Huyền Chip: Xách ba lô và đi

(VOV) -Huyền Chip, cô gái 20 tuổi đã đi khám phá 25 nước trên thế giới với số tiền ban đầu chỉ có 700 USD.

Nếu bạn truy cập Internet, vào trang tìm kiếm, chỉ cần gõ tên “Huyền Chip” sẽ có ngay hàng ngày kết quả hiện lên trong 1 giây. Cô quá nổi tiếng đối với giới trẻ, đặc biệt là những người thích đi khám phá thế giới và tìm cảm giác mạnh. Huyền đã tự mình đi du lịch đến 25 nước, với số tiền chỉ bằng một bữa nhậu của một tay chơi -700 USD. 

Huyền Chip tự nhận mình ngây ngô đến mức bị ngộ nhận là dũng cảm, cái sự “điếc không sợ súng”, khiến cô vô tình làm nên những điều phi thường. 17 tuổi, cô đã tổ chức chiến dịch Free Hugs (ôm tự do) lớn nhất Việt Nam.

19 tuổi, cô trở thành điều phối viên tại Việt Nam của chiến dịch SEA Change 2009 (Chiến dịch dành cho các bạn trẻ từ 15 đến 35 tuổi tại Đông Nam Á). Hai mươi tuổi, cô từ bỏ công việc như mơ đang có ở Malaysia theo đuổi khát vọng “đi để trải nghiệm”. Trở về sau 2 năm, qua bao đất nước, gặp bấy nhiêu điều thú vị và cả những mệt mỏi, tưởng đã đủ, nhưng sự khát khao vẫn bùng cháy. Hành trình của cô vẫn chưa thể dừng lại...

Huyền Chip là một cô gái thông minh và cá tính

Tôi hẹn gặp Huyền Chip thật khó, vì cô khá bận với nhiều lịch trình dày kín. Hơn 12h, cô mới kết thúc công việc của mình, ăn trưa vội vàng, dành thời gian trả lời phỏng vấn chúng tôi. Sau đó, cô lại vội vã đi. Bận rộn là thế nhưng cô vẫn vui, hạnh phúc và thú vị với công việc hiện tại của mình - Giám đốc sáng tạo của một công ty tại Hà Nội.

Ấn tượng đầu tiên khi gặp, đó là một cô gái thông minh, cá tính và nói chuyện dứt khoát, rất có duyên. Khuôn mặt tròn, nước da ngăm đen, đôi mắt đen biếc biết nói, má đồng tiền là điểm dễ nhận thấy ở cô...

Cô tâm sự: “Chuyến đi trải nghiệm trong 2 năm qua, đơn giản chỉ là ước mơ của tôi. Tôi đi không để chứng minh điều gì cả. Tôi cũng không đi để thay đổi cuộc sống của ai cả, trừ cuộc sống của chính tôi. Cũng giống như việc tôi đi chỉ là để lấy trải nghiệm cho mình, tôi viết cuốn sách “Nhật ký Xách ba lô và đi” (PV- cuốn sách này khi mới xuất bản đã trở thành cuốn sách bán chạy nhất, với lượng xuất bản lớn – PV) trước hết là để cho bản thân. Tôi viết để cho khỏi quên và viết để sau này có cái khoe với con cháu này ngày xưa, hồi bằng tuổi mày, tao cũng đã từng đi đây đi đó, viết sách này, sách nọ”…

Cô kể về chuyến đi của mình trong cuốn nhật ký bằng lối viết mộc mạc đến suồng sã từng câu chữ, chia sẻ những vui buồn trên đường đi, những thử thách, va chạm và vấp váp trong suốt cuộc hành trình. Với cô, “hành trình” không chỉ là chuyện đi hay ở mà nó còn là quãng đường mà chúng ta theo đuổi ước mơ. Cô nói: “Tôi viết, vì tôi mơ ước có một cuốn sách đề tên mình. Tôi mong rằng cuốn sách này sẽ phần nào truyền được cảm hứng và động lực cho các bạn theo đuổi ước mơ của mình, dù ước mở đó là đi hay là bất cứ việc gì”.

Xuân mới, hãy cùng nghe Huyền Chip chia sẻ về những ước mơ.

Ảnh bìa của cuốn sách "Xách ba lô và đi"

++ Hỏi: Khi đi thực thế, bạn thấy có điều gì khác so với sách vở không?

Trả lời: Tôi thấy, thực tế khác xa sách vở rất nhiều. Tôi thấy chẳng có điều gì giống với mình hình dung cả. Khi ở nhà, tôi nghĩ, Trung Đông là Palestine, Israel- những nơi của chiến tranh, đánh nhau kinh khủng lắm. Thế nhưng, khi đến đó, được tận mắt chứng kiến, tôi mới cảm nhận là: ở đó rất hòa bình chứ không phải lúc nào cũng đánh nhau như mình nghĩ. Hay ở châu Phi, ai cũng nghĩ ở đó chi phí rẻ, thế mà cực kỳ đắt, đắt khủng khiếp… Những điều mình thấy, chỉ là những cái rất là nhỏ, ở trên tivi hay báo đài, chỉ là một góc rất là nhỏ thôi, trong khi nếu đến đấy mình nhìn 360o sẽ khác.

++ Hỏi: Bạn thu được điều gì trong suốt chuyến đi?

Trả lời: Tôi nghĩ đó là trải nghiệm. Tôi chỉ hiểu thế giới xung quanh mình, thực sự tôi thuộc về một phần của trái đất này thôi.

Trước khi đi, tôi cảm thấy đơn độc, như một cái chấm nhỏ, chả có tương tác gì xung quanh, bây giờ đi mình cảm nhận, có mối liên hệ gì đó với thế giới, gần gũi hơn, thực sự trưởng thành. Tình người giữa con người với nhau thật nồng ấm. Họ thật là tốt và tình cảm, sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tôi gặp 10 người, thì có 9 người sẵn sàng giúp đỡ rồi.

Chị thử hình dung xem, nếu chị gặp gỡ một người nước ngoài sang Việt Nam liệu chị có giúp đỡ họ không?. Tôi nghĩ là “nhân chi sơ tính bản thiện”, mình sẽ sẵn sàng giúp họ. Tôi rất tin vào lòng tốt của con người.

++ Hỏi: Trong chuyến đi, bạn đã bị bắt cóc hụt khi đến đánh máy cho ông già. Nhưng bạn vẫn không chùn bước và bỏ cuộc. Bạn vượt qua thử thách như thế nào?

Trả lời: Nói thật, lúc đầu tôi cũng bị mất tinh thần và run sợ. Nhưng sau đó, tôi đến chỗ các bạn của mình, họ ôm lấy tôi và tôi khóc như mưa. Sau đó tôi đã trải qua chuyện đó, thấy nó bình thường.

Khi gặp khó khăn, đơn giản mình phải nghĩ là đó thử thách và vượt qua. Thực ra, tôi không sợ khổ mà chỉ sợ sự nhàm chán.

Hồi nhỏ, tôi rất thích đọc truyện Sherlock Holmes, trong đó có khai niệm “khoa học loại trừ” (tức là loại bỏ dần các phương án sau để tìm ra phương án đúng). Tôi nghĩ tất cả mọi cái là như thế, mình không làm được cái này thì làm cái kia.

Đâu đó trong sa mạc Sahara

++ Hỏi: Khi đi đến những nơi chiến tranh, thật sự bạn quá dũng cảm vì ở đó đầy rẫy nguy hiểm, có khi mất mạng ấy chứ. Lúc đó, điều đầu tiên bạn nghĩ đến điều gì?

Trả lời: Tôi phát hiện ra là trong lúc nguy hiểm khi mình chuẩn bị chết, mình không chỉ nghĩ đến cái chết đâu. Điều đầu tiên mình nghĩ đến là làm sao để sống được, không nghĩ đến cái chết. Lúc đấy, đơn giản tìm cách thoát khỏi nó thôi.

Tôi còn nhớ, hồi nhỏ, tôi bị tai nạn giao thông, xe công nông đâm. Lúc ấy, tôi nghĩ chắc chắn mình chết, vì đứng ở ngã ba đường, khi xe lao đến, người bị đờ ra, không làm gì cả. Sau đó, tôi lấy lại tinh thần là mình phải chạy ngay ra khỏi nơi này, em bỏ xe, chạy ngay ra ngoài. Thế là tôi không chết. Tóm lại, mình phải nghĩ nó tích cực thì nó sẽ tích cực.

++ Hỏi: Bạn có lời khuyên nào với các bạn yêu thích muốn mạo hiểm?

Trả lời: Các bạn đừng bắt chước tôi. Trước hết, cái từ “bắt chước”, không phải là một từ hay. Mình làm một việc không phải giống ai đó. Không phải thấy ai đó hay mình cũng làm, mình chỉ làm một việc khi muốn và phải xem liệu có phù hợp với mình hay không. Chứ các bạn đừng có nghĩ: mình phải làm thế nào để giống bạn.

Kiểu tóc Ethiopia

Tôi không sợ khổ mà chỉ sợ chán. Nếu bây giờ bảo tôi vào khách sạn 5 sao ngồi đấy cả tuần không có việc gì làm thì sẽ sợ luôn. Nếu vứt tôi vào rừng tôi sẽ sống sót. (cười!).

Tôi nghĩ, bây giờ còn trẻ cứ sống hết mình, đi nhiều sẽ quen. Lúc đầu mới đi, tôi không hợp đồ ăn lắm nhưng giờ đi nhiều, đói nhiều không ăn thì chết đói. Tôi cũng dễ sống. Nếu có thời gian tôi vẫn tiếp tục đi.

Nếu muốn đi du lịch vòng quanh thế giới, điều đầu tiên là các bạn phải chuẩn bị vốn tiếng Anh kha khá. Điều này rất quan trọng.

++ Hỏi: Trong thời gian đi du lịch như thế, bạn không được đón Tết cùng gia đình bạn cảm thấy buồn không?

Trả lời: Ba năm rồi tôi không ăn tết ở nhà. Tết ở nhà, mình được sum vầy với bố mẹ, gia đình và người thân. Nếu đi xa phải xa gia đình và có thể cũng ít gặp người Việt nên không cảm nhận được hương vị tết. Thỉnh thoảng nghĩ đến tôi cũng hơi buồn, tủi thân, nhưng đó là một phần tất yếu của cuộc sống. Rất may, xung quanh tôi còn có bạn bè. Ngày tết, tôi ở Nepal. Các bạn thân của tôi, người thì dậy sớm nấu cho tôi ăn; người khác thì sơn móng tay, móng chân, nói chung rất là vui. Mọi người bảo với tôi rằng, hôm nay là Tết truyền thống của Việt Nam nên tôi được cưng chiều.

Chụp ảnh lưu niệm tại Lũng Cú

Lần tết khác, tôi ở Tanzania với mấy bạn tình nguyện viên người Đức. Hôm đó, họ mang bánh kẹo gửi từ Đức sang, ăn những món đồ ăn vặt linh tinh và còn đồ quê nhà mang sang, họ để cất rất kỹ. Các bạn ấy tặng cho tôi món quà bất ngờ. Đó là các bạn ấy lên mạng, tìm cách nấu món ăn Việt Nam, trong đó có món cơm rang thập cẩm. Nấu ăn xong, họ mang đồ của Đức ra ăn.

Buồn cười quá (cười lớn!), các bạn nấu ăn dở lắm vì họ chẳng ăn món ăn Việt bao giờ và họ cũng không hình dung ra phở Việt Nam như thế nào?.

Tôi thật xúc động, vì cố gắng làm cho mình vui mà các bạn đó đã lên mạng tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Tôi là người thật may mắn.

Trong thời gian đi như thế, tôi cũng được đón Tết của Ấn Độ, Tết của Ethiopia. Tôi tiếc vì bị bỏ lỡ mất Tết năm mới của người Do Thái. Tết năm mới của Ethiopia rất hay, người ta làm 1 cái bánh rất to, to như cái mâm. Sau họ cắt nhỏ ra, ai đến nhà cũng được ăn 1 miếng, rồi họ đốt lửa, rồi hát rất vui…

++ Hỏi: Khi đến các nước, nói chuyện với người dân, họ nghĩ gì về Việt Nam?

Trả lời: Thực ra những nơi tôi đến, họ biết rất ít về Việt Nam. Tôi nghĩ, ở châu Âu hay châu Mỹ, họ biết về Việt Nam nhiều hơn. Còn ở châu Phi, họ ít biết. Khi gặp bạn bè, tôi cũng đã giới thiệu cho họ biết về đất nước và con người Việt Nam.

Ảnh chụp bằng ống fisheye. Em bé người Nùng thật xinh .

++ Hỏi: Bạn có thể bật mí về công việc hiện tại?

Trả lời:  Tôi đang làm Giám đốc sáng tạo cho một công ty, tôi thích công việc hiện này vì làm việc trong môi trường thoải mái. Tôi thích những dự án đang làm.

Sếp rất tốt bụng, đồng nghiệp thì vui vẻ. Thực ra, công việc này không chỉ do chuyến đi mà có, nó đã có trước khi đi. Khi về nước, nó giúp tôi hoàn thiện bản thân hơn. Tôi nghĩ chuyến đi giúp mọi thứ trong cuộc sống chứ không chỉ riêng là công việc. Tôi đã có cái nhìn thực tế và rộng hơn. Tôi học hỏi nhiều ở bên ngoài, rồi áp dụng ở Việt Nam.

Chụp ảnh lưu niệm tại một cuộc hội thảo

++ Hỏi: Vậy, dự định sắp tới của bạn là gì?

Trả lời: Sau Tết tôi sẽ đi Nam Mỹ. Khi về tôi sẽ cho ra mắt cuốn sách thứ 2 trong tập nhật ký “Xách ba lô và đi”. Tôi không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp, đơn giản chỉ viết theo ý thích mà thôi.

++ Hỏi: Tại sao bạn không chọn con đường vào đại học như các bạn trẻ khác?

Trả lời: Với tôi có nhiều cách học, học không phải là con đường duy nhất, đi mang lại cho tôi nhiều cái mong muốn hơn con đường vào đại học.

Thực ra, trong lúc đi tôi vẫn học, vẫn đọc sách và học online. Được đi và nói chuyện với người trong chuyên ngành, tôi cũng học họ được nhiều kiến thức thực tế hơn là lý thuyết. Nói chung, có nhiều cách học và cũng do cách học của mỗi người nữa. Đôi khi tôi tự học thấy cảm giác lại nhanh hơn. Tôi tự học rất nhiều và học ở nhiều người.

Hiện là Giám đốc cho một công ty, tôi cũng thường xuyên tuyển chọn nhân viên và tôi cũng không quan tâm nhiều đến bằng cấp, quan trọng là xem suy nghĩ họ làm được việc không?, phỏng vấn xem có hợp không?. Tôi cho họ làm thử 1 tháng nếu OK thì nhận, chứ chẳng đòi hỏi bằng cấp.

++ Hỏi: Ở trong nước, bạn có tham gia vào hoạt động xã hội nào không?

Trả lời: Có, tôi cũng đã tham gia vào một số hoạt động giúp đỡ trẻ mồ côi. Khi nào tôi thấy cần giúp thì giúp thôi, chứ không đặt ra mục tiêu, tức là người nào mình gặp, có thể giúp đỡ được mình giúp.

++ Hỏi: Cuốn sách nhan đề là “Xách ba lô lên và đi” như là một lời kêu gọi các bạn trẻ phải lên đường, bạn có gì gửi gắm qua nhan đề này?

Trả lời: Tôi không có ý định thúc giục các bạn trẻ lên đường. Cuốn sách này, tôi dùng câu đơn giản là câu hay dùng với bản thân mình. Không hiểu sao lúc nào tôi cứ lẩm nhẩm câu này trong đầu “Vì sao lại ra đi?”, chứ không nghĩ cái gì nó to tát, tôi chỉ nghĩ rằng đó là việc rất là nhỏ.

++ Hỏi: Khi đọc cuốn nhật ký “Xách ba lô và đi” của bạn, tôi hình dung bạn dễ dàng vượt qua và hiểu văn hóa của nước khác?

Trả lời: Đúng! Tôi nghĩ, con người sợ bóng đêm vì mình không nhìn thấy. Còn mình sợ văn hóa của họ hay sợ một con người đó, đơn giản vì mình không hiểu họ thôi. Khi mình hiểu rồi thì mình sẽ không cảm thấy sợ hoặc bớt sợ hơn.

Trái đất là một ngôi nhà chung. Tôi không cảm giác nó xa xôi, cách biệt lớn, Thực sự, tôi chú trọng cái ranh giới, mình vượt qua được ranh giới đấy rồi, mình mới thấy gần gũi. Cách tốt nhất để vượt qua cái ranh giới đấy là đừng nghĩ đến, mình càng nghĩ đến thì mình càng không vượt qua được.

Tại sao phải có ranh giới ấy?, Gặp mọi người tôi chẳng quan tâm đến người ta đến từ nước nào, mình có thể kết bạn với người ta, cho dù người ta đến từ đâu, mình cũng có thể kết bạn được.

++ PV: Cảm bạn về cuộc trò chuyện thú vị này. Năm mới chúc bạn và gia đình mạnh khỏe và ăn tết vui vẻ. Chúc cho ước mơ “xê dịch” của bạn vẫn mãi cháy bỏng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên