Thiếu đất đắp nền, nhiều dự án tại tỉnh Quảng Nam “đứng bánh”

VOV.VN - Dư luận cho rằng, chính “căn bệnh sợ sai” khiến các cơ quan có thẩm quyền đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và tháo gỡ vướng mắc do thiếu đất đắp nền ở các dự án trọng điểm ở tỉnh Quảng Nam

Tại tỉnh Quảng Nam, tình trạng thiếu đất đắp nền khiến hàng loạt dự án giao thông phải tạm dừng, nhiều công trình xây dựng trường học gần hoàn thành nhưng vẫn phải “nằm chờ”. Một thời gian dài, nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường như đất đắp nền, cát xây dựng thiếu hụt, giá cả đắt đỏ dẫn đến tình trạng nhiều dự án trọng điểm ở tỉnh Quảng Nam “đứng bánh”, nhiều nhà thầu bên bờ phá sản vì “càng làm càng lỗ”. Dư luận cho rằng, chính “căn bệnh sợ sai” khiến các cơ quan có thẩm quyền đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp và tháo gỡ vướng mắc do thiếu đất đắp nền ở các dự án trọng điểm.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Trường THPT Quế Sơn, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu đư gần 49 tỷ đồng. Nhà thầu thi công dự án là Liên danh Thái Sơn – BCA Thăng Long, khởi công từ tháng 2/2023, đến nay đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, 3 khối nhà chính đã hoàn thành. Học sinh và thầy cô giáo Trường THPT Quế Sơn, huyện Quế Sơn từng kỳ vọng dự án này đưa vào hoạt động 3 khối nhà chính trước ngày 30/4 vừa qua để đảm bảo phục vụ kỳ thi THPT Quốc gia năm nay. Tuy nhiên, dự án này hiện thiếu đất san lấp, tiến độ chững lại.

Thầy Phạm Văn Thuận, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Quế Sơn cho biết, hơn một năm qua, 840 học sinh tại trường phải học tập trong điều kiện vô cùng khó khăn, không gian chật hẹp. Nền phòng học của dãy nhà cũ thấp hơn nền các dãy nhà mới đang thi công nên mùa nắng thì bức bối, bụi bặm, còn mùa mưa thì nước chảy tràn vào lớp học. 

“Nhà trường mong muốn và đề xuất chủ đầu tư và các đơn vị liên quan sớm tháo gỡ vướng mắc để sớm hoàn thành, bàn giao 3 dãy nhà chính để trường có nơi tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia vào cuối tháng 6 này. Để học sinh có điều kiện hoàn thành kỳ thi đạt kết quả cao. Cơ sở vật chất của dãy phòng cũ quá xuống cấp và không đảm bảo. Chỉ có 11 phòng học cho 840 học sinh nên tranh thủ ngày nghỉ thầy cô phải đi dạy bù”, ông Phạm Văn Thuận nói.

Dự án đầu tư xây dựng công trình Trường THPT Quế Sơn dự kiến cần hơn 32.000 m3 đất san lấp. Riêng giai đoạn 1 của dự án còn thiếu 6.000 m3 đất san lấp để hoàn thành phần sân trường và một số hạng mục khác. Hiện nay, trên địa bàn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam không có mỏ đất được cấp phép. Đầu năm 2024, đơn vị thi công dự án này liên tục gửi văn bản đến chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Quảng Nam và UBND huyện Quế Sơn đề nghị tháo gỡ khó khăn về nguồn đất san lấp. Đến nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn loay hoay, không có phương án đối với nguồn đất san lấp, dự án Trường THPT Quế Sơn tiếp tục “nằm chờ” đất.

Đại diện đơn vị thi công dự án này cho biết, dù chủ đầu tư liên tục yêu cầu đẩy nhanh tiến độ nhưng nhà thầu gần như bế tắc do không có nguồn đất san lấp: “Theo dự toán thì đơn giá đất san lấp chỉ 56.000 đồng/ m3 đất đến chân công trình, nhưng trên thực tế chúng tôi phải mua với giá 170.000 đồng/m3. Đối với công trình này, chúng tôi tính toán khi hoàn thành thì phải bù, riêng phần giá đất chênh lệch, phải lên đến 3 tỷ đồng. Điều này khiến doanh nghiệp rất khó khăn nhưng đã dự thầu chúng tôi phải chấp nhận làm tuy nhiên nguồn đất hợp pháp trên địa bàn huyện hiện không có để thi công”.

Nhiều doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam liên tục kiến nghị Sở Xây Dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan của tỉnh rà soát, thường xuyên cập nhật và điều chỉnh giá vật liệu xây dựng phù hợp với thực tiễn. Hiện, giá nhiều loại vật liệu xây dựng do Nhà nước ban hành thấp hơn nhiều so với giá thị trường khiến doanh nghiệp “méo mặt” khi càng làm càng lỗ.

Nhiều dự án giao thông trọng điểm tại tỉnh Quảng Nam cũng “đứng bánh” vì thiếu nguồn đất san lấp. Dự án hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công dài 26,5 km, tổng mức đầu tư 975 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ đầu năm nay nhưng vẫn chưa tìm được nguồn đất. Dự án cầu Sông Trường và cầu Nước Oa tại huyện Bắc Trà My, được khởi công xây dựng từ tháng 6/2022 là dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên đến nay, đường dẫn hai cây cầu cũng chưa hoàn thiện vì thiếu nguồn đất san lấp…

Từ đầu năm 2023, tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng thông thường như đất đắp, cát xây dựng… trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giải ngân vốn đầu tư công và tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Nhiều mỏ đất, mỏ cát khai thác cũ đã hết hạn, hết công suất. Quy trình, thủ tục cấp mới các mỏ khoáng sản làm vật liệu thông thường từ khâu đấu thầu đến khâu cấp phép khai thác một mỏ mất ít nhất 2 năm. Trong khi đó, chủ trương cho phép thực hiện cơ chế đặc thù về cấp phép các mỏ đất, mỏ cát đối với các dự án trọng điểm đã được cho phép nhưng các cơ quan chuyên môn “ngại” áp dụng vì “sợ sai”, “sợ chịu trách nhiệm”.

UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố có giải pháp quyết liệt để đảm bảo nguồn cung vật liệu đất đắp nền, cát xây dựng cho các dự án. Tuy nhiên, hơn 1 năm trôi qua, những vướng mắc này vẫn chưa được tháo gỡ. Kéo theo đó, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại tỉnh Quảng Nam liên tục sụt giảm trong một thời gian dài. Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các ngành, địa phương chấn chỉnh tình trạng cán bộ vì sợ sai, né trách nhiệm, đẩy khó cho doanh nghiệp.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Nam yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung bàn biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; tuyệt đối không tạo thêm rào cản đối với doanh nghiệp và người dân; Các ngành, địa phương tập trung xử lý các dự án, những vấn đề tồn đọng, kéo dài. 

“Tôi đi khảo sát thì thấy rằng, việc cán bộ nghiên cứu pháp luật, pháp lý, vận dụng hết các quy định của pháp luật để chủ động trong chuyên môn và chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tiến độ các dự án… ở chỗ này, chỗ kia cũng có cán bộ không phải lúc nào cũng sẵn sàng làm điều này đâu. Tôi đề nghị cán bộ ở các sở ngành, cán bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở, phải có thái độ, tinh thần, trách nhiệm hỗ trợ và đồng hành thực sự với doanh nghiệp. Cán bộ phải nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trên tinh thần vận dụng tối đa các quy định của pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp chứ không phải vì sợ sai mà lại giữ an toàn tuyệt đối về mình” - ông Lương Nguyễn Minh Triết nói.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Quảng Nam thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Quảng Nam thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

VOV.VN - Ngày 16/5, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Quảng Nam thành lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

VOV.VN - Ngày 16/5, ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam ký Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.