GS Trần Thanh Vân tiếp tục những dự án giúp Việt Nam

Giáo sư Trần Thanh Vân luôn nỗ lực khuyến khích giới trẻ Việt Nam làm khoa học và mong muốn ngành khoa học nói chung, ngành vật lý nói riêng của Việt Nam vươn ra tầm thế giới.

Phóng viên VOV thường trú tại Pháp gặp gỡ với GS Trần Thanh Vân để ghi lại những trăn trở của ông đối với nền khoa học nước nhà.

Năm nay 77 tuổi, mái tóc đã bạc trắng, nhưng GS Trần Thanh Vân vẫn tất bật đôn đáo lo cho hội nghị “Gặp gỡ Blois” lần thứ 23, một hội nghị quốc tế thường niên về vật lý và thiên văn diễn ra ở thành phố Blois (miền Trung nước Pháp). “Gặp gỡ Blois” quy tụ hàng trăm chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành đến từ nhiều quốc gia trên thế giới để giới thiệu và trao đổi về những khám phá mới trong lĩnh vực vật lý hạt. Tận dụng cơ hội quý báu này, GS Trần Thanh Vân đã giới thiệu với bạn bè quốc tế về dự án xây dựng “Trung tâm Hội nghị quốc tế khoa học đa ngành” ở Quy Nhơn.

Nằm trên một khu đất có diện tích 20 ha, Trung tâm Hội nghị quốc tế khoa học đa ngành bao gồm một tổ hợp các phòng hội thảo, hội nghị chất lượng cao, là nơi tổ chức các sự kiện khoa học ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự kiến, các công trình xây dựng đầu tiên có thể được khởi công vào cuối năm nay và đến năm 2013, các hội nghị quốc tế đầu tiên sẽ được tổ chức ở trung tâm này.

Nghe nội dung cuộc trao đổi của PV VOV
với GS Trần Thanh Vân

GS Trần Thanh Vân khẳng định: “Chúng tôi sẽ đưa các giáo sư nước ngoài đến với Trung tâm này. Các giáo sư Việt Nam có thể làm việc tại các hội nghị, giao lưu, tranh luận và thu lượm các kết quả mới của thế giới và đưa vào chương trình học. Thêm vào đó, vì các giáo sư nước ngoài sẽ ở lại lâu, nên Đại học Quy Nhơn có thể tìm cách mời họ đến giao lưu. Cách làm của chúng tôi là như vậy”.

Hiện nay, nhiều tổ chức và nhà khoa học có uy tín của quốc tế đã bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ đối với dự án của GS Trần Thanh Vân, trong đó phải kể tới Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia (CNRS) của Pháp, Viện Dubna của Nga, Ủy ban UNESCO quốc gia Pháp... Giáo sư Yannick Giraud-Héraud, thuộc trường Đại học Diderot ở Paris bày tỏ: “Chúng tôi sẽ tổ chức các hội nghị tại Trung tâm Hội nghị quốc tế khoa học đa ngành giống như các hội nghị trong khuôn khổ “Gặp gỡ Việt Nam” ở Hà Nội, hội nghị đã thu hút được rất nhiều nhà khoa học thế giới và châu Á - Thái Bình Dương. Chúng tôi nghĩ điều này có thể thực hiện ở Quy Nhơn và mục tiêu đặt ra là đến một lúc nào đấy, không cần sự trợ giúp của nước ngoài, Quy Nhơn vẫn có thể trở thành một trung tâm hội thảo quan trọng như những trung tâm khác ở châu Âu”.

Bên cạnh kế hoạch xây dựng Trung tâm Hội nghị quốc tế gặp gỡ khoa học đa ngành ở Quy Nhơn, GS Trần Thanh Vân cũng tiếp tục những nỗ lực nhằm huy động và trao học bổng cho sinh viên Việt Nam. GS Trần Thanh Vân cho biết: “Trong 10 năm qua, chúng tôi đã gửi khoảng 3 triệu euro tiền học bổng về Việt Nam; năm nay, là 600.000 euro; năm tới, riêng ở bên Pháp cũng sẽ có khoảng 100.000 euro nữa”.

GS Trần Thanh Vân cũng là người thúc đẩy việc triển khai phương pháp dạy học “Bàn tay nặn bột” ở Việt Nam. “Bàn tay nặn bột” (tiếng Anh là “hands on” và tiếng Pháp là “La main au pâte”) là một phương pháp dạy học dựa trên các thí nghiệm nghiên cứu do Giáo sư giải Nobel Vật lý 1992 Georges Charpak sáng lập từ năm 1995. Với việc thúc đẩy áp dụng phương pháp này, GS Trần Thanh Vân hy vọng sẽ kích thích sự tò mò, ham muốn khám phá kiến thức của các em sinh viên Việt Nam.

Ngoài ra, GS Trần Thanh Vân cũng đang phối hợp với các trường đại học ở Pháp, đặc biệt là trường đại học ở thành phố Blois để đưa sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập. Từ năm 2007 đến nay, đã có 8 sinh viên Việt Nam sang Pháp và kết quả học tập đặc biệt xuất sắc của sinh viên Việt Nam chính là động lực để GS Trần Thanh Vân thuyết phục đối tác Pháp ở thành phố Blois tiếp tục cam kết tăng số sinh viên Việt Nam sang Pháp trong những năm tới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên