Ủy ban Giám sát tài chính đề xuất điều chỉnh mặt bằng lãi suất

VOV.VN - UBGSTCQG dự báo nếu không có những biện pháp hỗ trợ tổng cầu có hiệu quả thì tăng trưởng trong năm 2014 khả năng chỉ trong khoảng 5,6-5,7%

Trong báo cáo vừa được công bố, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục đà phục hồi trong hai quý cuối năm nhờ tình hình sản xuất được cải thiện, kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao hơn cùng kỳ và người tiêu dùng có dấu hiệu lạc quan.

Theo tính toán của UBGSTCQG, ngoại trừ tháng 1/2014 do yếu tố mùa vụ, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) chung cũng như của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo liên tục tăng kể từ tháng 7/2013. Tính chung 7 tháng/2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,2% so cùng kì năm trước (cùng kì năm trước tăng 5,2%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1% (cùng kì năm trước tăng 5,8%); sản xuất và phân phối điện tăng 11,4%.

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng PMI của HSBC liên tục trên 50 điểm kể từ tháng 9/2013, cho thấy điều kiện kinh doanh liên tục được cải thiện.

Kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất trong 7 tháng đầu năm tăng cao so với cùng kỳ như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; kim loại thường khác; nguyên phụ liệu dệt may, da giầy 27,1%. Riêng đối với nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng, kim ngạch nhập khẩu trong 7 tháng tăng 24,4% so với cùng kì, cao hơn nhiều mức tăng 13,9% của cùng kì năm 2013.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh doanh nghiệp niêm yết duy trì xu hướng cải thiện từ quý 3/2013. Trong quý 2/2014, ROA, ROE của các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán lần lượt đạt 1,6% và 4,1% tương ứng tăng 0,6 điểm phần trăm và 1,3 điểm phần trăm so với cùng kì năm 2013.

Đáng lưu ý là khu vực SMEs3 đã có dấu hiệu phục hồi sau 2 năm liên tiếp suy giảm về doanh thu và hiệu quả sản xuất kinh doanh; trong quý 2/2014 doanh thu bình quân khu vực SMEs tăng 28,0% so với cùng kì năm 2013;ROA, ROE cũng duy trì đà tăng kể từ quý 3/2013, so với quý 1/2014 ROA, ROE lần lượt tăng 2,6 và 4,5 điểm phần trăm, tương ứng đạt 0,3% và 0,5%.

Mặc dù vậy, vấn đề đáng lo ngại vẫn là tổng cầu chưa được khôi phục vững chắc. Ủy ban Giám sát tính toán trong tháng 8 lạm phát cơ bản là 3,34%, thấp hơn lạm phát tổng thể 4,31% và cũng thấp hơn số liệu cùng kỳ năm ngoái là 4,43%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái nhưng mức cải thiện không lớn. Theo UBGSTCQG, mức tăng bán lẻ hàng hóa của 7 tháng/2014 là 6,3%, so với 4,86% của cùng kì 2013.

Trong khi đó, khối lượng vận chuyển hàng hóa trong 7 tháng đầu năm 2014 vẫn tăng thấp hơn so với cùng kì (4,8% so với 13,7%).

Đối với đầu tư, theo ước tính của UBGSTCQG, trong 6 tháng/2014, đầu tư tư nhân ở mức 10,3% GDP, thấp hơn mức 11,1% GDP cùng kì 2013.

Trong khi đó, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 7 tháng đầu năm chỉ tăng 2,3% so cùng kì (cùng kì 2013 tăng 6,4%). Do giữa tăng đầu tư tư nhân và tăng tín dụng có mối quan hệ chặt chẽ nên tín dụng tăng thấp có thể xem là nguyên nhân quan trọng khiến đầu tư tư nhân ở mức thấp.

Tăng trưởng tín dụng mặc dù có chuyển biến song vẫn thấp. Theo NHNN, tính đến 31/7, tăng trưởng tín dụng chỉ đạt 3,7%, thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2013 là 4,7%; Tổng cầu thấp đang gây khó khăn cho mục tiêu tăng trưởng 5,8%.

Trong bối cảnh này, Ủy ban Giám sát cho rằng, doanh nghiệp vẫn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp tư nhân. Mặc dù thu nội địa 8 tháng đầu năm có mức tăng cao hơn cùng kì 2013 (22,4% so với 11,5%) nhưng chủ yếu nhờ tăng thu từ khu vực DNNN và khu vực có vốn ĐTNN. Thu từ khu vực ngoài quốc doanh đã tăng thấp hơn đáng kể so với với cùng kì 2013 (6,8% so với 18,4%). Khó khăn của doanh nghiệp là nguyên nhân chính khiến tín dụng tăng chậm và đầu tư tư nhân thấp.

Tổng cầu thấp khiến doanh nghiệp khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Doanh thu bình quân của các doanh nghiệp niêm yết trong quý 2/2014 giảm 22,6% so với cùng kỳ

Chi phí đầu vào tăng nhanh khiến doanh nghiệp khó giảm giá bán để giải quyết khâu tiêu thụ. Điều tra PMI của HSBC cho thấy kể từ tháng 4/2014 giá đầu vào đã có xu hướng tăng nhanh hơn.

Tình hình khó khăn của doanh nghiệp đã ảnh hưởng đến mức sinh lời của hệ thống TCTD. Tín dụng tăng thấp (theo tính toán của UBGSCTQG dư nợ bình quân 6 tháng đầu năm chỉ tăng 0,52%) và chênh lệch lãi suất (NIM) toàn ngành giảm đã khiến lợi nhuận trước dự phòng của hệ thống giảm so với cùng kì 2013, ảnh hưởng đến khả năng trích lập dự phòng rủi ro.

UBGSTCQG dự báo nếu không có những biện pháp hỗ trợ tổng cầu có hiệu quả thì tăng trưởng trong năm 2014 khả năng chỉ trong khoảng 5,6-5,7%.

 Ủy ban Giám sát tài chính đề xuất trong những tháng cuối năm chính sách điều hành cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ tổng cầu nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 5,8%.

Đối với đầu tư công, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư từ nguồn NSNN và TPCP, nhất là đối với các dự án có tính lan tỏa cao như các dự án đầu tư vào cơ sở hạ tầng nông thôn, vào nhóm ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản...

Đối với đầu tư tư nhân, để thúc đẩy cần thực hiện các giải pháp như cắt giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, nhất là chi phí liên quan đến thủ tục hành chính. Về vấn đề này Thủ tướng đã có Chỉ thị 24/CT-TTg ngày 05/08/2014 về việc tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan.

Ủy ban Giám sát tài chính đề xuất, căn cứ vào diễn biến của lạm phát, điều chỉnh mặt bằng lãi suất sao cho vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp cắt giảm chi phí vốn vừa không làm suy giảm năng lực tài chính của các TCTD.

Đông thời đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cùng với việc sử dụng các quỹ hỗ trợ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu tín dụng của cả năm 2014. Tiến độ thực hiện cổ phần hóa và tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tạo động lực tăng trưởng đối với khu vực tư nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên