Việt Nam tụt hạng về môi trường kinh doanh

Chỉ số môi trường kinh doanh hằng quý (BCI) của Việt Nam giảm từ 70 điểm xuống còn 53 điểm, và hiện chỉ xoay quanh mức điểm thấp này.

Sáng nay (29/5), tại Hà Nội, diễn ra Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2012 với chủ đề "Từ ổn định đến phục hồi" do Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và Liên minh VBF đồng tổ chức. Đây là sự kiện thường niên bên lề trước thềm Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ Việt Nam (CG).

Phát biểu khai mạc, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá cao các Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và cho rằng, thông qua Diễn đàn, các đóng góp từ nhiều phía sẽ giúp  môi trường đầu tư tại Việt Nam ngày càng tốt hơn.

Đại diện Phòng Thương mại châu Âu (EuroCharm) tại Việt Nam, ngài Chủ tịch Preben Hjortlund cho biết, chỉ số môi trường kinh doanh hằng quý (BCI) của Việt Nam giảm từ 70 điểm xuống còn 53 điểm, và hiện chỉ xoay quanh mức điểm thấp này, cho thấy các nhà đầu tư vẫn tiếp tục lo ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư trong ngắn hạn. Việt Nam đã tụt 8 bậc trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012” của Ngân hàng Thế giới, xếp vị trí thứ 98 trong tổng số 183 nước được xếp hạng, cũng là lời cảnh báo lớn cho cơ quan ban hành chính sách. Những yếu tố đang yếu kém đi là việc cấp phép, đăng ký tài sản, đóng thuế và tiếp cận tín dụng.

Tuy vậy, EuroCham vẫn tin tưởng rằng Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp để ổn định kinh tế vĩ mô trong ngắn hạn. Tuy nhiên còn rất nhiều việc cần tiến hành để cải thiện sức hấp dẫn trong dài hạn của thị trường Việt Nam nhằm thu hút nguồn đầu tư nước ngoài.

Theo đánh giá của EuroCham, 3 ưu tiên chiến lược của Chính phủ (gồm tái cấu trúc khu vực tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước và cải thiện hiệu quả đầu tư ở khu vực công) là chiến lược nhất quán và theo lộ trình cải cách đúng đắn. Nhưng, đại diện EuroChan đặc biệt nhấn mạnh: “Một chiến lược có tốt thế nào đi chăng nữa, việc triển khai thực hiện chiến lược đó mới là điều cốt lõi. Nếu không đạt được thành công trong các lĩnh vực dài hạn và mang tính cơ cấu này, những lợi ích mà thành công về chính sách kinh tế vĩ mô đem lại gần đây cũng sẽ không còn”.

Còn về phía Hoa Kỳ, đại diện Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) tập trung vào hai lĩnh vực đang được lưu tâm một cách đặc biệt: cải cách doanh nghiệp nhà nước và dự thảo sửa đổi Luật Lao động. Đây là những lĩnh vực mà môi trường đầu tư cần phải cải tiến để nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam. AmCham đề nghị hai quy định trong Luật Lao động về làm thêm giờ và nghỉ thai sản cần được sửa đổi để phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, theo đề nghị của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhằm nâng cao tính cạnh tranh với các quốc gia láng giềng đang có sự cạnh tranh về FDI với Việt Nam.

Riêng về cải cách doanh nghiệp nhà nước, Phòng Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) cho rằng, tập trung quyền lực kinh tế ở một số ít các công ty lớn làm xói mòn những nỗ lực phát triển kinh tế và xã hội. Do vậy, AmCham đề xuất: “Chuyển đổi các tập đoàn lớn thành các doanh nghiệp hiệu quả và có lợi nhuận nhiều hơn sẽ đem đến nhiều lợi ích bao gồm những công cụ của chính sách tạo điều kiện thúc đẩy việc đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, từ đó nâng cao sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân”.

Lên tiếng với tư cách là đại diện cộng đồng doanh nghiệp, những người đang là tâm điểm của những khó khăn và trông chờ nhiều vào tác động tích cực từ các chính sách, Hội Doanh nghiệp Trẻ Hà Nội nhấn mạnh vào gói cứu trợ 29.000 tỷ đồng. Theo Hội này, “gói giải cứu mới đây được tính toán là 29.000 tỷ không đủ hấp dẫn và khó phát huy tác dụng vì phụ thuộc vào yếu tố doanh nghiệp có khả năng đẩy thêm hàng ra thị trường, giải quyết hàng tồn kho hay có lãi để đóng thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp hay không”.

Do đó, theo Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội, Chính phủ cần trợ giúp doanh nghiệp bằng nguồn tiền có lãi suất ưu đãi, dựa trên các tiêu chí về công nghiệp, công nghệ và đảm bảo việc làm chứ không nên dựa vào tiêu chí đánh giá “phương án kinh doanh có hiệu quả” của cán bộ ngân hàng thương mại để tập trung các nguồn lực quốc dân cho sự phát triển bền vững.

Về tính minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam, thay mặt Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore, ông Seck Yee Chung cho rằng, một nền kinh tế minh bạch sẽ khuyến khích đầu tư, chống tham nhũng và gian lận. Tuy nhiên, “sự minh bạch trong nền kinh tế Việt Nam còn yếu, gây ảnh hưởng môi trường đầu tư. Một vài thông tin gần như hoàn toàn không có, hoặc rất khó để có được như thông tin về quyền sở hữu đất đai và thông tin về quyền sử dụng đất, quy hoạch vùng, các thông tin về phá sản và kiện tụng . Điều này khiến việc kinh doanh và đầu tư bị chậm lại do các nhà đầu tư không thể xác định và đánh giá hiệu quả các cơ hội hay rủi ro kinh doanh”- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore nhấn mạnh.

Trong khuôn khổ diễn đàn, các vấn đề về ngân hàng và thị trường vốn, cơ sở hạ tầng, đầu tư và thương mại, giáo dục đào tạo cũng được các chuyên gia bàn thảo nhiều trên tinh thần nhìn thẳng vào thực trạng và đề xuất những kiến nghị cụ thể./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên