Việt Nam đứng thứ 3 trong số 54 nước và vùng lãnh thổ đầu tư tại Lào
VOV.VN - Trong năm 2022, hai nước phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại lên 10-15% theo mục tiêu hai bên đã thống nhất trong giai đoạn 2021-2025.
Trong khuôn khổ Năm Đoàn kết Hữu nghị Lào – Việt Nam 2022 và để kỷ niệm hai sự kiện quan trọng là 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện, phóng viên VOV thường trú tại Lào đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Lào, ông Khamjane Vongphosy về những nét nổi bật trong hợp tác kinh tế hai nước thời gian qua.
PV: Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá như nào về hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam và phương hướng thời gian tới?
Ông Khamjane Vongphosy: Năm 2022 là năm có ý nghĩa lịch sử trọng đại khi toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Lào đang cùng với nhân dân Việt Nam phối hợp triển khai nhiều hoạt động thiết thực để kỷ niệm hai sự kiện lịch sử quan trọng gồm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
Trải qua một thời kỳ dài đầy biến động từ sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, nhân dân hai nước Lào – Việt Nam luôn kề vai sát cánh, vượt qua phong ba bão táp và cho đến hôm nay, tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào ngày càng được tăng cường. Hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã nâng tầm quan hệ hợp tác trên tất cả các lĩnh vực lên tầng cao mới.
Năm 2021, mặc dù tình hình thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, nhưng mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào không bị chi phối. Hợp tác hai nước ngày càng phát triển, cùng nhau thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của mỗi nước theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
Thời gian qua, thiên tai và sự bùng phát của dịch Covid-19 đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế, xã hội của mỗi nước song dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương và Chính phủ cũng như những nỗ lực của các bộ, ban, ngành, địa phương và người dân hai nước, quan hệ giữa Lào – Việt Nam vẫn phát triển tốt đẹp. Lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gặp gỡ, trao đổi dưới nhiều hình thức, điều mà trong bối cảnh dịch bệnh nhiều nước trên thế giới không thể thực hiện được.
Đầu năm 2022, hai bên tiếp tục tăng cường, nâng cao hiệu lực các cơ chế hợp tác, tổ chức thực hiện các tuyên bố chung, các hiệp định, thỏa thuận, văn kiện hợp tác song phương cũng như kết quả chuyến thăm và làm việc giữa lãnh đạo cấp cao từ trung ương đến địa phương dưới nhiều hình thức phù hợp; phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động nhân Năm Đoàn kết hữu nghị 2022; hợp tác phòng chống tội phạm ma túy, buôn bán người, buôn lậu, khai thác tài nguyên trái phép.
PV: Thưa ông, có thể nói, hợp tác kinh tế là trụ cột quan trọng, được ưu tiên trong hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam, vậy trong năm qua, hợp tác kinh tế giữa hai nước đã đạt được những thành quả như thế nào và mục tiêu mà hai bên phấn đấu trong năm tới là gì?
Ông Khamjane Vongphosy: Trong hợp tác kinh tế, đến nay đã có 417 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào với tổng mức đầu tư khoảng 4,3 tỷ USD, đứng thứ 3 trong tổng số 54 nước và vùng lãnh thổ đang hoạt động đầu tư tại Lào. Năm 2021, Chính phủ Lào đã cấp phép cho 3 dự án đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam, trong đó 2 dự án trong lĩnh vực khai khoáng và 1 dự án trong lĩnh vực ngân hàng. Cùng với đó, Chính phủ Lào cũng đang tiếp tục phối hợp xử lý các vấn đề khó khăn trong việc triển khai một số dự án quy mô lớn của doanh nghiệp hai nước trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất nông – lâm nghiệp để có thể triển khai theo đúng nội dung thỏa thuận đã ký kết.
Đầu năm 2022, hai bên cũng đã nhất trí đánh giá, phân tích cơ hội đầu tư tại Lào cho các doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2025, xác định phương hướng đến năm 2030; tăng cường thúc đẩy, ưu tiên đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam có năng lực về tài chính, chuyên môn vào đầu tư tại Lào trong các lĩnh vực nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến sản xuất, lĩnh vực có nhiều thế mạnh tại các khu vực dọc theo tuyến biên giới Việt Nam – Lào, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương.
Năm 2021, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 1,37 tỷ USD, tăng 33,3% so với năm 2020. Trong năm 2022, hai nước phấn đấu nâng tổng kim ngạch thương mại lên 10-15% theo mục tiêu hai bên đã thống nhất trong giai đoạn 2021-2025; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tại khu vực biên giới hai nước tăng cường trao đổi thương mại.
PV: Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ hợp tác Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam. Vậy hai nước đã cụ thể hóa kế hoạch hợp tác như thế nào để triển khai hiệu quả các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác toàn diện hai nước?
Ông Khamjane Vongphosy: Năm 2022, hai nước đã thống nhất kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị, thể hiện lập trường kiên định của hai nước Lào – Việt Nam trong việc tiếp tục phát huy mối quan hệ hữu nghị truyền thống do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Chủ tịch Kaysone Phomvihane kính yêu đạt nền móng, thúc đẩy hợp tác hai nước ngày càng đi vào chiều sâu và mang lại hiệu quả thiết thực.
Đây cũng là dịp để thể hiện lòng biết ơn đối với sự tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là sự giúp đỡ vô giá của Việt Nam trong quá khứ và cũng là dịp để giáo dục cho cán bộ, nhân viên, lực lượng vũ trang và người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu đúng, hiểu sâu sắc để tiếp tục giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp đó, cũng như giữ vững những thành quả của cách mạng hai nước Việt Nam và Lào.
Để các hoạt động kỷ niệm Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam đạt hiệu quả cao, thiết thực, trở thành phong trào sôi nổi, sinh động, có sức lan tỏa rộng khắp và là biểu tượng của mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước. Ngày 4/3/22 vừa qua, Trung ương Đảng đã công bố những nội dung quan trọng tổ chức trong 2022, làm cơ sở để các bộ, ngành, các địa phương nghiên cứu, quán triệt, tổ chức thực hiện có kết quả, trong đó có một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục phát huy kết quả hợp tác đã đạt được, cũng như kết quả của cuộc gặp giữa hai Bộ Chính trị và triển khai thực hiện cụ thể kết quả của Kỳ họp lần thứ 44 Ủy ban liên Chính phủ Lào-Việt Nam tới các lĩnh vực của các bộ, ngành và địa phương; cấp ủy các cấp tiếp tục giáo dục, bồi dưỡng tư tưởng, chính trị cho các đảng viên, cán bộ, bộ đội, công an và các tầng lớp nhân dân để hiểu biết rõ về ý nghĩa hai sự kiện trọng đại này. Ngoài ra, hai bên còn phối hợp tổ chức trao đổi đoàn; tổ chức các cuộc hội thảo khoa học, gặp mặt truyền thống để năm đoàn kết hai nước được triển khai một cách rộng khắp và nhiều ý nghĩa.
PV: Xin cảm ơn bộ trưởng!