Tìm việc làm cuối năm: Người lao động cần tìm hiểu kỹ để tránh bị lừa

VOV.VN- Người lao động tìm việc cuối năm nên tỉnh táo khi tìm việc làm qua các công ty môi giới.

Dịp gần Tết, nhiều người có nhu cầu tìm việc làm thời vụ với mong muốn kiếm thêm chút tiền trang trải cho cái Tết của gia đình. Thế nhưng, việc thì chưa thấy đâu mà họ đã mất trắng khoản tiền đặt cọc cho các công ty môi giới.

Nộp tiền thì dễ, lấy ra thì khó

Tại các thành phố lớn, vào dịp Tết không ít sinh viên, người lao động không về quê mà ở lại thành phố kiếm việc làm để có tiền trang trải cho cuộc sống, vì tiền công những ngày Tết cao gấp 3-4 lần ngày thường.

Tuy nhiên rất ít người tự tìm được việc làm, hầu hết họ phải qua các công ty môi giới. Lê Nam (sinh viên trường Đại học Xây dựng) chia sẻ: “2 tuần trước, tôi đã mất 1,5 triệu nộp cho công ty môi giới để họ giới thiệu cho việc bán hàng dịp Tết với tiền công được họ hứa hẹn là 100.000 đồng/giờ.

Người lao động cần tìm hiểu về công ty môi giới việc làm 

Thế nhưng, khi đến cửa hàng do công ty giới thiệu, họ nói chỉ trả 35.000 đồng/giờ. Vì giá công lao động mà cửa hàng trả chỉ bằng ngày thường nên tôi không đồng ý nhận việc và quay lại công ty môi giới để lấy lại tiền đã nộp.

Công ty không trả mà hứa hẹn sẽ tìm cho tôi công việc ở chỗ khác với mức lương như đã hứa. Giờ tôi đang rất sốt ruột bởi chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đã đến Tết mà công ty vẫn chưa tìm được việc cho tôi, dù ngày nào tôi cũng gọi điện đến hỏi. Nếu họ không tìm được việc, tiền nộp vào công ty coi như mất trắng, bởi nộp vào thì dễ chứ lấy ra chắc khó”.

Cũng với mong muốn tranh thủ kiếm tiền dịp Tết, chị Nguyễn Lành (Kim Môn, Hải Dương) tìm đến công ty chuyên giới thiệu giúp việc gia đình, nhờ họ giới thiệu cho việc dọn dẹp nhà cửa hay chăm sóc người ốm dịp Tết.

Chị Lành phải nộp cho công ty 2 triệu để họ giới thiệu việc làm, nhưng qua người quen, chị Lành đã tự tìm được việc. Vì thế, chị đến công ty đòi lại số tiền đã nộp nhưng đi lại năm lần bảy lượt, họ viện hết lý do này đến lý do khác để không trả tiền cho chị. Chị Lành càng bực bội hơn khi gọi điện thì bị họ chặn máy, mượn điện thoại của người khác gọi thì khi nhận ra tiếng của chị là họ tắt máy.

Người lao động nên làm đơn tố cáo

Theo Công ty Luật Minh Khuê, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự 1999 sửa đổi bổ sung 2009:

“1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 đồng, nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2-7 năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp...”.

Vì vậy, theo tư vấn của Công ty Luật Minh Khuê, người lao động nếu bị công ty môi giới lừa thì nên làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến cơ quan có thẩm quyền để được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Dù luật đã quy định rõ ràng là vậy, nhưng trên thực tế khi người lao động mất tiền cho các công ty môi giới họ thường ngậm đắng nuốt cay mà không tố cáo những công ty này đến cơ quan có thẩm quyền.

Lý giải điều này, ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng người lao động mất tiền nhưng không muốn trình báo với cơ quan chức năng vì: Thứ nhất là số tiền không lớn, họ sợ phiền hà; thứ hai là họ ở trong tình trạng yếu thế khi thị trường lao động người tìm việc thì nhiều mà việc làm thì ít, vì thế, họ sẵn tâm lý chấp nhận rủi ro trong quá trình tìm việc. Bên cạnh đó, dù pháp luật có quy định rõ ràng xử lý những cá nhân, tổ chức có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác nhưng trên thực tế rất ít cá nhân, tổ chức bị xử lý, hoặc nếu có xử lý thì hình phạt chưa đủ mạnh, không có tính răn đe.

Ông Vũ Quang Thọ khuyến cáo, người lao động tìm việc cuối năm nên tỉnh táo khi tìm việc làm qua các công ty môi giới. Trước khi nộp tiền cần tìm hiểu kỹ về công ty qua các thông tin trên mạng, từ các phương tiện truyền thông đại chúng, qua bạn bè, qua những người đã tìm việc tại công ty...

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng nên thông báo công khai, minh bạch những công ty môi giới nào đáng tin cậy trên các phương tiện thông tin đại chúng để người lao động biết.

Ngoài những gì ông Thọ chia sẻ, thiết nghĩ, Sở LĐ-TB&XH các tỉnh thành cần siết chặt quản lý các công ty giới thiệu việc làm trên địa bàn, thường xuyên tiến hành tranh tra xử lý nghiêm sai phạm, cho đóng cửa những công ty hoạt động không phép để giảm thiểu thiệt hại cho người lao động./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên