Trung Quốc tăng trưởng chậm ảnh hưởng mạnh đến BRIC

Nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới trước những dấu hiệu suy giảm đã kéo theo sự thiệt hại cùng mức tăng trưởng chậm của các nền kinh tế mới nổi (BRIC).

Công ty nghiên cứu thị trường (EPFR Global) cho biết, trong quý II/2012, các nhà đầu tư đã rút 787 triệu USD khỏi các quỹ chứng khoán tập trung vào các nền kinh tế mới nổi (BRIC). Đặc biệt, các quỹ tập trung vào thị trường Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng nề, khi các nhà đầu tư rút tổng 88% trên tổng số 1,6 tỷ USD tiền đổ vào các quỹ trong quý I.

Ngay cả Jim O'Neil, chủ tịch Goldman Sachs Asset Management, người đã nghĩ ra thuật ngữ BRIC cho các nền kinh tế mới nổi, và tin tưởng vào thị trường này cũng cho biết sự chậm lại ở Trung Quốc khiến ông ngạc nhiên đôi chút.

Ngày càng nhiều nhà đầu tư cẩn trọng hơn với dự đoán tăng trưởng Trung Quốc.
Đáng lo ngại hơn, với kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, các quỹ mới nổi có thể thiệt hại hơn nữa, đặc biệt nếu các nước BRIC khác cũng tăng trưởng chậm lại. Bill Rocco, nhà nghiên cứu tại Morningstar cho rằng Trung Quốc đang trở nên nhạy cảm hơn với khủng hoảng châu Âu và kinh tế chậm lại ở Mỹ. Ngày càng nhiều nhà đầu tư cẩn trọng hơn với dự đoán tăng trưởng Trung Quốc.

Công ty nghiên cứu ngành quỹ tương hộ Morningstar cho biết, tới ngày 30/6, các quỹ chứng khoán thị trường mới nổi Mỹ tăng 4,61% tương đối thấp hơn mức tăng 5,51% của các quỹ chứng khoán không hướng tới thị trường mới nổi.

Morningstar cũng cho biết, các quỹ tương hỗ Mỹ tập trung vào thị trường Trung Quốc chỉ tăng 2,9% so với mức tăng 4,15% của các quỹ chứng khoán thị trường mới nổi. Trong khi đó, chỉ số cơ bản S&P 500, tăng 7% năm 2012.

Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể, các quỹ chứng khoán thị trường mới nổi tăng trưởng tốt hơn năm 2011 khi giảm 20%. Sau khi tăng mạnh 12,1% quý I/2012, các quỹ thị trường mới nổi mất hơn 1 nửa mức tăng này trong quý II.

Một số người ủng hộ các nền kinh tế mới nổi cho rằng, dù Trung Quốc có tăng trưởng chậm lại, vẫn vượt xa tốc độ tăng trưởng trung bình 2,8% năm 2011 của các nền kinh tế lớn G20. World Bank gần đây nhất dự đoán, GDP Trung Quốc năm 2012 là 8,2%, từ mức 9,2% của năm 2011 và 10,4% của năm 2010.

Các nhà phân tích theo khảo sát mới nhất của Reuters dự đoán, tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều khả năng, tăng trưởng Trung Quốc quý III này thấp nhất trong ít nhất 3 năm, kể từ giai đoạn tháng 1-3/2009. Dữ liệu chính thức sẽ đưa ra ngày 13/7 này.

Một dấu hiệu cho thấy kinh tế Trung Quốc chậm lại nữa là chỉ số quản lý mua hàng PMI giảm xuống 50,2 trong tháng 6, sau khi chạm mức cao nhất 1 năm 53,3 tháng 5.

Lo ngại ngày càng lớn về Trung Quốc nói riêng và các nước mới nổi BRIC nói chung bắt đầu ảnh hưởng tới các quỹ thị trường mới nổi của Mỹ, và các quỹ phòng hộ tập trung vào châu Á.

Tuy nhiên, Jean-Charles Sambor - Giám đốc đầu tư trái phiếu tại quỹ phòng hộ 1,7 tỷ USD Everest Capital lại cho rằng, tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc và các nước BRIC đang quay lại tốc độ bền vững hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên