"Giáo sư Đại học" Đàm Thanh Sơn

Tôi đã có 10 năm làm việc thú vị tại Viện Lý thuyết Hạt nhân của ĐH Washington. Bây giờ, tôi đã sẵn sàng cho những thách thức mới…".

“Hành trình nổi tiếng của Giáo sư Chandrasekhar từ Ấn Độ sang châu Âu đã truyền cảm hứng cho tôi khi tôi còn là một đứa trẻ ở Việt Nam, và những bài giảng của Fermi đã ảnh hưởng sâu sắc tới tôi khi còn đang là sinh viên ở Moscow. Tôi đã có 10 năm làm việc vô cùng thú vị tại Viện Lý thuyết hạt nhân của ĐH Washington. Và bây giờ, tôi đã sẵn sàng cho những thách thức mới".

Đó là những cảm xúc vui mừng của nhà vật lý Đàm Thanh Sơn khi vừa được Đại học Chicago chính thức bổ nhiệm là "Giáo sư Đại học" từ ngày 01/9 tới. "Giáo sư Đại học" (University Professor) được coi là học vị cao nhất ở ngôi trường danh giá này. Họ được chọn từ các viện nghiên cứu bên ngoài khi đã có tiếng tăm và tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Đàm Thanh Sơn là người thứ 19 giữ chức Giáo sư Đại học trong lịch sử của Trường và là 1 trong số 7 thành viên đang hoạt động tại Trường.

Từ cậu bé thần đồng

"Ông Sơn sẽ mang tới sự lãnh đạo trí tuệ lớn, vốn sẽ đánh dấu sự mở đầu của một kỷ nguyên mới trong truyền thống nghiên cứu vật lý có tiếng của Đại học Chicago." - GS. Robert Fefferman, Khoa học vật lý, Đại học Chicago.
Đàm Thanh Sơn sinh tại Hà Nội năm 1969 trong một gia đình trí thức yêu nước, có bố là giáo sư dược học Đàm Trung Bảo và mẹ là phó giáo sư sinh hoá Nguyễn Thị Hảo. Từ bé, Sơn đã nổi tiếng "thần đồng" vì mới học lớp 2 đã giải được toán lớp 10 (tương đương lớp 12 hiện nay). Do vậy, Sở Giáo dục Hà Nội đặc cách, riêng về môn toán, cho Sơn học "nhảy cóc" lên năm cuối cấp hai. Lên cấp ba, anh thi đỗ vào khối phổ thông chuyên toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1984, mới 15 tuổi, lần đầu dự Olympic Toán Quốc tế ở Prague, Cộng hoà Czech, anh đoạt ngay Huy chương Vàng với số điểm tối đa 42/42.

Tuy nhiên, từ niềm say mê với vật lý, Đàm Thanh Sơn đã nhận bằng Thạc sĩ Vật lý tại Đại học Tổng hợp Moscow vào năm 1991 và nhận bằng Tiến sĩ Vật lý tại Viện Nghiên cứu hạt nhân của Moscow vào năm 1995. Sau đó, anh làm nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Đại học Washington và Viện Công nghệ Massachusetts. Trở thành nghiên cứu viên của Trung tâm thí nghiệm quốc gia Brookhaven vào năm 1999, anh bắt đầu giảng dạy tại Đại học Columbia - cho tới tận năm 2002. Là thành viên Quỹ Nghiên cứu Alfred P. Sloan, học giả của Hội Vật lý Mỹ và làm việc tại Viện Lý thuyết hạt nhân của ĐH Washington, Đàm Thanh Sơn cũng từng nhận giải thưởng cho Nghiên cứu viên trẻ xuất sắc của Cơ quan Năng lượng Mỹ.

… tới “tập giấy nháp, bút và thùng rác"

Ảnh: KT

Khi được hỏi về lĩnh vực nghiên cứu khá phức tạp của mình, Đàm Thanh Sơn cho biết: "Các công cụ nghiên cứu của tôi hết sức đơn giản: một tập giấy nháp, một cái bút, và một thùng rác để vứt các tính toán sai hoặc vô dụng (trong đó có thể thùng rác là quan trọng nhất). Ngoài ra, tôi còn sử dụng máy tính cá nhân, có kết nối Internet". Là người có khả năng hiếm hoi trong việc khám phá vật lý với cái nhìn toàn thể, vượt qua ranh giới chuyên ngành hẹp, ở anh, có sự am tường một cách khác thường về những vấn đề đa dạng khác nhau trong vật lý học cũng như mối liên hệ giữa chúng với nhau.

"Giáo sư Sơn là một trong số ít những nhà vật lý học lý thuyết hàng đầu của thế hệ anh ấy, và trong số ít những nhân vật tinh hoa" - Giáo sư Emil Martinec, Giám đốc Viện Enrico Fermi.
Tính từ năm 1994 đến năm 2008, Đàm Thanh Sơn là tác giả và đồng tác giả của 92 bài báo, bản báo cáo trong đó có tới 14 bài trên Tạp chí Physical Review Letters và nhiều công trình trên các tạp chí uy tín khác của Hội Vật lý Mỹ. Ngoài ra, các tạp chí thông tin khoa học ở Việt Nam như Vật lý ngày nay, Hoạt động Khoa học... cũng đã kịp thời và trân trọng đưa tin về phát minh của Đàm Thanh Sơn.

Theo nhận định của giáo sư Edward Blucher, Chủ nhiệm khoa Vật lý học: "Những công trình của Sơn đã tạo niềm hứng khởi tới nhiều người trong khoa. Chúng tôi đã có một định hướng rõ ràng về mục tiêu mới đặt ra phía trước cho khoa Vật lý và anh ấy là người xuất sắc nhất để có thể giúp đem lại một sự khởi đầu mạnh mẽ. Anh ấy đã có những công trình tuyệt vời, nhưng chúng ta thực sự hào hứng vì có anh ấy ở đây với kỳ vọng rằng những công trình xuất sắc nhất của anh vẫn đang ở tương lai"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên