Vì sao giá gạo “thấp nhất thế giới”?

Mặc dù là nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới nhưng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện đang ở mức gần thấp nhất thế giới.

Phóng viên VOV đã có cuộc trao đổi với TS. Lê Văn Bảnh, Việt trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long về vấn đề này.

** Thưa ông! Mới đây, Bộ NN&PTNT đã thống nhất đưa ra mức giá bảo hiểm là 3.800 đồng/kg và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng đang tiến hành thu mua 400.000 tấn gạo cho dân. Liệu những giải pháp này có thể giúp duy trì mức giá thu mua và xuất khẩu gạo hợp lý hay không?

TS. Lê Văn Bảnh: Vụ hè thu chúng ta thu hoạch thì các nước cũng thu hoạch nên dẫn tới hiện tượng ứ đọng lúa trong dân. Đó là việc đương nhiên. Tuy nhiên, trong quá trình ứ đọng đó, dân không có kho tàng để dự trữ nên nếu để lâu sẽ bị hư hỏng và người dân cũng không có vốn để làm vụ tiếp. Khi giá thị trường càng ngày càng giảm do không có đầu ra thì việc Bộ NN&PTNT đưa ra giá sàn 3.800 đồng/kg là đúng “thuốc” rồi, nhưng “liều” ra sao thì là vấn đề cần bàn.

Muốn bán được thì dân phải chi phí cho thương lái nên khó có thể bán được với giá 3.800 đồng/kg. Không chỉ có vậy, thương lái đi thu mua của dân cũng chỉ tới các vàm, những chỗ đầu mối lưu thông tốt, còn vùng sâu, vùng xa thì không vào. Đây cũng là cái khó cho bà con nông dân. 

** Vậy theo ông, giá doanh nghiệp thu mua của nông dân thông qua các thương lái và giá xuất khẩu như hiện nay là chưa thỏa đáng?

TS. Lê Văn Bảnh: Mức giá bảo hiểm 3.800 đồng/kg mua tại chỗ còn được, chứ qua tay thương lái thì khó đạt mức giá đó. Theo tính toán, chi phí sản xuất vụ hè thu của bà con nông dân từ 2.800 - 3.000 đồng/kg và nếu được 30% theo hỗ trợ của Chính phủ thì giá 3.800 đồng/kg còn hơi thấp. Trong khi đó, doanh nghiệp mua tại ghềnh lúa của các thương lái thì mức giá lại còn thấp hơn nữa. 

Tại Thông báo số 176/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ ngày 15/6/2009, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Đối với vụ Hè - Thu, trên cơ sở giá thành sản xuất lúa do Bộ Tài chính công bố, Bộ Công thương phối hợp với UBND các tỉnh và Hiệp hội Lương thực Việt Nam chỉ đạo các doanh nghiệp thành viên thu mua khoảng 2 triệu tấn gạo hàng hóa theo giá bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân.

** Ông có thể lý giải, tại sao giá gạo của Việt Nam từ khoảng tháng 3 năm 2008 đến nay càng ngày càng thấp hơn so với mức giá của Thái Lan, hiện nay là hơn 100 USD?

TS. Lê Văn Bảnh: Ở đây có một số vấn đề đặt ra: Thứ nhất, hiện nay Việt Nam đang bán hàng chợ. Mấy hôm trước, tôi gọi điện cho mấy đối tác ở Thái Lan, họ bảo Việt Nam cứ bán đi, tụi tôi có mối bán hàng hết rồi. Do mình bán hàng chợ nên phải đi đấu thầu, nếu trúng thì bán được, không thì thôi.

Chúng ta cũng không có khách hàng thường xuyên nên khi giá lúa gạo trên thị trường thế giới xuống nhiều thì các nước đấu thầu lại ép giá gạo của mình xuống; Thứ hai, chúng ta bán gạo không có thương hiệu. Mình cứ bán lúa gạo Việt Nam chứ không nói bán lúa gạo gì; Thứ ba, khi người nông dân thu hoạch thì không có kho tàng để chứa, chỉ đựng vào bao để ở trong nhà. Doanh nghiệp thu mua cũng không có kho chứa nên ký được hợp đồng thì mới về mua.

Do tính chất vội vã, đôi khi giữa nơi này nơi khác còn tranh nhau bán, thành ra giá bán lúa của mình ngày càng thấp đi. Tóm lại, chiến lược kinh doanh gạo của ta còn có nhiều vấn đề.   

** Theo ông, chúng ta nên có giải pháp gì để giữ được giá xuất khẩu và thu mua của dân ở mức hợp lý trong thời điểm hiện nay?

TS. Lê Văn Bảnh: Nếu có kho tốt thì mình có thể mua trữ lại lúc giá lúa xuống thấp và bán ra lúc giá lên. Làm được như thế, chúng ta mới giữ được giá xuất khẩu và thu mua hợp lý được.

** Trước đây, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam so với Thái Lan chỉ cách biệt 20 - 40 USD, nhưng năm nay lại được đánh giá là thấp nhất thế giới, thậm chí còn thấp hơn cả Pakistan - nước có chất lượng gạo kém hơn nước ta. Theo ông, điều này gợi ra vấn đề gì trong quản lý điều hành?

TS. Lê Văn Bảnh: Do quản lý, điều hành của Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các Tổng công ty, doanh nghiệp không được tốt. Mọi năm, chúng ta thường xuất khẩu 4 - 4,5 triệu tấn, song năm nay có khả năng xuất trên 6 triệu tấn. Vì lượng gạo tồn trong dân còn nhiều quá và không có chỗ để tồn trữ, đối tác nước ngoài biết được nên khi đấu thầu họ ép Việt Nam phải hạ thấp giá xuống thì mới bán được. Đó cũng là điều thiệt thòi.

** Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên