Thông hành điện tử cho hàng hóa xuất khẩu

(VOV) - Cung cấp thông tin sản phẩm qua hệ thống truy suất nguồn gốc điện tử mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

Thói quen che giấu thông tin

Việt Nam đang đứng ở tốp các nước xuất khẩu nông sản hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông thủy sản của Việt Nam chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin rõ ràng, minh bạch đến người mua người tiêu dùng, coi đó là một công cụ hữu hiệu để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam.

Không những thế, khá nhiều doanh nghiệp ngại ngần trong cung cấp thông tin, thậm chí còn cho rằng, việc minh bạch làm cho doanh nghiệp bị yếu thế hoặc mất khả năng cạnh tranh. Tình trạng gian lận thương mại, làm tổn hại lợi ích người tiêu dùng còn diễn ra khá phổ biến.

Cách TSNG của các sản phẩm hàng hóa Việt Nam thường dùng gây khó khăn cho việc nhận biết.

Theo Bộ NN&PTNT, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang áp dụng truy xuất nguồn gốc (TSNG) hàng hóa theo hình thức ghi chép trên giấy. Doanh nghiệp tự đặt mã số TSNG cho mỗi lô hàng (mã số nội bộ), in mã số đó vào góc bao bì (thùng carton) theo thỏa thuận với người mua/nhà nhập khẩu. Khi người mua/nhà nhập khẩu muốn có báo cáo xuất xứ thì gửi file copy mã số của thùng hàng về cho nhà xuất khẩu. Doanh nghiệp xuất khẩu quay lại tìm các thông tin trong các giấy tờ cũ và lập báo cáo TSNG gửi sang cho nhà nhập khẩu.

Có thể thấy, cách làm này đã tỏ rõ sự không minh bạch trong việc đánh giá nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, kéo theo nhiều rủi ro bởi chỉ có doanh nghiệp đọc và hiểu được mã số TSNG của sản phẩm.

Hơn nữa, do phải tìm lại số liệu trong rất nhiều giấy tờ, thời gian nhận báo cáo TSNG kéo dài ít nhất 24 tiếng. Kèm theo đó là những rủi ro về lưu trữ thông tin bằng giấy tờ (hỏa hoạn, mối mọt). Theo qui định, tùy theo loại sản phẩm, thông tin cần được lưu giữ từ 6 tháng đến 2 năm (kho trữ lớn) và tất nhiên là chỉ có người mua trực tiếp/nhà nhập khẩu mới có thể yêu cầu cung cấp báo cáo TSNG.

Ngoài ra, cơ quan quản lý, nhà nhập khẩu, người tiêu dùng cũng khó kiểm chứng độ trung thực, chính xác của thông tin truy xuất, không thực sự biết về sản phẩm mà họ mua.

Sự cần thiết của hệ thống TSNG

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, mặc dù đã có ban hành những quy định về khuyến khích cung cấp thông tin, thực hiện TSNG để hội nhập với thế giới, nhưng không ít cơ quan nhà nước vẫn chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc chủ động đưa thông tin đến các thị trường tiêu thụ quốc tế bằng những công cụ và phương tiện hiện đại, góp phần giảm thiểu thủ tục cho các doanh nghiệp.

Dự án xây dựng Hệ thống TSNG điện tử “TraceVerified” cho nông, thủy sản và thực phẩm xuất khẩu của Việt Nam được coi là đã đưa đến cho doanh nghiệp một công cụ hiện đại để chuyển thông tin về sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam đến với người mua, người tiêu dùng trên thị trường thế giới. 

Dự án này bước đầu sẽ làm thay đổi nhận thức của các doanh nghiệp, để thực hiện TSNG điện tử, coi việc đưa thông tin minh bạch và kịp thời về sản phẩm như một công cụ nâng cao lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông và thủy sản Việt Nam, góp phần đưa ngành sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững.

Sơ đồ hệ thống TSNG “TraceVerified”.

Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác Phát triển Đan mạch (DANIDA), thông qua tổ chức Hỗ trợ cạnh tranh toàn cầu (GCF), hệ thống “TraceVerified” sẽ mang lại lợi ích thiết thực trong công tác quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước, góp phần làm giảm thiểu thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp xuất khẩu khi làm thủ tục kiểm tra chất lượng và có thể cả khi làm thủ tục thông quan.

Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam Frederik André Henrik Christian lưu ý, việc EU và Mỹ áp dụng những bộ luật khác nhau đã ảnh hưởng đến quá trình xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Công tác xuất nhập khẩu thực phẩm của Việt Nam đã cố gắng đáp ứng thông tin sản phẩm in trên giấy, mã code, nguồn gốc…tuy nhiên hình thức này ngày càng tỏ ra không phù hợp với thị trường trong nước cũng như toàn cầu.

“Cách thức hiệu quả nhất là áp dụng TSNG điện tử, thiết lập cơ chế điện tử để xử lý hợp lý. Truy xuất NGĐT cho phép người mua truy xuất nguồn gốc thực phẩm nhanh chóng, giúp các nhà chức trách quản lý nguồn gốc. Người tiêu dùng ở EU và Mỹ tránh được việc gian lận cũng như những bệnh dịch đơn giản. Các bên liên quan trong chuỗi xuất khẩu rất nên áp dụng TSNG điện tử cho lợi ích xuất khẩu”, Đại sứ Đan Mạch chia sẻ.

Thay đổi nhận thức tăng cơ hội giao thương

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược (IPSARD – Bộ NN&PTNT) cho rằng, nhà sản xuất cần thiết phải minh bạch thông tin đối với các doanh nghiệp. Với 14 triệu nông dân có quy mô sản xuất phân tán, rất cần thiết có sự nắm bắt nhu cầu, lượng khách hàng ổn định mới quản lý và tránh được rủi ro.

“Người nông dân cần thông tin về quy mô, sản lượng, mức độ cạnh tranh, vật tư đầu vào, dịch vụ phục vụ sản xuất, rủi ro đe dọa, chính sách đầu tư đảm bảo. Tuy nhiên, những điều kiện để người nông dân cũng như doanh nghiệp minh bạch thông tin cần có thời gian, trong khi các đối thủ cạnh tranh luôn tiến hành duy trì hội đồng ngành hàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản thực phẩm, đây vừa là khó khăn cũng như thiệt thòi cho nhà sản xuất cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam”, TS. Đặng Kim Sơn cho biết.

TS. Nguyễn Hồng Minh, Giám đốc Dự án “Trace Verified” cho rằng, Bộ NN&PTNT nên đặt mã số địa phương cho mỗi sản phẩm nông, thủy sản xuất khẩu theo tiêu chuẩn quốc tế, kết hợp với mã số CS1 toàn cầu để nâng cao hiệu quả của công tác xuất khẩu sản phẩm nông, thủy sản.

Với sự đa dạng và tính linh hoạt có thể đáp ứng báo cáo sản phẩm cho nhiều loại hình khác nhau, ông Lý Hoàng Hải, Phó giám đốc dự án TraceVerified cho biết, mỗi lô hàng sẽ được dán 1 tem (trace Report) hoặc in trực tiếp lên bao bì đã được mã hóa. Bên cạnh đó, các thông tin về sản phẩm sẽ được upload lên mạng. Sau đó chỉ cần dùng điện thoại, thiết bị scaner nhãn mã đó sẽ hiểu rõ thông tin về sản phẩm sắp mua.

“Hiện TraceVerified đã triển khai tại 12 doanh nghiệp trong nước. Dự án sẽ tư vấn và xây dựng miễn phí hệ thống này cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đến hết năm 2014, hỗ trợ phí giảng viên, sau đó có thu phí hợp lý đủ cho vận hành hệ thống. Sau mỗi sản phẩm đều có 1 câu chuyện bằng cách kể của TraceVerified chuyển tới khách hàng”, ông Hải cho hay.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, việc áp dụng chung hệ thống TSNG điện tử tại Việt Nam hiện nay là việc làm mang tính khả thi và thiết thực. Đặc biệt là trong điều kiện hàng hóa của Việt Nam đang đứng trước nhu cầu xuất khẩu rất lớn. Để làm được điều này, hơn lúc nào hết cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp mới mong hệ thống này được triển khai vào thực tiễn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khẳng định thương hiệu "made in Việt Nam" tại  Rumani
Khẳng định thương hiệu "made in Việt Nam" tại Rumani

(VOV) -Từ nhiều năm nay, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đã có chỗ đứng khá ổn định tại thị trường Rumani

Khẳng định thương hiệu "made in Việt Nam" tại  Rumani

Khẳng định thương hiệu "made in Việt Nam" tại Rumani

(VOV) -Từ nhiều năm nay, các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam đã có chỗ đứng khá ổn định tại thị trường Rumani

Thương hiệu cà phê Việt: Sao vẫn lực bất tòng tâm?
Thương hiệu cà phê Việt: Sao vẫn lực bất tòng tâm?

(VOV) -Vốn mỏng, không có câu chuyện hay để quảng bá… khiến các DN ngại xuất khẩu cà phê chế biến sâu?

Thương hiệu cà phê Việt: Sao vẫn lực bất tòng tâm?

Thương hiệu cà phê Việt: Sao vẫn lực bất tòng tâm?

(VOV) -Vốn mỏng, không có câu chuyện hay để quảng bá… khiến các DN ngại xuất khẩu cà phê chế biến sâu?

Ảnh hưởng của quảng cáo nhại với thương hiệu gốc
Ảnh hưởng của quảng cáo nhại với thương hiệu gốc

(VOV) - Quảng cáo nhại gây ảnh hưởng tiêu cực tới những thương hiệu, doanh nghiệp về mặt kinh tế, uy tín.

Ảnh hưởng của quảng cáo nhại với thương hiệu gốc

Ảnh hưởng của quảng cáo nhại với thương hiệu gốc

(VOV) - Quảng cáo nhại gây ảnh hưởng tiêu cực tới những thương hiệu, doanh nghiệp về mặt kinh tế, uy tín.