Trung tâm thương mại Đồng Xuân – Sắc xuân Việt giữa Thủ đô nước Đức

VOV.VN - Với đà phát triển nhanh, liên tục từ khi hình thành đến nay, Đồng Xuân đang là doanh nghiệp dẫn đầu, là niềm tự hào của người Việt tại Đức.

Trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt

Nếu ai đó mới đặt trên đến Berlin, nước Đức, muốn hỏi đường về Trung tâm Thương mại Đồng Xuân, ngắn gọn hơn là chợ Đồng Xuân, thì gần như cả người Đức gốc Việt và nhiều người Đức đều có thể chỉ cho bạn một cách rành rẽ và nhiệt thành. Ngồi lên taxi, nói đến địa chỉ Đồng Xuân Center, bạn yên tâm, bất cứ lái xe nào cũng chở bạn đến nơi.

Trụ sở của toà Thị chính thành phố Berlin có một một sa bàn hướng dẫn những điểm du lịch của thành phố. Đồng Xuân được đánh dấu như một nốt son đáng đến với các du khách. Ngày thường cũng thế, đặc biệt những ngày cuối tuần, trong dòng người nườm nượp vào Đồng Xuân mua sắm hay thưởng thức ẩm thực Việt, rất nhiều các “ông Tây, bà đầm”, rất nhiều các màu da, sắc tộc khác nhau cũng đến nơi này.

Trung tâm thương mại Đồng Xuân – Sắc xuân Việt giữa Thủ đô nước Đức.

Với những người Việt xa quê lâu năm hay cả những người từ “bên nhà” mới sang, dù dân thường hay quan chức, hễ cứ đến Đồng Xuân là thấy mình như đang ở quê hương. Đặc biệt mỗi khi Tết đến, Xuân về Đồng Xuân Berlin không khác gì chợ Đồng Xuân Hà Nội. Hàng hoá ngập tràn hương vị Tết. Khiến nhiều người đến đây không chỉ vì mua sắm mà còn để hưởng chút không khí Tết cho vơi đi nỗi nhớ nhà.

Chính vì thế với người Đức và bạn bè quốc tế, Đồng Xuân như một Việt Nam thu nhỏ. Còn với người Việt, Đồng Xuân là “Thủ phủ” của cộng đồng Việt nơi xứ người. Bao nhiêu hẹn hò, bao nhiêu cuộc gặp gỡ, bao nhiêu sự kiện lớn nhỏ mọi người đều mời nhau đến đây và đều cảm nhận không gian nơi đây ấm áp không khác gì chính quê hương mình.

Đồng Xuân bây giờ là trung tâm thương mại, trung tâm buôn bán lớn nhất của người Việt tại Đức. Còn nói như nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trong một lần đến thăm Đồng Xuân thì đây là Trung tâm Thương mại lớn nhất của người Việt trên toàn thế giới. Hàng hoá ở đây ăm ắp, không thiếu thứ gì, đủ cả tứ thời, bát tiết. Có khác chăng là ở đây có nhiều mặt hàng có nguồn gốc từ châu Á, từ Việt Nam, trong đó đáng kể hàng may mặc và thực phẩm, rau, quả tươi, gia vị. Từ đây hàng hoá theo chân những người bán lẻ phân phối khắp mọi miền trên toàn nước Đức.

Đồng Xuân bây giờ là trung tâm thương mại, trung tâm buôn bán lớn nhất của người Việt tại Đức.

Đặc biệt là lễ hội “40 năm người Việt hội nhập và phát triển tại CHLB Đức” nhân kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Đức - Việt cũng được tổ chức tại đây với sự tham gia của hơn 10.000 người cả người Việt và người Đức, cả đại diện chính quyền quận và thành phố cùng các nghị sỹ quốc hội của các đảng phái khác nhau trên nước Đức.

Ông Nguyễn Thiện Nhân - lúc giữ cương vị Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, cũng có mặt và phát biểu chào mừng. Sự kiện đó thật sự là một ngày hội về sự hội nhập của cộng đồng người Việt tại Đức, cũng là ngày hội của tình hữu nghị nồng thắm giữa nhân dân hai nước Việt - Đức.

Hành trình gian nan trở thành “Tập đoàn” Đồng Xuân

Trung tâm thương mại Đồng Xuân hiện tọa lạc trên diện tích rộng tới 168.000 m2 thuộc quận Lichtenberg - quận đông người Việt nhất Thủ đô Berlin - có 8 Halle (khu nhà) khang trang với hơn 400 gian hàng. Bà con kinh doanh nơi đây phần đông là người Việt, bên cạnh đó là người Trung Quốc, người Thổ, người Ấn Độ, người Pakistan, người Nga...

Tất cả quây quần làm ăn, buôn bán, hòa thuận như trong một nhà, không phân biệt màu da, quốc tịch. Ngoài khu vực buôn bán, Đồng Xuân còn có 2 khu văn phòng, một khách sạn 4 sao và một Nhà văn hoá đang xây dựng, dự kiến hoàn tất vào cuối năm 2020.

Để có một Đồng Xuân như bây giờ là cả một chặng đường không ít gian nan, là biết bao công sức, tiền của, trí tuệ và cả nước mắt đã đổ xuống.

Hoạt động khuyên góp, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt ở Trung tâm thương mại Đồng Xuân.

Ông Nguyễn Văn Hiền CTHĐQT kiêm TGĐ Trung tâm thương mại Đồng Xuân cho biết: Năm 1989 khi bức tường Berlin sụp đổ, hàng loạt các nhà máy, xí nghiệp nơi người Việt làm việc trong khuôn khổ lao động hợp tác phải đóng cửa. Điều đó đồng nghĩa với việc hàng chục nghìn người Việt thất nghiệp. Không có việc làm, họ đành phải đổ xô ra hè đường kiếm sống với nghề buôn bán nhỏ lẻ. Trăm thứ bà giằn, miễn là kiếm ra tiền, nhưng phổ biến nhất vẫn là buôn bán quần áo. Thời kỳ đó, những chủ giao hàng đều giao tại căn hộ chật chội nơi mình đang sống trong những khu nhà tập thể.

Là một chủ giao hàng lớn thời kỳ đó, ông Hiền nghĩ: Sao mình không làm một khu giao hàng để bà con tập trung về đấy buôn bán? Vừa tiện lợi, vừa ấm áp tình cộng đồng, bà con lại đỡ khổ. Nghĩ là làm. Năm 1996 ông Hiền thuê lại kho của công ty Adams trên diện tích 10.000 m2 tại Thành phố Leipzig để xây dựng Đồng Xuân Markt. Đồng Xuân Markt đi vào hoạt động giúp việc buôn bán của bà con nề nếp, ổn định hơn nên được họ và cả chính quyền địa phương ủng hộ.

Thành công nối tiếp thành công. Đầu năm 2000, thể theo nguyện vọng của cộng đồng, ông Hiền thuê tiếp mặt bằng cũng rộng 10.000 m2 của công ty Rühr để xây dựng Đồng Xuân Center. Đồng Xuân Center cùng với Đồng Xuân Market là những khu chợ đầu tiên của người Việt tại CHLB Đức và đó cũng là ý tưởng để xây dựng Đồng Xuân Berlin sau đó…

So với nhu cầu buôn bán ngày càng phát triển của cộng đồng người Việt, đặc biệt cộng đồng người Việt ở Berlin. Phải mua đất xây chợ, ý tưởng đó hình thành và cứ thôi thúc trong suy nghĩ của ông Hiền. Lần mò mãi rồi vận may cũng đến. Đó chính là khu đất rộng 168.000 m2 của quận Lichtenberg.

Trên một mảnh đất gần như hoang tàn. Chưa nói đến tiền của, chưa nói đến công sức, tâm huyết, chỉ riêng thời gian làm thủ tục, thiết kế, xây dựng, hoàn thiện hai khu nhà giao hàng là Halle 1 và 2 đã hết trọn 2 năm trời. Ngày 15/02/2004 là ngày khai trương hai Halle đầu tiên của Đồng Xuân.

Về tên gọi Đồng Xuân, ông Hiền chia sẻ: Đồng Xuân vốn là một địa danh ở Hà Nội, rất quen thuộc với người Việt. Lấy tên gọi này là muốn bà con kinh doanh ở đây cảm thấy như đang làm ăn trên chính quê hương mình. Vừa để bà con yên tâm làm ăn, vừa như sự nhắc nhở bà con luôn nhớ về quê hương. Còn nữa, tên “chợ Đồng Xuân” vì đã rất quen thuộc, tự thân nó cũng có sức hấp dẫn đối với khách hàng, đặc biệt với khách hàng người Việt.

Để xây dựng Đồng Xuân Berlin trong những ngày đầu tiên ấy, đâu là khó khăn lớn nhất mà ông đã vượt qua?

Ông Hiền bộc bạch: Có hai khó khăn. Cái thứ nhất là sự cản phá của lối cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh của một số ít người Việt. Điều thứ hai là vấn đề về vốn. Cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt những thư đe doạ, những hành động kém văn hóa, thậm chí đe dọa tính mạng khiến cho người đầu tư không yên tâm.

Thời gian đó tôi phải ngồi trong xe thùng mỗi khi cần di chuyển. Mỗi đêm ngủ ở một khách sạn khác nhau. Thậm chí, theo đề nghị của công an phía Đức, tôi phải tạm lánh về Việt Nam một tháng. Nếu không đủ bản lĩnh và trách nhiệm, chắc chắn tôi đã phải từ bỏ những kế hoạch, những dự án mà mình ấp ủ thực hiện. Cũng may nhờ các cơ quan chức năng của Đức vào cuộc, nhờ sự ủng hộ, chở che của các doanh nghiệp mà Đồng Xuân vượt qua được những khó khăn rất cam go và đi vào xây dựng.

Khi Halle 1 và 2 đi vào hoạt động có hiệu quả, Đồng Xuân được nhiều người biết đến thì các nhà ngân hàng bắt đầu mở hầu bao. Do nguồn tiền được mở và xuất phát từ nhu cầu của các chủ giao hàng, Đồng Xuân tiếp tục xây dựng thêm Halle 3. Rồi khu kho là hai Halle 4 và 5. Cứ có cầu là Đồng Xuân tiếp tục cung. Từ đó ra đời liên tiếp các Halle 8, Halle 6. Và gần đây nhất là Halle 18.

Đồng Xuân bây giờ không còn là một công ty đơn lẻ nữa mà trở thành tập đoàn Đồng Xuân với nhiều công ty hợp thành. Ngoài khu Trung tâm Thương mại rộng lớn, Đồng Xuân còn có khách sạn Đồng Xuân đẳng cấp 4 sao, có khu liên hợp Lehop sản xuất thực phẩm, có các công ty xuất nhập khẩu và phân phối thực phẩm Á Châu, có các công ty kinh doanh bất động sản và hệ thống nhà hàng.

Ngoài nhà văn hoá đang xây dựng và hoàn tất vào cuối năm 2020, cũng trong năm này Đồng Xuân sẽ xây dựng và đưa vào sử dụng nhà máy sản xuất mỳ với số vốn đầu tư trên chục triệu Euro. Chưa tính đến các dự án bất động sản như xây khu biệt thự, khu chung cư, khu tập thể thao và bãi đỗ xe... Tất cả các dự án đó đều “tiền đã lo xong, đất cắm rồi” chỉ chờ động thổ, khởi công xây dựng trong một vài năm tới.

Đồng Xuân giờ đúng như tên gọi của nó - là một màu xanh hy vọng, một sắc Xuân Việt giữa Thủ đô nước Đức./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ngọn cờ của phong trào người Việt tại Marseille, Pháp
Ngọn cờ của phong trào người Việt tại Marseille, Pháp

VOV.VN - Kể từ những ngày đầu đặt chân tới Marseille, bác Trần Thị Sâm đã không ngừng tham gia các hoạt động của người Việt tại đây.

Ngọn cờ của phong trào người Việt tại Marseille, Pháp

Ngọn cờ của phong trào người Việt tại Marseille, Pháp

VOV.VN - Kể từ những ngày đầu đặt chân tới Marseille, bác Trần Thị Sâm đã không ngừng tham gia các hoạt động của người Việt tại đây.

“Người Việt ở Saint Petersburg dù gặp khó khăn vẫn sống lạc quan”
“Người Việt ở Saint Petersburg dù gặp khó khăn vẫn sống lạc quan”

VOV.VN - Cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc và học tập ở thành phố Saint Petersburg hiện có khoảng trên 1.000 người.

“Người Việt ở Saint Petersburg dù gặp khó khăn vẫn sống lạc quan”

“Người Việt ở Saint Petersburg dù gặp khó khăn vẫn sống lạc quan”

VOV.VN - Cộng đồng người Việt sinh sống, làm việc và học tập ở thành phố Saint Petersburg hiện có khoảng trên 1.000 người.

Rộn ràng lễ hội chào Xuân Canh Tý của cộng đồng người Việt tại Pháp
Rộn ràng lễ hội chào Xuân Canh Tý của cộng đồng người Việt tại Pháp

VOV.VN - Tòa Thị chính Paris (Pháp) đã đón tiếp và tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt 6 năm liên tiếp.

Rộn ràng lễ hội chào Xuân Canh Tý của cộng đồng người Việt tại Pháp

Rộn ràng lễ hội chào Xuân Canh Tý của cộng đồng người Việt tại Pháp

VOV.VN - Tòa Thị chính Paris (Pháp) đã đón tiếp và tổ chức Tết cho cộng đồng người Việt 6 năm liên tiếp.