Trọng tài mới xử lý 1% các tranh chấp tại Việt Nam

(VOV)-Theo VIAC, dùng phương thức trọng tài có nhiều lợi thế cho doanh nghiệp xử lý tranh chấp, nhưng doanh nghiệp Việt chưa thực "mặn mà".

Nhiều lợi thế nhưng vẫn ít được sử dụng

Theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VIAC), phương thức trọng tài do doanh nhân nghĩ ra và được nhà nước ủng hộ. Phương thức này có nhiều ưu thế, như: Giải quyết một lần; giải quyết bằng hội đồng trọng tài do các bên lựa chọn. Do đó, các bên chọn những chuyên gia giỏi, độc lập, vô tư và khách quan để tham gia vào việc giải quyết tranh chấp.

Sáng 23/4, Trung tâm VIAC có cuộc trao đổi với giới báo chí về một số vấn đề liên quan đến thực tế dùng phương thức trọng tài tại Việt Nam để xử lý các tranh chấp

Trọng tài còn có ưu thế bảo vệ được các bí mật của thương nhân, doanh nhân và doanh nghiệp không bị ảnh hưởng đến uy tín của họ trên thương trường. Các bên tham gia xử lý tranh chấp được quyền thỏa thuận về các vấn đề miễn là bảo đảm tôn trọng quyền của các bên.

Đối với các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, theo ông Huỳnh, nếu sử dụng phương thức trọng tài, các bên có quyền thỏa thuận: chọn tổ chức trọng tài của quốc gia hoặc quốc tế; địa điểm để xét xử; ngôn ngữ dùng trong xét xử. Đặc biệt, các bên còn thỏa thuận được cả luật (quốc gia hoặc quốc tế) sẽ áp dụng giải quyết tranh chấp; phán quyết trọng tài được tuyên tại bất kỳ quốc gia nào cũng có thể được công nhận và thi hành trên gần 150 quốc gia khác…

Mặc dù có nhiều lợi thế trên, song theo ông Phan Trọng Đạt, Phó Trưởng ban, Ban Xúc tiến-Đào tạo của VIAC, hiện tại ở Việt Nam tỷ lệ giải quyết tranh chấp thương mại tại tòa án chiếm tới 98,5% các vụ việc, còn dùng phương thức trọng tài chỉ chiếm khoảng 1%. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng dùng phương thức  trọng tài để giải quyết tranh chấp chưa nhiều tại Việt Nam, trong đó có nguyên do công tác tập huấn về trọng tài còn thiếu, nhận thức về trọng tài của cơ quan nhà nước có liên quan đến trọng tài còn hạn chế.

Đáng chú ý nữa, theo ông Đạt, doanh nghiệp là đối tượng thường gặp tranh chấp, nhưng hiểu biết pháp luật nói chung, hiểu biết về trọng tài còn hạn chế. Thậm chí một số doanh nghiệp có xu hướng chọn trọng tài nước ngoài, không chọn trọng tài Việt Nam. Bên cạnh đó, việc cạnh tranh giữa trọng tài trong nước và trọng tài nước ngoài ngày càng gia tăng cũng là một trở lực đối với hoạt động trọng tài tại Việt Nam.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Bốn, Phó Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, cho rằng các tổ chức, doanh nghiệp cũng chưa thực sự am hiểu nhiều về hoạt động trọng tài. Hiện cả nước có 9 trung tâm trọng tài, nhưng hoạt động chủ yếu tại Trung tâm VIAC.

Là người làm việc trong cơ quan thi hành án, thuộc TAND TP Hà Nội, TS Lê Anh Tuấn, cho rằng: Ở Việt Nam, cơ sở pháp lý cho việc thực thi các phán quyết của trọng tài có đầy đủ, cụ thể, chặt chẽ... Sự bình đẳng trong thi hành phán quyết của trọng tài với các bản án của toàn án là như nhau. Các đương sự đều có quyền bình đẳng trong thực thi các bản án, phán quyết. Hơn nữa, “nếu doanh nghiệp có tranh chấp, chọn trọng tài sẽ “hay” hơn tòa án, vì để đi đến phán quyết của trọng tài, thủ tục, thời gian nhanh hơn so với tòa án, các bên dễ thương lượng hơn”.

Doanh nghiệp ngại dùng trọng tài vì có phán quyết đã bị hủy

Luật sư Vũ Ánh Dương, Tổng Thư ký VIAC, khẳng định tại Việt Nam có xảy ra tình trạng cơ quan tòa án hủy phán quyết của trọng tài. Theo thống kê chưa đầy đủ, ngay tại Trung tâm VIAC, từ khi thành lập năm 1993 đến nay, đã xử lý khoảng gần 1000 vụ việc, trong đó đã có 9 phán quyết bị hủy. Việc có những phán quyết của trọng tài bị hủy cũng là nguyên nhân quan trọng khiến doanh nghiệp Việt vẫn còn e ngại khi dùng phương thức trọng tài để xử lý tranh chấp, vì lo phán quyết của trọng tài của thể bị hủy.

Đáng chú ý, là người có kinh nghiệm tham gia giải quyết nhiều vụ tranh chấp lớn, có tính chất quốc tế, GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Hội đồng Pháp lý Trung tâm VIAC, chia sẻ: “Qua nhiều vụ kiện quốc tế cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam còn kém trong việc sử dụng các dịch vụ pháp luật. Có nhiều ký kết được doanh nghiệp thực hiện thậm chí không hiểu biết về đối tác. Khi xảy ra tranh chấp mới vỡ lẽ”.

Không những thế, “nhiều doanh nghiệp Việt Nam thường tìm cách chọn luật nước ngoài làm căn cứ xử lý tranh chấp, có thể chỉ đơn thuần là nhằm chơi trội, chơi sang, mà không tìm cách thuyết phục đối tác chọn luật Việt Nam để xử lý. Không ít doanh nghiệp lựa chọn luật nước ngoài trong khi không am hiểu gì về luật nước ngoài, có cả trường hợp dùng những bản dịch luật nước ngoài không chuẩn để làm căn cứ. Điều này rất dễ gây ra rủi ro, thiệt hại”.

GS.TS Lê Hồng Hạnh còn chỉ ra một bất lợi lớn nữa trong ứng xử của doanh nghiệp và cơ quan chức năng của Việt Nam trước những tranh chấp có yếu tố nước ngoài là: “Trong xử lý tranh chấp, khi thấy mình bị bất lực, doanh nghiệp đến UBND tỉnh, Bộ Tư pháp.... xin tư vấn. Các cơ quan này cũng hăng hái vào cuộc. Khi đó, đối tác sẽ chuyển hướng tranh chấp thành có yếu tố chính quyền, Chính phủ tham gia bảo hộ cho doanh nghiệp. Như vậy, có thể dẫn đến vi phạm các cam kết quốc tế (như các cam kết WTO)”.

“Tôi không sợ đối mặt tòa án quốc tế, không sợ thua... mà chỉ sợ thua vì những can thiệp từ phía sau của các cơ quan chức năng”- GS.TS Lê Hồng Hạnh nhấn mạnh.

Từng tham gia xử gần 20 vụ tranh chấp bằng phương thức trọng tài, LS Phan Chí Hiếu, Hiệu trưởng ĐH Luật Hà Nội cũng trăn trở: “Có những quyết định tòa án hủy phán quyết của trọng tài đã làm sai. Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín của trọng tài”.

Là người gắn bó với hoạt động trọng tài từ những năm 1990, TS Nguyễn Văn Hậu, Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, chia sẻ: “Chứng kiến thực tế áp dụng phương thức trọng tài trong giải quyết tranh chấp tại Việt Nam, tôi vừa buồn vừa vui. Vui vì trọng tài Việt Nam đã đi được chặng đường dài. Nhưng buồn vì phương thức này chưa được doanh nghiệp, các tổ chức chú trọng sử dụng để giải quyết các tranh chấp”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Kinh tế suy giảm, tranh chấp thương mại sẽ gia tăng
Kinh tế suy giảm, tranh chấp thương mại sẽ gia tăng

Nguy cơ xảy ra nhiều dạng tranh chấp như: giữa quốc gia với quốc gia, giữa quốc gia với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.

Kinh tế suy giảm, tranh chấp thương mại sẽ gia tăng

Kinh tế suy giảm, tranh chấp thương mại sẽ gia tăng

Nguy cơ xảy ra nhiều dạng tranh chấp như: giữa quốc gia với quốc gia, giữa quốc gia với doanh nghiệp và giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.