Tìm giải pháp cho thủy điện, thị trường điện

VOV.VN - Tìm kiếm giải pháp dài hạn đối với các vấn đề thủy điện cũng như thị trường điện là vấn đề ngành điện đang quan tâm hiện nay.

Là một quốc gia có tiềm năng lớn về thủy điện, điện năng sản xuất từ thủy điện của Na Uy luôn đứng đầu trong Liên minh châu Âu với sản lượng hàng năm lên tới 120 TWh, chiếm trên 95% tổng điện năng tiêu thụ tại Na Uy.

Với năng lực, trình độ công nghệ, kinh nghiệm xây dựng, vận hành và bảo dưỡng các nhà máy thủy điện, Na Uy và Việt Nam đang hợp tác tìm ra các giải pháp dài hạn đối với các vấn đề thủy điện, thị trường điện mà Việt Nam đang phải đối mặt.

Thủy điện Việt Nam cần gì ở Na Uy?

Trước những thách thức trong lĩnh vực năng lượng nói chung cùng nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch và vận hành thủy điện, điều tiết thị trường điện trong thời gian tới, ông Lê Tuấn Phong, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) đề xuất, Na Uy chia sẻ và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển các dự án thủy điện; quy hoạch xây dựng quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ; các vấn đề về an toàn đập thủy điện; các vấn đề môi trường và thủy điện tích năng.

Theo ông Phong, hiện nay Bộ Công Thương đang thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của chính phủ về định hướng cũng như công tác quy hoạch thủy điện, do đó, Việt Nam mong muốn Na Uy hỗ trợ Việt Nam trong rà soát các dự án thủy điện tại Việt Nam.

Các nhà máy điện chào giá bán, công khai thông tin. (Ảnh: Báo DĐDN)

Ngoài ra, ông Phong cũng cho rằng, với những kinh nghiệm đã thành công của mình, Na Uy có thể hỗ trợ Việt Nam trong việc kiểm tra, giám sát về vấn đề an toàn của các đập hồ chứa thủy điện. Cụ thể đối với việc xây dựng các quy trình vận hành đơn hồ cũng như liên hồ chứa thủy điện, nhằm đạt được mục đích phát điện, đồng thời đảm bảo các vấn đề về cắt lũ trong mùa mưa và cấp nước trong mùa khô, tận dụng lợi thế của thủy điện trong phát triển kinh tế xã hội.

Một vấn đề khác Việt Nam quan tâm từ phía Na Uy chia sẻ kinh nghiệm, đó là việc đánh giá, giảm thiểu các tác động môi trường của các dự án thủy điện tới sinh thái, phát triển kinh tế xã hội vùng thượng lưu, hạ lưu.

Ông Phong cũng cho biết, sau năm 2020, nhu cầu điện của Việt Nam sẽ lên tới 176.000 MW, Việt Nam sẽ phải đưa các dự án điện hạt nhân vào hoạt động do vậy phải phát triển các dự án thủy điện tích năng. Vấn đề này cũng rất cần sự hỗ trợ kĩ thuật của chính phủ Na Uy, bởi khi có sự tham gia của thủy điện tích năng trong thị trường điện, việc định giá sẽ trở thành tín hiệu tốt cho các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.

Theo tính toán của ông Đinh Thế Phúc, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), hiện nay 98% số xã và trên 96% số hộ dân nông thôn đã được sử dụng điện. Với 4% dân cư nông thôn thiếu điện lại là những khu vực cần mức đầu tư rất lớn, trong khi đó lại không mang đến lợi ích tài chính cho các nhà đầu tư.

Trong khi đó, Bộ Công Thương đã xây dựng chương trình điện nông thôn từ nay đến năm 2020 đảm bảo cho 100% số hộ nông thôn có điện. Chương trình này đã được trình chính phủ phê duyệt với mức đầu tư hơn 29.000 tỷ đồng từ nguồn Ngân sách Nhà nước.

Từ những thực tế này, ông Phúc mong muốn, Chính phủ Na Uy có thể cung cấp các khoản vay ưu đãi hoặc bố trí nguồn vốn ODA cho chương trình điện nông thôn, thông qua việc mở rộng lưới điện đến những khu vực tương đối còn hiệu quả. Ngoài các vấn đề hỗ trợ về kĩ thuật xây dựng và vận hành thủy điện, Na Uy cũng có thể tham gia đầu tư trực tiếp vào các dự án thủy điện tại Việt Nam.

Thị trường điện chưa chuyên nghiệp

Các chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và thủy điện đến từ Na Uy đánh giá, thị trường điện Việt Nam hiện đang ở thời điểm cuối của thị trường phát điện cạnh tranh, sắp sang giai đoạn bán buôn cạnh tranh và sau đó sẽ là thị trường bán lẻ cạnh tranh.

Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, các công ty bán điện vừa phải cân bằng về lợi ích trong quá trình phân phối, vừa phải thực hiện quy trình quản lý, điều tiết giá và vận hành thị trường theo sự can thiệp của nhà nước. Điều này sẽ làm khó cho việc đánh giá bản chất của thị trường cũng như thiếu minh bạch trong công khai giá.

Theo ông Per Christer Lund, chuyên gia thuộc Công ty tư vấn năng lượng DNVGL, để xây dựng được một thị trường điện cần phải có cơ chế khuyến khích người tham gia thị trường, từ đó tạo được khả năng đầu tư tối ưu.

Đặc biệt tại Việt Nam, mặc dù có nguồn công suất thủy điện lớn nhưng vẫn cần lưu ý đến việc kết nối với những nguồn điện của các quốc gia khác trong khu vực (Trung Quốc) theo hướng: Khu vực sản xuất điện giá rẻ chuyển tải đến khu vực có giá thành sản xuất điện cao.

Ông Per Christer Lund cũng cho rằng, Việt Nam nên quan tâm đến các thị trường điện lớn trong khu vực châu Á trong tương lai, để từ đó hình thành một siêu lưới điện liên kết giữa các quốc gia.

Với mô hình này, Việt Nam có thể tham khảo từ châu Âu theo xu hướng: Tái cấu trúc nguồn điện quốc gia quyết định thị trường điện trong nước. Lực lượng tham gia thị trường phải có được các quyền tự do nhất định như điều tiết gia, tuy nhiên phải quan tâm đến những phản ứng của thị trường.

Ông E.Kirkeby Garber, Giám đốc quốc gia của SN Power nêu quan điểm, Việt Nam cần tìm những đối tác, nhà đầu tư từ các quốc gia khác nhau, tạo ra được sự cạnh tranh lành mạnh, đồng thời cũng là cơ hội để các quốc gia trở thành đối tác hỗ trợ nhiều mặt cho thị trường điện khi cần thiết.

Các chuyên gia cùng đề xuất, tới đây, Việt Nam muốn hướng tới thị trường bán buôn điện thành công cần đơn giản hơn trong thủ tục đầu tư, tính minh bạch trong quá trình hợp tác, từ đó tạo ra được thị trường điện linh hoạt với những người tham gia thị trường điện có quyền được tự quyết định.

Trước những quan điểm của các chuyên gia Na Uy, ông Phạm Quang Huy, Trưởng phòng phát triển điện (Cục Điều tiết điện lực - Bộ Công Thương) cho rằng, trong lộ trình phát điện cạnh tranh, các nhà máy điện tự có trách nhiệm trong thị trường của mình.

“Trong thời gian đầu tiên vận hành thị trường, yếu tố đảm bảo an ninh cung cấp điện luôn được đặt lên hàng đầu. Việc nới lỏng khả năng chào giá và tác động giá điện của thị trường ảnh hưởng đến việc các nhà máy có thể nâng cao hiệu suất, tiết kiệm chi phí trong vận hành và bảo dưỡng đó là tác động đầu tiên ngắm tới”, ông Huy nói.

Ông Huy cũng cho biết, thị trường dành cho các nhà máy điện được tự vận hành, tự chào giá và tự chịu trách nhiệm là một thị trường Việt Nam đang hướng tới, nhưng không phải ở thời điểm hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên