Thiếu hụt thanh khoản tạm thời, 3 ngân hàng hợp nhất

Đây là 3 ngân hàng đầu tiên được phép hợp nhất kể từ khi Ngân hàng Nhà nước công bố chủ trương tái cơ cấu toàn diện hệ thống ngân hàng

Chiều nay (6/12), tại thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra lễ ký kết hợp tác chiến lược toàn diện giữa Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và 3 ngân hàng thương mại cổ phần có trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh là Đệ Nhất (Ficombank), Việt Nam Tín Nghĩa (TinNghiaBank) và Ngân hàng Sài Gòn (SCB).

Việc hợp nhất này là do thời gian qua 3 ngân hàng Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa và Ngân hàng Sài Gòn đã có những thiếu hụt thanh khoản tạm thời do mất cân đối kỳ hạn giữa nguồn vốn huy động và nguồn vốn cho vay. Có những thời điểm khách hàng rút tiền với khối lượng lớn khiến các ngân hàng này có những lúc mất thanh khoản tạm thời.

Tính tới cuối tháng 9, ba ngân hàng này có tổng vốn điều lệ là 10.600 tỷ đồng và tổng tài sản 154.000 tỷ đồng. Để khắc phục tình trạng khó khăn và hỗ trợ toàn diện 3 ngân hàng này, Ngân hàng Nhà nước đã giao nhiệm vụ cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) sẽ tham gia toàn diện vào ngân hàng mới sau hợp nhất, từ Hội đồng quản trị, Ban điều hành và các phòng ban quan trọng. Với tư cách đại diện vốn Nhà nước, BIDV sẽ phải đảm bảo để ngân hàng sau sáp nhập không bị phá sản, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền hợp pháp.

Việc hợp nhất 3 ngân hàng này không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của mỗi ngân hàng cũng như của cả hệ thống tín dụng. Đặc biệt quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền tại 3 ngân hàng này cũng luôn được bảo đảm, quyền lợi chính đáng của các ngân hàng thương mại khác trong quan hệ cho vay vốn được quan tâm và giải quyết một cách hợp lí, kịp thời nhằm bảo đảm việc hợp nhất được triển khai theo các bước một cách thuận lợi và ổn định.

Tại buổi lễ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn cho biết việc sáp nhập, hợp nhất các ngân hàng thương mại vẫn thường diễn ra không chỉ trong một quốc gia mà ở nhiều nước. Ở Việt Nam, 3 ngân hàng này hợp nhất cũng là việc bình thường thể hiện một chiến lược phát triển mới để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh và bền vững, nhất là trong điều kiện hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Trần Minh Tuấn nói: “Việc hợp nhất 3 ngân hàng nằm trong lộ trình cơ cấu ngân hàng thương mại theo chủ trương của Đảng và Nhà nước từ nay đến 2015. Đây cũng là bước đầu tiên trong lộ trình cơ cấu lại hệ thống Ngân hàng thương mại Việt Nam. Trước hết là đối với những ngân hàng tự nguyện hợp nhất. Để đảm bảo cho việc hợp nhất thành ngân hàng có tiềm lực hơn,…. có nhu cầu củng cố tiếp để phát triển, thì việc ngân hàng Nhà nước và Thủ tướng chỉ định BIDV tham gia vào ngay từ đầu và cơ cấu lại 3 ngân hàng này từ việc quản trị, kinh doanh và hỗ trợ nguồn vốn trong lúc 3 ngân hàng thiếu tính thanh khoản như hiện nay tôi cho là đúng đắn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên