Vàng trong nước còn đắt hơn 1,1 triệu đồng/lượng

Vàng thế giới ghi nhận tuần thứ 3 liên tiếp đi xuống, mất 2%. Biến động chậm hơn, giá vàng trong nước tuần qua mất tổng cộng 400.000 đồng/lượng.

Sáng nay (10/12), tại Hà Nội, giá vàng SJC giao dịch quanh mức 44,73 – 44,77 triệu đồng/lượng (mua vào) và 44,88 – 44,93 triệu đồng/lượng (bán ra). So với sáng 9/10, vàng SJC tại thị trường Hà Nội tăng 60.000 đồng mua vào và 90.000 đồng bán ra.

Tại TP HCM, vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn và vàng SBJ của Sacombank SBJ cùng tăng 70.000 đồng mua vào và 20.000 đồng bán ra, lên 44,65 – 44,85 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).

Như vậy, so với chốt phiên tuần trước, vàng trong nước đã mất đi khoảng 400 nghìn đồng/lượng.

Thị trường vàng trong tuần ghi nhận nhu cầu bán vàng của người dân nhiều hơn sức mua. Tâm lý giảm nắm giữ vàng của người dân sau khi NHNN công bố dự thảo về quản lý vàng mới nhất được trình chính phủ.

Trên thị trường thế giới, giá vàng trong phiên giao dịch cuối tuần tăng nhẹ trở lại khi các nhà lãnh đạo châu Âu nhất trí thúc đẩy hội nhập kinh tế sâu hơn đồng thời tăng cường quỹ cứu trợ và tâm lý người tiêu dùng Mỹ đạt mức cao nhất trong 6 tháng.

Trong phiên, giá vàng dao động trong biên độ hẹp hơn 10 USD, khối lượng giao dịch thấp, cho thấy nhà đầu tư vẫn rất thận trọng chờ đợi một tuyên bố chung về kế hoạch hành động giải cứu cuộc khủng hoảng nợ công khu vực Eurozone.
Kết thúc ngày giao dịch, giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.712,39 USD/oz. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 3,4 USD lên 1.716,8 USD/oz, với khối lượng giao dịch chỉ bằng 60% mức trung bình 30 ngày qua.

Các chuyên gia cho rằng, giá vàng chưa thể tăng đột biến khi nhà đầu tư vẫn e dè bởi quan điểm đối lập và từ chối tham gia giải quyết tình hình của Anh với 26 nước còn lại. Hiệp ước EU đã không được nhất trí sửa đổi.

Chốt phiên 9/12, giá vàng giao ngay tăng 5,5 USD lên 1.711,3 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 2 trên sàn Comex tăng 3,4 USD lên 1.716,8 USD/ounce.

Tính chung tuần, giá vàng giảm 2%, đánh dấu tuần thứ ba đi xuống. Nguyên nhân giảm giá chủ yếu do áp lực bán mạnh vì các tín hiệu kỹ thuật trở nên xấu đi hồi đầu tuần.

Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu ngày 9/12 tuyên bố không mua vào thêm trái phiếu nữa khiến nhà đầu tư lo ngại về thanh khoản thị trường, qua đó tác động tiêu cực đến nhà đầu tư vàng. Và cuối cùng, cũng như các tuần trước, quan ngại về khả năng giải quyết khủng hoảng nợ công Eurozone cũng tác động xấu đến tâm lý nhà đầu tư.

Trong phiên giao dịch ngày 9/12, Quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã bán 0,41 tấn vàng, giảm lượng nắm giữ xuống 1.295,4 tấn vàng, tương đương 41.648.427,39 ounce, trị giá 71,168 tỷ USD.

Ông Carlos Perez-Santalla, nhà môi giới kim loại quý thuộc PVM Futures nhận xét, có một mối tương đồng lớn vào cuối năm nay là hầu hết các mặt hàng, kể cả vàng, bị điều chỉnh giảm. Ông tin tưởng khi các nhà đầu tư trở lại thị trường vào đầu năm mới, giá vàng sẽ tăng trở lại bởi vấn đề lạm phát nóng lên.

George Nickas, nhà kinh doanh hàng hóa với công ty môi giới INTL FCStone thì nhận xét, thị trường đang “tiêu hóa” các tin tức đến từ châu Âu, nhưng đã không có tin nào thuyết phục được nhà đầu tư, vàng vì thế sẽ trì hoãn đà tăng cho đến tận năm mới.

Nhà đầu tư lừng danh Dennis Gartman, người từ lâu đã lạc quan về vàng tính theo các loại tiền không phải USD, trong một lưu ý cho biết ông sẽ bán toàn bộ số vàng đang nắm giữ nếu đồng Euro giảm xuống dưới 1.275 Euro/ounce. Hiện giá vàng tính theo Euro đang ở 1.280 Euro/ounce.

James Steel, nhà phân tích hàng hóa trưởng của HSBC thì nhận xét, giá vàng đang chịu áp lực mạnh bởi cách cho vay vàng của các NHTW châu Âu để đổi lấy USD.

Ở thị trường tiền tệ, NHNN duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn định suốt 6 tuần qua tại 20.803 đồng, lâu nhất kể từ đầu năm. Tỷ giá USD của các ngân hàng cũng ổn định tại 21.000 – 21.011 đồng. Tỷ giá USD ngoài tự do không còn có khoảng cách với USD ngân hàng vì nhu cầu giảm sút sau khi NHNN yêu cầu áp dụng nghiêm chỉnh nghị định 95 của chính phủ về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Quy đổi theo tỷ giá USD ngân hàng, cộng thêm phí và thuế liên quan, vàng trong nước ngày 10/12 vẫn đắt hơn vàng thế giới 1,1 triệu đồng/lượng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên