Thiếu quy chuẩn cụ thể, khu công nghiệp sinh thái vẫn chỉ là thuật ngữ trên giấy

VOV.VN - Các DN hạ tầng KCN đều nhận thức rõ và mong muốn bắt nhịp sớm về việc phát triển KCN xanh, sinh thái. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế cụ thể, rõ ràng, khuyến khích ưu đãi hơn nữa, nếu không KCN sinh thái vẫn chỉ là thuật ngữ nằm trên giấy.

Những năm gần đây, cụm từ “khu công nghiệp sinh thái” hay “khu công nghiệp xanh” đang được nhắc đến nhiều lần và trở thành chủ đề của nhiều hội nghị, hội thảo. Tuy nhiên, thực tế là cả nước chưa có 1 khu công nghiệp (KCN) nào đạt chuẩn xanh, sinh thái vì việc chuyển đổi không hề dễ dàng và gặp một số rào cản.

Thủ tục chuyển đổi chưa rõ ràng

Tính đến tháng 10/2023, cả nước có 413 KCN được thành lập, trong đó có 295 KCN đã đi vào hoạt động. Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, thời gian qua một số KCN đã phát triển theo hướng bền vững và thí điểm chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang kiểu mới. Cụ thể là thí điểm chuyển đổi sang mô hình KCN sinh thái, thông minh, gắn hoạt động sản xuất công nghiệp với bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên thông qua hoạt động cộng sinh công nghiệp, kinh tế tuần hoàn.

Nhận định về việc này, ông Nguyễn Công Ái, Phó Tổng giám đốc KPMG Việt Nam cho rằng, xu hướng của thế giới nói chung là mô hình KCN sinh thái. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi trình độ phát triển rất cao của nước sở tại.

“Hiện nay đối với Việt Nam, để đáp ứng các tiêu chí của một KCN sinh thái có thể vượt tầm một số các DN phát triển bất động sản công nghiệp, cũng như khách thuê của KCN, hạn chế việc tiếp cận của một số nhà đầu tư với trình độ sản xuất công nghiệp bình thường”, ông Ái nhận định.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, qua khảo sát khoảng 30 DN đầu tư KCN, có 10 vấn đề khó khăn chính, trong đó khó khăn hàng đầu là thủ tục hành chính và pháp lý. Theo ông Lực, thủ tục hành chính vẫn còn chồng chéo và chưa rõ ràng. Trong khi Nghị định 35/2022 của Chính phủ (về quản lý KCN và khu kinh tế) đã là một sự cấp tiến, nhưng vẫn còn một số tiêu chí chưa rõ ràng. Do đó, rất cần hướng dẫn một cách chi tiết, đặc biệt là việc chuyển đổi sang KCN dịch vụ.

“Các bước chuyển đổi sẽ được thực hiện như thế nào; Khi chuyển đổi những cơ chế, chính sách ưu đãi có còn nữa không? Đây là một vướng mắc lớn. Cùng với đó, gần đây nhiều DN có ý kiến liên quan đến định giá đất vì rõ ràng trong 2-3 năm vừa qua rất vướng mắc”, ông Lực nói.

Cần có hướng dẫn cụ thể

Bà Lê Thị Kim Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng Hoà Long nhận định, chính quyền các địa phương có chính sách thu hút đầu tư khác nhau. Những tỉnh mới bắt đầu thu hút đầu tư sẽ phải nghiên cứu lại, điều chỉnh lại quy trình khiến cho thời gian cấp giấy phép bị kéo dài. Theo bà Thanh, có những tiêu chí về “chuẩn xanh” trong KCN đang được các cơ quan nhà nước áp dụng theo thế giới. Tuy nhiên, để đáp ứng xu hướng của thế giới nhưng nhìn lại trong nước sẽ có nhiều điều kiện chưa đáp ứng được. Bà Thanh lấy ví dụ việc xây dựng nhà xưởng, trong nước chưa tự sản xuất được sơn phòng cháy sẽ phải nhập khẩu. Khi đó, chi phí xây dựng nhà xưởng tăng lên, gây khó khăn không chỉ cho DN đầu tư hạ tầng KCN mà cả DN thuê.

“Việc ban hành chính sách về phòng cháy chữa cháy mới cũng đã có Thông tư, Nghị định. Nhưng mỗi địa phương đang quản lý và hiểu theo cách khác nhau, dẫn đến khó khăn cho nhà đầu tư khi thực hiện các chính sách này”, bà Thanh đề cập.

Bà Nguyễn Thị Thảo Nhi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Thanh Bình - Phú Mỹ cho biết, dù được thành lập từ cách đây 10 năm, nhưng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã luôn chú trọng đầu tư công nghệ để đáp ứng hết tất cả tiêu chí khu đô thị sinh thái, khu công nghiệp xanh, kinh tế tuần hoàn... Theo bà Nhi, nhà đầu tư phát triển KCN là cánh tay nối dài của nhà nước, đưa những quy chế để yêu cầu các DN vào sản xuất trong KCN tuân thủ, cùng thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. 

Tuy vậy, để đáp ứng các tiêu chí sinh thái, nhà đầu tư phát triển KCN cũng đang phải đối mặt với một số khó khăn khi suất đầu tư lớn, cộng với lãi suất cao. Nếu không thu hút được đầu tư, chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải nhận thức lại về phát triển xanh.

“Đầu tiên các nhà quản lý sẽ nghe rằng DN sản xuất hóa chất cơ bản, sản xuất vật liệu cơ bản và coi đó là ngành gây ô nhiễm. Khi họ tới đầu tư ở Việt Nam gặp ngay rào cản rất lớn, vô hình chung cạnh tranh về thu hút đầu tư so với các nước trong khu vực sẽ bị giảm”, bà Nhi đơn cử.

Các DN hạ tầng KCN đều nhận thức rõ và mong muốn bắt nhịp sớm về việc phát triển KCN xanh, sinh thái. Vì thế, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế cụ thể, rõ ràng, khuyến khích ưu đãi hơn nữa, nếu không KCN sinh thái vẫn chỉ là thuật ngữ nằm trên giấy.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khu công nghiệp sinh thái cần quy chuẩn rõ ràng, cụ thể
Khu công nghiệp sinh thái cần quy chuẩn rõ ràng, cụ thể

VOV.VN - Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái vẫn cần có hướng dẫn, quy chuẩn rõ ràng hơn và hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ, chính quyền và của cộng đồng các DN.

Khu công nghiệp sinh thái cần quy chuẩn rõ ràng, cụ thể

Khu công nghiệp sinh thái cần quy chuẩn rõ ràng, cụ thể

VOV.VN - Việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái vẫn cần có hướng dẫn, quy chuẩn rõ ràng hơn và hỗ trợ nhiều hơn từ Chính phủ, chính quyền và của cộng đồng các DN.

TP.HCM cần tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp sinh thái bền vững
TP.HCM cần tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp sinh thái bền vững

VOV.VN - Sáng nay (27/10), Ủy ban nhân dân TP.HCM tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.

TP.HCM cần tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp sinh thái bền vững

TP.HCM cần tái cấu trúc các khu chế xuất, khu công nghiệp sinh thái bền vững

VOV.VN - Sáng nay (27/10), Ủy ban nhân dân TP.HCM tổng kết 30 năm xây dựng và phát triển các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn.

Doanh nghiệp tiết kiệm hơn 171 tỷ đồng khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái
Doanh nghiệp tiết kiệm hơn 171 tỷ đồng khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái

VOV.VN - Mô hình khu công nghiệp sinh thái giúp các doanh nghiệp tiết kiệm trên 171 tỷ đồng/năm, giảm sử dụng điện, nước và giảm phát thải ô nhiễm ra môi trường.

Doanh nghiệp tiết kiệm hơn 171 tỷ đồng khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái

Doanh nghiệp tiết kiệm hơn 171 tỷ đồng khi chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái

VOV.VN - Mô hình khu công nghiệp sinh thái giúp các doanh nghiệp tiết kiệm trên 171 tỷ đồng/năm, giảm sử dụng điện, nước và giảm phát thải ô nhiễm ra môi trường.