Xây sân bay Long Thành: Chiến lược vận tải quốc gia
VOV.VN -Xây dựng sân bay Long Thành không chỉ đáp ứng quá tải sân bay hiện tại mà còn phục vụ chiến lược vận tải quốc gia và phát triển kinh tế.
Sáng nay (16/10) tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Giao thông Vận tải chủ trì buổi họp báo về chủ trường đầu tư dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - một siêu dự án đang gây nhiều tranh cãi với nguồn vốn đầu tư giai đoạn 1 khoảng 7,8 tỷ USD, tương đương 165 nghìn tỷ đồng.
Tham dự còn có đại diện Bộ Quốc phòng, các chuyên gia hàng không, đại diện của Hội đồng phản biện dự án và đông đảo cơ quan báo chí Trung ương và thành phố.
Phối cảnh một phần sân bay Long Thành
Trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên là: vì sao lại không mở rộng Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất mà lại chọn phương án xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành tại Đồng Nai, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết: trong vòng 15 năm qua, sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14% về hành khách.
Riêng năm 2013, đạt lưu lượng 20 triệu hành khách/năm, dự kiến đến năm 2016-2017, Cảng hàng không này sẽ đạt công suất thiết kế là 25 triệu hành khách/năm, lượng khách sẽ tăng dần đều và trở nên quá tải vào những năm sau đó.
Vì vậy, nhanh chóng xây mới một cảng hàng không nhằm đáp ứng sự quá tải của Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là cần thiết. Bởi sau năm 2017 thì sân bay Tân Sơn Nhất không thể đáp ứng được nữa.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết: “Bây giờ, đang khai thác thì làm sao xây thêm, mở rộng thêm được. Đập ra cũng không được. Đó là một thực tế. Do đó, nguyện vọng của chúng tôi cũng như ý kiến của thành phố Hồ Chí Minh và Bộ Giao thông Vận tải xin chủ trương để sớm thực hiện xây dựng sân bay Long Thành. Thực hiện mục tiêu xây dựng sân bay Long Thành không chỉ đáp ứng quá tải sân bay hiện tại mà còn phục vụ chiến lược vẩn tải quốc gia và phát triển kinh tế”.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đầu tư theo 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, hình thành cảng hàng không quốc tế trung chuyển, công suất 25 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm, 2 đường cất hạ cánh song song, nhằm chia sẻ sự quá tải cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Giai đoạn 2, nhà ga hành khách công suất 50 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm, thêm một đường hạ cánh, mở cửa vào năm 2030. Giai đoạn 3, nhà ga hành khách đạt công suất 100 triệu khách/năm, nhà ga hàng hóa công suất 5 triệu tấn hàng hóa/năm, 4 đường cất hạ cánh. Trong đó quy mô đầu tư giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư khoảng 165 nghìn tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: Việc xây dựng sân bay quốc tế Long Thành có nhiều lợi thế và đem lại hiệu quả, như: đầu mối giao thông thuận lợi; địa hình, địa chất thủy văn tốt; đảm bảo đủ diện tích quy hoạch (5.000ha); có công suất 100 triệu hành khách/1 năm.
Ông Nguyễn Hồng Trường nói: “Chưa có một sân bay nào có lợi thế như sân bay Long Thành. Nó kết nối được Bắc - Nam, Đông - Tây. Đặc biệt, nó còn nằm trong vùng trung tâm kinh tế lớn của phía Nam. Đồng Nai cũng là trung tâm kinh tế gần cảng biển, có đường sắt cao tốc tương lai đi qua, 5 tuyến cao tốc như vậy. Tính cạnh tranh đó rất hấp dẫn rồi, từ đó chúng ta cũng tự trả lời được câu hỏi về tính cần thiết của sân bay Long Thành rồi, không cần phải nói nhiều về nó nữa”.
Trong chiều nay, Đoàn công tác của Bộ Giao thông-Vận tải đã đi thị sát dự án Sân bay Long Thành tại Đồng Nai./.