Tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo
VOV.VN - Các ý kiến nhất trí tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Nhằm góp phần phục vụ việc tiếp tục hoàn thiện Báo cáo tổng kết một số vấn đề lý luận – thực tiễn qua 30 năm đổi mới và Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sáng nay (28/2), tại Hà Nội, Hội đồng Lý luận Trung ương phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức cuộc tọa đàm khoa học với chủ đề “Nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Các chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, trong quá trình đổi mới, Đảng ta ngày càng nhận thức rõ, sát thực tế hơn về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trên cơ sở tổng kết 20 năm đổi mới, tại đại hội 10, Đảng ta đã khẳng định: “Để đi lên chủ nghĩa xã hội, chúng ta phải phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...”.
lý luận Trung ương phát biểu khai mạc tọa đàm.
GS.TS. Cao Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho rằng, cần làm rõ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong cả cơ hội tham gia và hưởng lợi của người dân
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa không chỉ thể hiện trong phân phối mà thể hiện ngay cả trong quá trình tổ chức sản xuất. Các phương thức mà chúng ta huy động các thành phần kinh tế tham gia cũng bao hàm trong đó sự tham gia và cơ hội cho người dân tham gia vào quá trình phát triển kinh tế xã hội và cơ hội người dân tham gia được hưởng lợi vào các quá trình và hệ quả của quá trình phát triển”, GS.TS. Cao Xuân Thắng nói.
Tuy nhiên tại buổi tọa đàm, các chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, trong quá trình xây dựng, phát triển và hoàn thiện mô hình kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn còn nhiều hạn chế và gặp không ít trở ngại. Đó là kinh tế phát triển chưa bền vững, chưa tương xứng với tiềm năng.
Trong 10 năm gần đây, kinh tế vĩ mô thiếu ổn định, tốc độ tăng trưởng suy giảm, phục hồi chậm. Chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động xã hội và năng lực cạnh tranh quốc gia của nền kinh tế còn thấp. Hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách còn chậm, thiếu đồng bộ, thiếu kiên quyết, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, thực hiện ba đột phá chiến lược.
Trên cơ sở đánh giá thực tế, theo ý kiến các đại biểu, cần làm rõ hơn về mặt lý luận, định hướng, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, minh bạch và lành mạnh để dẫn dắt kinh tế đi đúng hướng và khắc phục những hạn chế.
GS.TS. Đỗ Hoài Nam cho rằng, nên phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, quản lý của nhà nước. Và khẳng định kinh tế thị trường phải tạo lập được cơ sở kinh tế cho sự phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa của đất nước.
Các ý kiến bày tỏ nhất trí, trong thời gian tới tiếp tục khẳng định kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo, kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế.
Về nhiệm vụ để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong 5 đến 10 năm tới cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về sở hữu, phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về kinh tế - xã hội và phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong phát triển kinh tế - xã hội./.