Việt Nam cần 30 tỷ USD để ứng phó biển đổi khí hậu
VOV.VN -Việt Nam thiệt hại 2-6% GDP/năm do tác động của biến đổi khí hậu, và cần tới 30 tỷ USD để ứng phó bằng tăng trưởng xanh.
>> Biến đổi khí hậu gây ra nhiều nguy cơ cho an ninh toàn cầu
>> G7 đạt thỏa thuận quan trọng về biến đổi khí hậu
>> VOV tổng kết Dự án Kịch về biến đổi khí hậu
Thông tin này được đưa ra tại buổi công bố Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) ở Việt Nam do Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Thế Giới (WB), và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) phối hợp tổ chức tại Hà Nội sáng 21/5.
TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học Giáo dục Tài nguyên Môi trường cho biết, khoảng 88% đầu tư công cho BĐKH tập trung vào cơ sở hạ tầng, xây dựng đê kè nhằm ứng phó với BĐKH. Khoảng 9% là dành cho đầu tư phát triển năng lực khoa học - công nghệ, và chỉ có 3% cho thể chế và huy động nguồn lực.
Công bố Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho giảm thiểu và ứng phó với biến đổi khí hậu |
Tăng ODA cho tăng trưởng xanh
TS. Mai nhấn mạnh, ODA cho tăng trưởng kinh tế xanh gia tăng qua các năm, đặc biệt là trong những năm gần đây nhằm giảm phát thải nhà kính, trồng rừng, tiết kiệm năng lượng hướng tới phát triển bền vững.
Trong báo cáo, Vụ trưởng Phạm Hoàng Mai cũng đề xuất tiếp tục lồng ghép vấn đề BĐKH vào các chính sách, quy trình lập kế hoạch và dự toán ngân sách của Việt Nam, đồng thời xác định các khoản đầu tư và hoạt động ưu tiên nhằm tăng cường ứng phó với BĐKH.
Ông cũng đưa ra các sáng kiến tập trung vào những hành động trước mắt để xác định ưu tiên chiến lược trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và chu trình lập kế hoạch, dự toán ngân sách và tài chính để xây dựng chính sách, tăng cường thể chế, phối hợp thực hiện và hỗ trợ các hoạt động ứng phó với BĐKH.
Thứ trưởng Bộ KT&ĐT Nguyễn Thế Phương khẳng định, Việt Nam luôn ưu tiên các kế hoạch thích ứng với BĐKH và tái cầu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh.
Theo Thứ trưởng, Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong giảm nhẹ và ứng phó với BĐKH thông qua chiến lược tăng trưởng xanh được phê duyệt từ năm 2012. Ông đánh giá cao sự quan tâm và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là WB, UNDP và JICA trong việc thực hiện các dự án liên quan đến BĐKH ở Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương nhấn mạnh, Báo cáo rà soát đầu tư và chi tiêu công cho giảm thiểu và ứng phó với BĐKH là cơ sở quan trọng để phân bổ ngân sách và tài chính cho các chương trình biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh ở các địa phương.
Lồng ghép BĐKH vào ngân sách
Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, cần phải lồng ghép BĐKH vào ngân sách để nâng cao khả năng thích ứng của Việt Nam đối với những tác động của trình trạng khí hậu ấm lên trên toàn cầu. Từ đó, giúp cộng đồng ít bị tổn thương và giải quyết những thách thức về phát thải trong khi Việt Nam đang bước trên hành trình tiến tới một tương lai xanh hơn, thích ứng tốt hơn và thịnh vượng hơn.
Đại diện của WB nhận định, tình trạng khô hạn ở Việt Nam đang là vấn đề “nóng” do tác động của BĐKH, đặc biệt ở các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Bà nhấn mạnh sự cần thiết tăng cường hợp tác từ trung ương đến địa phương, ưu tiên chính sách về BĐKH và tập trung thu hút nguồn lực để hỗ trợ các dự án giảm nhẹ thiên tai và giảm phát thải.
Thiếu nước, đất nứt nẻ và lúa đang chết dần. (Ảnh: VietnamNet) |
Theo bà Victoria Kwakwa, các phương án được đề xuất trong Báo cáo, nếu được thực hiện, sẽ giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam cho biết, Báo cáo này giúp Chính phủ Việt Nam đưa ra những quyết định có lợi cho cộng đồng dễ bị tổn thương nhất đang phải chịu ảnh hưởng trực tiếp từ biến đổi khí hậu.
Bà cho rằng, năm 2015 là một năm quan trọng trong chương trình nghị sự thế giới về BĐKH khi Tổng thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định giảm thiểu thiên tai và ứng phó với BĐKH là một trong những ưu tiên hàng đầu của thế giới hiện nay. Cộng đồng thế giới đã thống nhất chương trình nghị sự này trên toàn cầu và dự kiến sẽ đưa vào thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH COP 21 sắp tới tại Paris.
Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về việc trái đất đang ấm dần lên khi nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng ít nhất thêm 3oC trong tương lai gần khiến mực nước biển dâng lên 0,7m.
Theo kịch bản BĐKH của Việt Nam, khi nước biển dâng thêm 1m vào thế kỷ tới, khoảng 40% diện tích ĐBSCL, 20% diện tích TP HCM và 10% diện tích đồng bằng sông Hồng sẽ bị ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của cộng đồng dân cư, nhất là khu vực ven biển./.