Độc đáo chợ đồ cổ trong lòng phố cổ

VOV.VN - Phiên chợ này mỗi năm chỉ họp 1 lần vào dịp cuối năm. Chợ bắt đầu nhộn nhịp vào khoảng 20 tháng Chạp và kéo dài tới ngày 30 Tết.


Đến hẹn lại lên, vào dịp giáp Tết, chợ đồ cổ lại nhộn nhịp giữa những con phố cổ kính của Hà Nội. Chợ bắt đầu họp vào khoảng 20 tháng Chạp và kéo dài tới ngày 30 Tết. Chợ kéo dài từ đầu ngã năm Hàng Mã, Hàng Cân, Hàng Lược, Hàng Đồng tới ngã tư Hàng Mã – Hàng Rươi. Hàng hóa thôi thì đủ loại được đặt trên những chiếc bạt hay ni lông và trải ngay trên đường phố đông người qua lại hoặc trên vỉa hè.

Từ hàng chục năm nay, nơi đây đã trở thành điểm hẹn quen thuộc của những người đam mê, yêu thích đồ cổ. Theo lời của một số chủ “sạp hàng” ở chợ này, có những món hàng họ thu gom dần từ trong năm, có món mua nhiều năm nay rồi mới mang ra bán. Nhiều món khác thì phải đi lùng ở các tỉnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hòa Bình… để mua.

So với những năm trước đây, chợ đồ cổ ngày càng bị thu hẹp lại. Trước kia có lúc cả dãy phố Hàng Mã là những “sạp hàng” san sát nhau, nhưng nay chỉ còn chừng 20 “sạp hàng”. Chia sẻ điều này, một người bán hàng than thở, năm nay kinh tế khó khăn nên người mua hàng cũng ít hơn, hàng khó bán hơn. Vả lại, càng ngày, những đồ cổ càng ít nên ít người bán hàng hơn.


Bát đĩa cổ được bày bán khá nhiều. Người bán hàng này mời khách mua lấy may, giá cả không thành vấn đề chỉ từ 100 đến vài trăm ngàn/chiếc.

Các mặt bày hàng bày bán ở đây khá phong phú, nhưng phổ biến hơn cả vẫn là các loại đồ thờ, đồ bày biện trong nhà như tượng phật đồng, tam đa, đỉnh đồng; lư đồng, các con vật bằng đồng. Rồi những vật dụng quen thuộc hàng ngày như ấm trà, đèn cổ, lư hương, bình phong, đồng hồ cổ… Tới đây tản bộ, ngắm nghía, tìm lại những nét quen thuộc xưa qua các món đồ cũ, đồ cổ cũng là niềm vui.

Thú vị hơn bắt gặp những món đồ từ thời xa lắc xa lơ tưởng như đã biến mất hẳn, nay lại chễm chệ ngồi ở một “góc chợ”. Bên cạnh những món đồ có tuổi thọ lên đến hàng trăm năm, đa phần là đồ gốm đời mới, đồ giả cổ, đồ đồng có niên đại hàng chục năm… nhưng được chế tác tinh xảo. Chỉ có điều, giá trị thật của chúng ra sao thì có lẽ chỉ những người sành đồ cổ mới am hiểu. 

Phiên chợ mỗi mỗi năm chỉ mở một lần nên thu hút được một sự quan tâm của nhiều người. Họ là những người mê đồ cổ, tới đây tìm cho mình món hàng ưng ý mà đã tìm kiếm bấy lâu. Nhưng có người đến đây cho vui, đi xem cho biết. Có khách hàng đi lùng cho mình và bạn bè những “đồ độc”. Cũng có người chỉ đơn giản tới đây để tìm lại “hồn phố cổ”, đến để hồi tưởng lại cuộc sống “xa xưa” của mình. Điều hay là các món đồ bày bán ở đây đa phần là của các gia đình không dùng tới, một số khác của dân sưu tầm, mê đồ cổ nên họ không quá quan trọng về lời lãi mà với họ, tới đây để tìm niềm vui, cùng chia sẻ những hiểu biết, kinh nghiệm về đồ cổ, mở rộng giao lưu  với nhau, sưu tầm đồ cổ.

Điều đặc biệt nữa là người bán đồ cổ nay đa phần còn trẻ. Có người tuy có cửa hàng bán đồ cổ ở nơi khác nhưng khi chợ mở, họ tới tham gia 1 góc cho vui. Những thanh niên này sẵn sàng giảng giải cho khách về lịch sử, văn hóa của những món đồ đang có và luôn miệng chào mời mua một món lấy may về làm “đề - co” treo ở nhà hay đặt trên bàn làm việc. Dường như họ muốn lưu giữ, giới thiệu về những tinh hoa văn hóa dân tộc qua mỗi món đồ cổ cho mọi người cùng biết.

Anh Trần Phương, một người khách ở Hà Nội cho biết, từ hôm chợ mở tới giờ, ngày nào anh cũng “lượn” xem có món gì hay không. Hôm nay đi cùng người bạn tới đây, tình cờ anh tìm được chiếc bi đông từ thời Liên bang CHXHCN Xô Viết được sản xuất riêng để viện trợ cho Việt Nam nên ngoài những từ viết bằng tiếng Nga “Được sản xuất ở CCCP”, bên dưới còn dòng chữ in bằng tiếng Việt: “Được sản xuất ở Liên Xô”.

Theo nhiều người, việc mua, bán những món đồ cổ vào dịp cuối năm cũng để cầu mong sự may mắn. Vì thế, người viết bài tuy không rành về đồ cổ, nhưng mỗi lần tới phiên chợ đặc biệt này cũng tìm mua cho mình một món đồ giả cổ nho nhỏ để làm vui và lấy may như lời những người bán hàng mời.

Cùng VOV online dạo chợ đồ cổ mỗi năm chỉ có 1 phiên ở Hà Thành:


Đồ giả cổ, đồ đồng, gốm được bày bán khá nhiều ở phiên chợ đặc biệt này. Đồ đồng được chế tác khá tinh xảo

Năm nay là Giáp Ngọ nên những chú ngựa đủ kiểu dáng, chất liệu, nhưng nhiều nhất là làm bằng đồng khá nhiều ở chợ.




Theo một khách hàng, nếu con thú trên đỉnh chiếc lư đồng nàymà không cụt đuôi thì sẽ rất có giá trị. Do có khiếm khuyết nên nó được chào bán với giá là 3 triệu đồng

Đèn dầu đủ kiểu dáng, chất liệu

Có những chiếc đèn dầu là những tác phẩm nghệ thuật.

Hai "thằng hầu" này được người bán hàng mời khách mua về làm "đề co" cho nhà hay bàn làm việc

Đây là chân của chiếc đèn măng sông rất sáng - chủ "sạp hàng" đồ cổ còn khá trẻ giới thiệu.


 Đôi hạc nghẹo cổ này được rao với giá 25 triệu đồng.



Đồ gốm mới, tam đa là mặt hàng khá sẵn ở chợ đồ cổ.


Chiếc đĩa men đời Lý như lời người bán nói có giá 400.000 đồng

Chiếc khánh gỗ này được chạm trổ cũng khá đẹp với 4 chữ ở giữa: Hòa khí cát tường.

Chiếc mâm này được chạm trổ rất tinh xảo, có chữ Phúc ở giữa, xung quanh chạm nổi hình Long, Ly, Quy, Phượng. Trên thành mâm là những chữ Phật.

Đôi đôn này theo lời một khách hàng quan tâm là đồ dùng trong nhà thờ và được chuyên chở từ Pháp sang từ thế kỷ trước, nay được người bán hàng “hét” giá là 7 triệu đồng.


Sau khi cò kè bớt được 200.000 đồng, người đàn ông mua được chiếc tượng gốm 2 em bé cưỡi trâu với giá 400.000 đồng.


Hai người bạn này vui thích khi mua được chiếc bi đông từ thời Liên bang CHXHCN Xô Viết sản xuất với giá 300.000 đồng. Chiếc bi đông này có thể lấy nước được 2 đầu, phù hợp với những người thích đi phượt. Còn theo cô bán hàng trẻ, loạt bi đông này được Liên Xô viện trợ, dành cấp cho các sĩ quan của Việt Nam. Sau này, vật dụng này tồn kho và được thanh lý. Cô may mắn biết nguồn  nên mua được một thùng bi đông 26 chiếc.



Tiền giấy cũ và xu cổ cũng là mặt hàng được bày khá nhiều ở chợ. Tiền giấy cũ có giá từ 20.000 đồng đến cả triệu đồng một tờ. Tiền xu tùy loại nhưng giá trung bình là 15.000 đồng/2 đồng xu.


Những chiếc đồng hồ báo thức có tuổi thọ có lẽ gần bằng tuổi người chủ bán đồ cổ.

Hai chiếc đồng hồ Omega "chị em" này được sản xuất năm 1882 ở Thụy Sĩ.


Ở đây bạn có thể tìm thấy những vật dụng thời bao cấp rất thông dụng: bi đông nhựa, bát, đĩa tráng men, cà mèn Liên Xô...
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên