"Việt Nam khó trở thành nước công nghiệp vào năm 2020"

VOV.VN - Economy Watch nhận định Việt Nam khó đạt được mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020.

Trong bài viết mới đây nói về quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam, Economy Watch nhận định, mục tiêu đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa để trở thành một nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020 của Việt Nam khó có thể đạt được do thiếu định hướng, thiếu sáng kiến và nguy cơ tụt hậu so với các quốc gia khác trong khu vực.

Cần khuyến khích đầu tư vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng

Tụt hậu

Trong bài viết của mình, Economy Watch cho rằng, Việt Nam đang tiến triển chậm trong việc đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại trong nhiều năm qua. Thêm vào đó, Việt Nam lại phải gánh chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2010 khiến tốc độ tăng trưởng GDP xuống thấp trong vài năm trở lại đây.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 1.908 USD vào năm 2013 (so với mức 53.042 USD của Mỹ). Thu nhập trung bình tại Việt Nam luôn thuộc mức thấp nhất trong số các quôc gia châu Á, chỉ nhỉnh hơn Lào, Campuchia và Myanmar.

Với tốc độ hiện tại, Economy Watch ước tính, Việt Nam sẽ phải mất hàng thập kỷ nữa mới đạt được mức ngang bằng với các quốc gia công nghiệp khác tại châu Á, lâu hơn nhiều so với các nước đang tiến hành công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa khác trên thế giới.

Thiếu định hướng

Theo nhận định của Economy Watch, một trong những vấn đề lớn nhất mà Việt Nam gặp phải đó là thiếu một ngành công nghiệp mục tiêu. Ở các quốc gia châu Á khác, quá trình công nghiệp hóa thường đi đôi với việc phát triển các ngành công nghiệp mục tiêu. Chẳng hạn, Hàn Quốc có ngành kỹ thuật cơ khí mạnh, còn Nhật Bản thì có thiết bị điện tử tiêu dùng.

Ở Việt Nam, hiện chưa có ngành công nghiệp nào mạnh vượt bậc, và điều này gây khó khăn cho Chính phủ trong việc xác định ngành thích hợp để thu hút nguồn lực, hỗ trợ tốt nhất cho sự nghiệp công nghiệp hóa.

Economy Watch đánh giá, mặc dù đã phấn đấu theo hướng công nghiệp hóa từ những năm 1990, nhưng ngành khoa học và công nghệ của Việt Nam cải thiện rất khiêm tốn. Các công ty trong nước không làm được gì đáng kể để cải tiến công nghệ, và ngành sản xuất công nghiệp có vẻ vẫn giống như cách đây hơn 20 năm. Chính vì chậm tiến trong việc áp dụng công nghệ mới mà các nhà sản xuất nội địa không cạnh tranh nổi với các đối thủ nước ngoài.

Ngại thay đổi

Theo Báo cáo Cạnh tranh Toàn cầu 2014-2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam đứng thứ 99 trong số 144 nền kinh tế về mức độ sẵn sàng đổi mới công nghệ, và đứng thứ 118 trong việc áp dụng các công nghệ mới nhất.

Economy Watch nhận định, Việt Nam có vẻ vẫn chưa sẵn sàng đưa ra những hành động cần thiết để đạt được các mục tiêu trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nếu không có các sáng kiến ​​nhằm khuyến khích đầu tư vào công nghệ và các chương trình cải thiện cơ sở hạ tầng, tăng trưởng của Việt Nam sẽ tiếp tục thăng trầm trong những năm tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên