Thu phí ATM: mức 1.000 đồng, ngân hàng lỗ nặng
(VOV) -Với mức phí mà NHNN ấn định thu từ 1/3 tới, các NH cho rằng vẫn lỗ từ 6.000-8.000 đồng/giao dịch.
Sáng nay (27/2), ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hiệp hội thẻ Việt Nam, Phó Tổng giám đốc ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, chi phí trung bình cho mỗi lần giao dịch ATM mà ngân hàng bỏ ra là khoảng 7.000 đồng - 9.000 đồng. Nhưng nhằm chia sẻ với người dân trong tình hình khó khăn hiện nay, NHNN qui định mức phí rút tiền mặt tối đa là 1000 đồng/giao dịch.
Còn theo tính toán của Vietcombank, với quy định mức phí rút tiền mặt tối đa là 1.000 đồng/giao dịch kể từ ngày 1/3 tới, ngân hàng vẫn lỗ 6.000 đồng/mỗi lần giao dịch.
Ông Tuân chia sẻ: NH cũng là doanh nghiệp và mục tiêu để đạt lợi nhuận thì phải chăm sóc khách hàng rất tốt. Tôi nói thật, thu hay không thu chúng tôi vẫn phải phục vụ khách hàng như thế. Vì cạnh tranh nên nếu dịch vụ kém đi một chút thì khách hàng sẽ sử dụng dịch vụ khác. ATM mục đích là rút tiền thiếu hụt, nhưng ở ta ATM trở thành kênh phân phối tiền mặt”.
Thông tư 35 về thu phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa qui định: kể từ 1/3/2013, các ngân hàng được thu phí rút tiền mặt với các giao dịch nội mạng. Mức phí áp dụng trong năm 2013 là từ 0 - 1.000 đồng/giao dịch, từ 0 - 2.000 đồng/giao dịch trong năm 2014 và từ 0 - 3.000 đồng/giao dịch từ năm 2015 trở đi.
Theo thống kê của Hiệp hội thẻ Việt Nam, hơn 10 năm kể từ ngày bắt đầu triển khai hệ thống ATM, nhằm tạo điều kiện cho người dân làm quen với dịch vụ thẻ, nhiều ngân hàng thương mại đã miễn các loại phí sử dụng dịch vụ thẻ ATM cho khách hàng, chấp nhận lỗ để mở rộng mạng lưới và dần nâng cao chất lượng dịch vụ, gia tăng tiện ích về thẻ. Hiệp hội này cho rằng, đây là áp lực rất lớn đối với ngân hàng thương mại, đặc biệt là các ngân hàng có mạng lưới ATM rộng khắp. Điều này ảnh hưởng lớn tới chiến lược phát triển mạng lưới ATM, cũng như đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ và tiện ích cung cấp cho khách hàng”.
Ngay khi Thông tư 35 ra đời, theo Hiệp hội Thẻ, các thành viên trong Hiệp hội đã thống nhất triển khai hợp lý, đúng tinh thần Thông tư, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích quyền lợi của NH, khách hàng. Theo đó, căn cứ hiệu quả hoạt động dịch vụ thẻ từng ngân hàng các thành viên của Hiệp hội sẽ xây dựng và ban hành công khai biểu phí phù hợp với tình hình kinh doanh thẻ của mình, đặc biệt là phí rút tiền nội mạng trên ATM.
Tiếp theo nội dung này, Đại diện cho NHNN, ông Bùi Quang Tiên, Vụ trưởng Vụ thanh toán cho biết, hiện tại đã có 34 ngân hàng xây dựng biểu phí rút tiền ATM nội mạng gửi lên Ngân hàng Nhà nước. Trong đó có 2 đơn vị xây dựng mức thu từ 200 - 500 đồng/lần giao dịch nội mạng, 10 đơn vị thu ở mức trần (1.000 đồng/lần giao dịch), 22 ngân hàng còn lại thông báo miễn phí dịch vụ này.
“Giám đốc một chi nhánh NHTM cho biết việc đầu tư và tính phí thì mỗi tháng lỗ 22 triệu một máy. Việc người dân mất phí thì sẽ phải cân nhắc rút tiền lúc nào phù hợp.” – ông Tiên nói.
Tuy nhiên, ông Tiên cũng không khẳng định sẽ không còn hiện tượng xếp hàng chờ rút tiền hoặc ATM bị trục trặc vì điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Chất lượng các dịch vụ tiện ích bổ trợ cho dịch vụ thẻ như điện, viễn thông và áp lực giao dịch rút tiền dồn vào thời điểm trả lương, dịp lễ, tết…
Theo thống kê của Hiệp hội Thẻ, tính đến cuối năm 2012, cả nước có trên 54 triệu thẻ, trong đó gần 51 triệu (95%) là thẻ ghi nợ nội địa. Số lượng máy ATM trên toàn quốc đạt khoảng 15.000 máy.
Ông Bùi Quang Tiên cũng cho biết: NHNN có kế hoạch 1131 do Thống đốc ban hành năm 2012. Theo đó, tới 2015 cả nước đạt 250.000 POS. Đảm bảo giảm tải ATM. Đề án cũng đề nghị Bộ Công Thương quy định “cứng” đối với các nhà hàng, khách sạn, siêu thị… phải lắp đặt POS và đề nghị Bộ Tài chính có quy định giảm thuế, phí… Không thể để một mình ngành ngân hàng đi vận động từng POS như hiện nay./.