh rằng sản phẩm họ mua đã đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước.

Mũ bảo hiểm là một sản phẩm đòi hỏi phải có quy chuẩn rõ ràng, vậy lực lượng CSGT có thể kiểm tra 1 cách cảm tính theo các dấu hiệu như vừa nói ở trên hay không? Ngoài ra, việc xử phạt hành vi người tham gia giao thông không đội mũ đạt chuẩn cho đến nay vẫn chưa có 1 quy định nào trực tiếp về hành vi này, mà chúng ta đang xử dụng hành vi xử phạt đối với những người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn bằng lỗi của những người không đội mũ. Tức là đang sử dụng quyết định xử phạt theo tính chất bắc cầu. Đây cũng có nhiều vấn đề cần xem xét lại.

PV: Việc xử phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn là do CSGT, trong khi kiểm tra mũ có đạt chuẩn hay không lại phải do cơ quan có chuyên môn. Như vậy, người kiểm tra thì không có khả năng phân biệt thật giả, còn người có khả năng phân biệt thì không có chức năng kiểm tra? Vậy theo ông, tại sao lại có mâu thuẫn này?

LS. Nguyễn Thế Chuyền: Đây là 1 sự phân cấp có sẵn trong hệ thống quản lý Nhà nước. Việc quản lý chất lượng mũ bảo hiểm đang do Bộ KHCN đóng dấu và chứng nhận hợp chuẩn. Trong khi đó, về buôn bán, nhãn hiệu lại do Bộ Công Thương quản lý, còn để có thể xử lý những người sử dụng mũ bảo hiểm không đạt chuẩn thì chỉ có lưc lượng CSGT,…

Đây là một công việc đòi hỏi sự kết hợp giữa các ban ngành liên quan. Do vậy, theo tôi đây không phải là mâu thuẫn, mà là sự phân cấp, liên kết giữa các ban ngành.

PV: Nhiều người dân cho rằng, nếu xử phạt thì nên xử phạt thị trường bán, những người kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn, chứ không phải phạt người tiêu dùng vì họ chính là những người bị hại và họ cũng không có khả năng phân biệt được đâu là mũ đạt chuẩn và không đạt chuẩn. Ông có nhận xét gì về ý kiến này, thưa ông?

LS. Nguyễn Thế Chuyền: Theo quan điểm của cá nhân, tôi đồng tình với ý kiến này. Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải nói tới là tiêu chuẩn của một chiếc mũ bảo hiểm được coi là đạt chuẩn đã được Bộ KHCN công bố rộng rãi từ lâu, người tiêu dùng cần phải tự tìm hiểu và có ý thức tự bảo vệ bản thân. Ngoài ra, giá bán của chiếc mũ cũng thể hiện được 1 phần. Phần lớn những chiếc mũ bảo hiểm đạt chuẩn đều trên 200.000 đồng.

PV: Có ý kiến đề xuất rằng nên đưa việc kinh doanh mũ bảo hiểm thành kinh doanh có điều kiện vì nó ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của người tham gia giao thông. Ý kiến của ông về vấn đề này là gì, thưa ông?

LS. Nguyễn Thế Chuyền: Đề xuất này xuất phát từ một thực tế là người tiêu dùng lo lắng về vấn đề bảo đảm sức khỏe, nhưng cũng có phần chưa được thích hợp.

Chúng ta đều biết, Việt Nam gia nhập WTO gần 10 năm. Nguyên tắc xuyên suốt mà chúng ta đã cam kết là tuân theo nguyên tắc thị trường, nghĩa là các nhà đầu tư, kinh doanh được phép tự do kinh doanh hàng hóa không trái pháp luật.

Theo tôi, một nhà đầu tư chân chính, đàng hoàng luôn hướng tới việc đóng góp  cho xã hội, cộng đồng, từ đó chính những giá trị cốt lõi đó sẽ mang lại lợi nhuận cho họ. Ngoài ra, dù có đặt ra điều kiện gì mà không có quy định hậu kiểm, quy định giám sát, thanh tra thì sẽ vẫn nhận được những sản phẩm không như mong muốn.

Chúng ta đang hướng tới 1 quy chuẩn chung đã được áp dụng thành công và vẫn phát huy rất mạnh ở nhiều nước trên thế giới, đó là thay đổi đầu vào thật thông thoáng, nhưng đầu ra kiểm soát chặt chẽ.

Theo dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi sắp được đệ trình lên Chính phủ, chúng ta đang theo hướng doanh nghiệp được kinh doanh những gì pháp luật không cấm, thậm chí giấy đăng ký kinh doanh sẽ tiến tới không cần đăng ký ngành nghề kinh doanh, đó chính là đầu vào.

Còn đối với đầu ra, chúng ta cần giám sát, kiểm tra, thúc đẩy các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động, đầu tư, buộc các đơn vị này phải tuân thủ những phương án đề ra và đúng với pháp luật.

Do vậy, không cần thiết phải có điều kiện kinh doanh, quan trọng là phải giám sát, kiểm tra quá trình hoạt động của các đơn vị sản xuất, kinh doanh.

PV: Nhiều người kinh doanh bị xử phạt hiện nay có đưa ra biện minh là nhà sản xuất có giấy tờ, tem mác đầy đủ. Vậy công tác quản lý của Nhà nước đối với việc dán tem, nhãn mác sản phẩm hiện nay đã ổn hay chưa?

LS. Nguyễn Thế Chuyền: Đối với những nhà kinh doanh lớn, vì họ bỏ ra chi phí đầu tư lớn nên chất lượng sản phẩm là điều họ quan tâm nhất, do vậy họ sẽ tuân thủ những yêu cầu về dán tem, nhãn mác.

Còn đối với những nhà kinh doanh nhỏ lẻ đang biện minh rằng nhà sản xuất có giấy tờ, tem mác đầy đủ là một thực tế hiện nay ta hay gặp phải. Để có 1 chiếc tem hợp chuẩn CR dán lên mũ bảo hiểm, bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể dễ dàng mua trên thị trường chợ đen.

Các cơ qan chức năng cũng đã biết đến điều này, song để kiểm tra tem mác có phải là thật hay không thì cần một cơ quan kiểm định và nhiều vấn đề kèm theo. Trong khi đó, các loại tem nhãn mác, về quản lý, hiện tại có 2 bộ chính là Bộ Công Thương và Bộ KHCN.

Dấu hợp chuẩn đối với mũ bảo hiểm hiện do Bộ KHCN chịu trách nhiệm. Để những sản phẩm có đầy đủ tem mác thì các cơ sở kinh doanh phải tuân thủ quy trình rành mạch, rõ ràng, từ việc nộp hồ sơ, kiểm định, xin giấy phép và thậm chí bỏ chi phí để mua lại tem đó.

Sở dĩ thời gian gần đây có sự lộn xộn về vấn đề tem mác là do bản thân tem, nhãn mác không có sự thống nhất. Cụ thể, thời gian đầu tiến hành quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, cơ quan chức năng đã đưa ra tới  2-3 loại tem và dấu. Hiện nay, các cơ quan chức năng đã thống nhất phải đóng dấu hợp chuẩn CR. Vậy còn những hàng trước đây tồn kho thì thời điểm này có coi là vi phạm không, và việc chuyển hóa các loại tem, mác này đến nay thậm chí là đã hết thời hiệu. Do đó, các doanh nghiệp phải bỏ chi phí để tái tạo lại, hoặc lập hồ sơ mới, dẫn đến tình trạng người tiêu dùng càng trở nên hoang mang trong việc lựa chọn mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên