Việt Nam không lạc hậu về công nghệ thông tin

(VOV) -“Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, đi thẳng vào công nghệ mới” ông Ross Fowler, Phó Chủ tịch Cisco Systems khẳng định

Ảnh: Dân trí

“Công nghệ thông tin Việt Nam không hề lạc hậu so với các nước trong khu vực” - ông Ross Fowler, Phó chủ tịch phụ trách các Phân khúc Thị trường và Kiến trúc, Khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản của Cisco Systems khẳng định.

Đánh giá cao sự phát triển công nghệ thông tin của Việt Nam, ông Ross Fowler cho rằng, trong hệ thống công nghệ thông tin của Việt Nam không gặp phải sự cũ kỹ lạc hậu bởi khả năng cập nhật tốt: “Việt Nam có thể đi tắt đón đầu, đi thẳng vào công nghệ mới. Bên cạnh đó, con người Việt Nam cũng rất có khả năng tiếp nhận công nghệ, nếu được hỗ trợ sẽ không gặp khó khăn gì”.

Ông Ross Fowler cho biết biết thêm, “qua tiếp xúc, tôi còn thấy rõ sự hiểu biết, chia sẻ, háo hức về cơ hội tiếp cận của các quan chức, chính quyền Việt Nam. Họ đã nhận thấy cơ hội, thách thức và đang tạo ra chính sách để tạo điều kiện cho công nghệ thông tin phát triển”.

Đặc biệt, ông Ross Fowler còn nhìn nhận, tầm nhìn của Tập đoàn viễn thông Việt Nam VNPT rất đồng điệu với mạng Internet của vạn vật - Internet of Everything (sự kết nối thông minh giữa con người, dữ liệu và sự vật/đồ vật theo một quy trình thông minh).

Theo ông Nguyễn Trường Sinh – Tổng giám đốc Cisco Systems Việt Nam: “Thế giới của chúng ta đang thay đổi. Phương thức làm việc của chúng ta trong một vài năm tới sẽ rất khác so với cách chúng ta đang làm ngày hôm nay. Tốc độ thay đổi sẽ nhanh hơn rất nhiều so với những gì chúng ta thấy trong 15 năm vừa qua khi Internet bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Những điều kỳ thú sẽ diễn ra và những trải nghiệm ấn tượng sẽ được tạo ra khi những con người, quy trình, dữ liệu và sự vật mới tham gia và tương tác trên Mạng Internet của Vạn vật”.

"Hiện mỗi năm Cisco đào tạo hơn 7.000 học viên công nghệ thông tin tại Việt Nam ở 22 học viện.

Các học viên Việt Nam rất thông minh và có khả năng tiếp nhận công nghệ tốt.

Cisco mong muốn 5 năm tới sẽ tăng số lượng học viên mạng lên gấp 3 lần" - Ông Nguyễn Trường Sinh, Tổng giám đốc Cisco Systems Việt Nam.
Ông Nguyễn Trường Sinh cho rằng, tuy hiện Việt Nam còn hơn 50 triệu người cũng như rất nhiều dữ liệu, quá trình và vật thể vẫn chưa được kết nối và mới chỉ bắt đầu hành trình tiếp theo để kết nối những thứ chưa được kết nối nhưng với những điều kiện phát triển hiện tại, Việt Nam có nhiều khả năng hiện thực hóa khái niệm "Mạng Internet của vạn vật" trong tương lai không xa.

Với sự phát triển "Mạng Internet của vạn vật", con người không chỉ có khả năng làm việc theo cách riêng của mình, mà còn có thể chăm sóc sức khỏe, sử dụng dịch vụ ngân hàng, mua sắm theo cách của mình. Mạng lưới thông minh cũng sẽ giúp hoạt động kinh doanh hiệu quả và là điểm gặp gỡ của nhân viên, khách hàng và đối tác và điều này là sự thật ở Việt Nam khi chúng ta đang phát triển Internet thế hệ mới.

Để chuẩn bị đón đầu công nghệ mới, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho biết, Việt Nam đã và đang có nhiều hành động tích cực để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin- truyền thông và Internet. Hạ tầng viễn thông Việt Nam không ngừng được hiện đại hóa, tiến tới băng thông rộng, tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế. Tổng số thuê bao điện thoại di động của cả nước đạt trên 137 triệu.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin – truyền thông, trong đó khẳng định hạ tầng thông tin là một trong những hạ tầng thiết yếu cần đầu tư phát triển.

Tại Hội nghị Triển khai Nghị quyết Trung ương 4 về Phát triển hạ tầng thông tin mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng nhấn mạnh việc cần thiết đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính phủ điện tử, chính truyền điện tử tại các địa phương.

Phó Thủ tướng cho rằng lãnh đạo các cấp cần phải nhận thức tầm quan trọng, vai trò của CNTT. Phải coi CNTT là động lực quan trọng nhất để phát triển bền vững đất nước.

Thời gian qua Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh về CNTT, được các nước trên thế giới đánh giá cao.

Việt Nam vẫn nằm trong top 10 nước châu Á – Thái Bình Dương và đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về số người sử dụng Internet.

Theo xếp hạng của tập đoàn A.T.Kearney, Việt Nam được xếp hạng thứ 8 trong số 50 nước hấp dẫn nhất về gia công phần mềm.

Theo báo cáo của Gartner, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách top 30 nước dẫn đầu thế giới về gia công dịch vụ và top 10 châu Á – Thái Bình Dương.

Năm 2012, mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn tuy nhiên ngành công nghiệp công nghệ thông tin vẫn tăng trưởng khá ấn tượng với tổng doanh thu đạt trên 23 tỷ USD, tăng trưởng 70% so với năm 2011./.

 

Xây dựng cơ sở hạ tầng để kết nối chính quyền với người dân


Ông Phạm Kim Sơn
Theo ông Phạm Kim Sơn – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng, thành phố đang tập trung thực hiện nhiều chương trình, đề án lớn như xây dựng thành phố môi trường, chính phủ điện tử, xây dựng khu công nghệ cao và khu công nghiệp công nghệ thông tin...

** Ông có thể cho biết, để xây dựng chính quyền điện tử, thành phố đã và đang có kế hoạch như thế nào?

Theo tôi để phát huy công nghệ thông tin và truyền thông nói chung và đặc biệt là xây dựng chính quyền điện tử, thì điều đầu tiên là phải làm sao xây dựng hạ tầng kết nối một cách đồng bộ rộng khắp và đảm bảo sự liên thông của tất cả các tổ chức làm sao để người dân có thể tiếp cận dễ hơn các thông tin đặc biệt là các dịch vụ hành chính công, và các thông tin phục vụ cho đời sống thiết yếu hàng ngày của nhân dân.

Quan trọng là xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin về kết nối băng thông rộng, xây dựng trung tâm dữ liệu, trung tâm chăm sóc công dân và tổ chức chính quyền, tổ chức và các ứng dụng khác.

Dự kiến trong tháng 6, Đà Nẵng sẽ hoàn thành mạng đô thị băng rộng với quy mô 100% cáp quang kết nối 85 đầu mối sở, ban, ngành, quận, huyện và kết nối đến tất cả xã, phường.

Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng đang xây dựng hệ thống kết nối mạng Internet không dây (wifi), sẽ kết nối với 250 điểm trên địa bàn thành phố vào cuối năm nay.

** Theo con số thống kê, ở Việt Nam vẫn còn khoảng 50 triệu người Việt Nam chưa được sử dụng mạng Internet. Ông có thể cho biết, ở Đà Nẵng thì con số này tỷ lệ là như thế nào? Và làm thế nào để hầu hết người dân ở Đà Nẵng được kết nối với mạng Internet?

- Hiện nay ở Đà Nẵng cũng chỉ có trên 40% số người sử dụng Internet. Đà Nẵng có một vùng nông thôn khá rộng lớn với 11 xã. Để khắc phục tình trạng không được kết nối Internet ở các vùng nông thôn. chúng tôi đã xây dựng hạ tầng truyền dẫn đến từng xã, từng thôn, và xây dựng các điểm truy cập internet đến các xã cũng như các thôn nhằm giúp cho nhân dân tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin và đặc biệt là các thông tin thiết thực về vấn đề phục vụ cho các sản xuất nông nghiệp, phục vụ nâng cao đời sống ở nông thôn. Mô hình này chúng tôi đã làm xong và sẽ đưa vào một cách đồng bộ khoảng tháng 6/2013.

** Việc kết nối được, vấn đề con người là rất quan trọng, vậy Đà Nẵng làm thế nào để người dân tham gia một cách hiệu quả nhất?

- Trong chương trình đưa công nghệ thông tin về nông thôn, nhiều năm qua chúng tôi đã thực hiện các chương trình đào tạo nhân lực trong nông thôn với nhiều nội dung thiết thực. Đặc biệt là làm thế nào để người nông dân có thể sử dụng được Internet, rồi định hướng, hướng dẫn họ truy cập thông tin.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng liên kết với đoàn thanh niên giúp hỗ trợ cho các địa phương như một đội lực lượng xung kích hỗ trợ bà con nông dân tiếp cận dễ dàng hơn với công nghệ thông tin./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối Internet vào năm 2020
Sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối Internet vào năm 2020

(VOV) -Hơn 50 triệu người Việt Nam cũng như rất nhiều dữ liệu, quá trình và vật thể vẫn chưa được kết nối internet

Sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối Internet vào năm 2020

Sẽ có 56 tỷ thiết bị được kết nối Internet vào năm 2020

(VOV) -Hơn 50 triệu người Việt Nam cũng như rất nhiều dữ liệu, quá trình và vật thể vẫn chưa được kết nối internet