Việt Nam bắt đầu vụ kiện Mỹ áp thuế chống bán phá giá tôm lên WTO

Thông tin từ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) tại Geneva (Thụy Sĩ) cho biết, Việt Nam đã có những bước đi đầu tiên trong trình tự khởi xướng vụ kiện lên WTO về việc Mỹ áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam

Ngày 1/2 vừa qua, Việt Nam đã gửi yêu cầu tham vấn với Mỹ để thảo luận việc Mỹ áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với các sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam. Hai bên sẽ có 60 ngày để thảo luận vấn đề này. Nếu không đạt được thỏa thuận, Việt Nam sẽ được tự do đề nghị WTO thành lập một ủy ban giải quyết tranh chấp để phán quyết yêu cầu của mình. Đây là lần đầu tiên Việt Nam khởi xướng vụ kiện tranh chấp kể từ khi gia nhập WTO tháng 1/2007.

Người phát ngôn của Văn phòng đại diện Mỹ tại WTO nói rằng, Mỹ “đang xem xét đề nghị này”, nhưng từ chối đưa ra chi tiết hoặc bình luận.

Tháng 11/2004, Bộ Thương mại Mỹ đã ra quyết định cuối cùng, trong đó cho rằng Việt Nam và Trung Quốc đang bán phá giá tôm đông lạnh và đóng hộp trên thị trường Mỹ. Bộ này tách Trung Quốc và Việt Nam ra khỏi các nước xuất khẩu tôm khác, do coi hai nước này là các nền kinh tế không thị trường (NME). Mức thuế chống bán phá giá cuối cùng đối với các nhà xuất khẩu tôm Việt Nam được ấn định từ 4,13% đến 25,76%.

Một cuộc điều tra riêng rẽ khác của Bộ Thương mại Mỹ cũng phán quyết rằng các nhà xuất khẩu tôm Brazil, Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan cũng bán phá giá. Ecuador và Thái Lan sau đó đã khởi xướng vụ kiện tranh chấp này lên WTO, tố cáo Bộ Thương mại Mỹ đã sử dụng bất hợp pháp phương pháp gọi là “quy về không” (tính biên độ phá giá trong đó cho phép quy về không tất cả giao dịch có biên độ phá giá âm) trong điều tra. Phương pháp này thổi phồng một cách giả tạo biên lợi phá giá hoặc tạo ra các biên lợi phá giá mà không ai phát hiện ra.

Bộ Thương mại Mỹ dự định sẽ xem xét lại các quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với tôm nhập khẩu từ Việt Nam, Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan, song Hiệp hội các nhà chế biến tôm Mỹ (là nơi đã kiến nghị áp dụng các lệnh thuế chống bán phá giá tôm) vẫn yêu cầu duy trì biện pháp bảo hộ này, do cho rằng các nhà sản xuất Mỹ vẫn tiếp tục bị thiệt hại nghiêm trọng do tôm nhập khẩu.

Sản phẩm tôm đông lạnh xuất khẩu

Liên quan đến vấn đề chống bán phá giá, theo một văn bản đăng trên trang web của WTO, Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách phạt 311 triệu USD đối với hàng hóa của Mỹ vào thị trường EU, nhằm trả đũa các biện pháp chống bán phá giá của Mỹ. Đòn trừng phạt này sẽ “tính đến yếu tố thua lỗ thương mại trực tiếp do phương pháp tính biên độ phá giá đi ngược lại quy định của WTO” cũng như những thiệt hại về thương mại đối với EU.

EU đang đề nghị WTO thông qua thuế trừng phạt 100% áp lên một lượng hàng hóa xuất khẩu của Mỹ trị giá 311 triệu USD hoặc áp đặt khoản thuế 13,18% lên hoạt động thương mại hàng năm của một số hàng hóa Mỹ trị giá 477 triệu USD.

Trong đơn khiếu nại Mỹ trong tuần này (lúc đầu được đưa ra từ năm 2004), EU đã phản đối phương pháp “quy về không” mà Mỹ áp dụng trong gần 7 năm qua để tính biên độ bán phá giá trong các vụ kiện thương mại. Đơn khiếu kiện của EU dự kiến sẽ được đệ trình của cuộc họp tới của Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO ngày 18/2 tới.

Tất cả các nước thành viên WTO đều phản đối và ngay cả các thẩm phán của WTO cũng lên án phương pháp tính biên độ phá giá “quy về không” của Mỹ./.

Giải quyết vụ việc theo các quy định của WTO

Ông Bạch Văn Mừng, Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương cho biết, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có văn bản đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước nghiên cứu và có ý kiến đề xuất Chính phủ nhà nước ta đưa ra vấn đề “kết quả xem xét hành chính lần 2 của vụ kiện chống bán phá giá tôm” ra WTO theo cơ chế giải quyết tranh chấp của WTO.

Theo quy định hiện hành của WTO, trước khi đưa vấn đề phát sinh tranh chấp ra WTO theo cơ chế giải quyết tranh chấp, nếu một bên (gọi chung là bên A) cho rằng bên kia (gọi chung là bên B) đã vi phạm các quy định của WTO thì bên A cần gửi “Yêu cầu tham vấn” cho bên B. Căn cứ các quy định hiện hành của WTO, ngày 1/2/2010, phía Việt Nam đã trao cho phía Hoa Kỳ bản “Yêu cầu tham vấn” nêu trên.

Hiện nay phía Việt Nam mới trao cho phía Hoa Kỳ bản “Yêu cầu tham vấn” để đề nghị trao đổi một số vấn đề về “kết quả xem xét hành chính của vụ kiện chống bán phá giá tôm” liên quan tới việc tuân thủ Điều I, II, VI:1 và V:2 của GATT 1994; Điều 1, 2.1, 2.4, 2.4.4, 6.8, 6.10, 9.1, 9.4, 11.2, 11.3, 18.1 và 18.4 của Phụ lục II của Hiệp định chống bán phá giá; Điều XVI:4 của Hiệp định thành lập WTO và Nghị định thư gia nhập WTO của Việt Nam.

Nếu hai bên không đạt được sự đồng thuận thì phía Việt Nam mới đưa vấn đề ra Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO. Trường hợp đạt được đồng thuận, phía người tiêu dùng Hoa Kỳ sẽ có cơ hội thưởng thức tôm của Việt Nam nhiều hơn và tất nhiên doanh nghiệp xuất khẩu tôm của Việt Nam sẽ có cơ hội cạnh tranh một cách bình đẳng, lành mạnh hơn với các doanh nghiệp khác tại thị trường Hoa Kỳ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên