Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA

Năm 2011 đánh dấu một bước ngoặt cho những vấn đề liên quan đến hiệu quả và tác động của viện trợ quốc tế tại Việt Nam

Trong 5 năm qua, tổng số vốn ODA cam kết cho Việt Nam đạt 31,7 tỷ USD, tăng 21,5% so với 5 năm trước đó.

Sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA  là một trong những quan tâm hàng đầu của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam tại hội nghị giữa kỳ vừa diễn ra tại Hà Tĩnh. Hội nghị lần này là diễn đàn để Chính phủ Việt Nam tiếp thu những ý kiến đóng góp từ phía đối tác tài trợ, từ đó có định hướng tốt hơn cho kế hoạch thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA trong giai đoạn mới.

Một trong những nhà tài trợ lớn cho Việt Nam - Ngân hàng thế giới (WB) cho biết: Hiện có 53 chương trình của WB được triển khai tại Việt Nam, trong đó có 46 dự án vốn vay và 7 dự án viện trợ không hoàn lại từ các quỹ tín thác với tổng giá trị 6,443 tỷ USD. Tuy nhiên, việc giải ngân mới đạt khoảng 1/3.

Việc giải ngân chậm chủ yếu ở các lĩnh vực giao thông, phát triển đô thị, năng lượng, phát triển nông nghiệp và nông thôn. Ngoài ra, một số dự án về giáo dục, y tế, cải cách chính sách công, công nghệ thông tin.

Phát biểu tại Hội nghị nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Tĩnh, bà Victoria Kwakwa Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho rằng, tiến độ giải ngân ở Việt Nam còn thấp so với các nước trong khu vực và hiệu quả giải ngân cũng cần được nâng cao.

"Khi nói về hiệu quả đầu tư, tôi muốn nhấn mạnh vào lĩnh vực đầu tư công. Nếu so sánh giữa đầu tư và tăng trưởng thì tăng trưởng không đạt được kết quả tương xứng với vốn đầu tư bỏ ra. Vì vậy Chính phủ Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để nâng cao hiệu quả và chất lượng đầu tư, phải chọn lựa các dự án cẩn thận, xem xét tác động xã hội và môi trường. Sau đó là đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án bằng việc làm minh bạch thông thoáng hệ thống tài chính tiền tệ, thủ tục pháp lý... Để đạt được hiệu quả đầu tư thì tất cả các bước này đều quan trọng", bà Kwakwa nhấn mạnh.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có 51 nhà tài trợ, trong đó có 28 nhà tài trợ song phương và 23 nhà tài trợ đa phương, đóng góp khoảng 3 - 4% cho GDP của Việt Nam giai đoạn 2006-2010. Trong 5 tháng đầu năm nay, giải ngân nguồn vốn ODA bằng 52,5% kế hoạch cả năm. Đây là dấu hiệu tích cực, cho thấy nỗ lực cao của các ngành, địa phương trong một năm kinh tế tăng trưởng khó khăn.

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Cao Viết Sinh, hiện Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình, do vậy phạm vi, kết cấu, nội dung và lĩnh vực viện trợ cho Việt Nam sẽ thay đổi. Quan hệ của Việt Nam với các nhà tài trợ cũng sẽ chuyển từ nước nhận viện trợ sang đối tác phát triển. Thứ trưởng Cao Viết Sinh cho biết, trước tình hình này, Chính phủ Việt Nam sẽ dựa trên lợi thế của từng nhà tài trợ và từng lọai vốn để sử dụng phù hợp. "Tới đây sẽ có Đề án về định hướng thu hút ODA trong 5 năm tới (2011 - 2015), trong đó nêu ra những chỗ ưu tiên và những lĩnh vực mà Việt Nam đang cần. Trước hết là những lĩnh vực tạo ra 3 đột phá: xóa đói giảm nghèo, chương trình nông thôn mới, biến đổi khí hậu. Hy vọng với định hướng như vậy, các nhà tài trợ sẽ tiếp tục hưởng ứng tài trợ cho Việt Nam trong giai đoạn tới đây", ông Cao Viết Sinh phát biểu.

Năm 2011 đánh dấu một bước ngoặt cho những vấn đề liên quan đến hiệu quả và tác động của viện trợ quốc tế tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam thể hiện sự quan tâm bằng việc chỉ đạo xây dựng Đề án Định hướng thu hút, sử dụng và quản lý nguồn vốn ODA và các khoản vay ưu đãi khác của các nhà tài trợ thời kỳ 2011-2015.

Phát biểu tại Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2011, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Chính phủ Việt Nam cam kết sử dụng hiệu quả vốn ODA cho phát triển kinh tế và an sinh xã hội. "Nguồn tài trợ vô cùng có ý nghĩa với sự phát triển của Việt Nam. Nguồn lực từ bên ngoài đó cùng với nguồn lực từ bên trong của chúng tôi đã tạo điều kiện cho Việt Nam phát triển. Giữa chúng tôi – Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ đều đánh giá rằng, các khoản tài trợ cho Việt Nam cho đến nay là có hiệu quả. Tại hội nghị này chúng ta cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, tồn tại để từ đó có biện pháp khắc phục làm cho ODA hiệu quả hơn", Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.

Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, với những kết quả đạt được, Việt Nam sẽ chia sẻ kinh nghiệm của mình tại Diễn đàn Hiệu quả viện trợ lần thứ 4 (HLF-4) vào tháng 11 tới tại Busan (Hàn Quốc). Diễn đàn sẽ đặt viện trợ và hiệu quả viện trợ trong khung cảnh rộng lớn hơn của sự phát triển với sự tham gia của nhiều đối tác song mỗi nước cần phải xây dựng chương trình nghị sự về hiệu quả viện trợ phù hợp riêng cho mình./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên