Người Việt tại Brazil đón Tết

Chợ ở Brazil rất ít đồ Việt để mua sắm nên chị Bích Hường và một số Việt kiều khác phải đặt mua lá dong, gạo nếp, đỗ lạc từ các nước khác gửi về trước Tết hàng tháng trời.  

“Chợ ở Brazil không có nhiều đồ để mua như tại các nước Nga, Mỹ, Đức. Tuy nhiên, mỗi dịp Tết đến xuân về, tôi và nhiều Việt kiều khác phải nhờ bạn bè từ bên Pháp và Italy mua lá dong, gạo nếp, bánh đa về Brazil làm bánh chưng, bánh tét, nem cuốn. Mặc dù ở đó không có cành đào nhưng cộng đồng người Việt tại Brazil vẫn làm hoa đào giả cũng như viết câu đối để thưởng thức Tết như đang sống tại quê nhà”. Chị Lê Thị Bích Hường, Việt kiều tại Brazil, người được mệnh danh là “Đại sứ văn hoá” vì có nhiều công sức quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hoá Việt Nam tại nước ngoài, cho biết.

Chị Lê Thị Bích Hường là người Bắc Ninh, tốt nghiệp khoa tiếng Pháp (trường ĐH Tổng hợp) năm 1986. Chị thông thạo các thứ tiếng Anh, Nga, Pháp, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha. Từng làm giáo viên dạy ngoại ngữ tại Việt Nam và phiên dịch cho Đại sứ quán Italy tại Việt Nam, nhưng mãi đến năm 1988, chị mới sang Italy làm việc. Năm 2004, chị Bích Hường đến Brazil làm Giám đốc dự án hợp tác về Giáo dục Italy-Brazil tại thành phố Belo Horizonte, bang Minas Gerais cho đến nay.

Với những đóng góp của mình, đầu năm 2009, chị Lê Thị Bích Hường được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm tặng bằng khen vì có nhiều thành tích nổi bật trong việc quảng bá văn hóa Việt Nam cũng như đóng góp tích cực cho các hoạt động đối ngoại của Việt Nam tại Brazil.

Trước Tết Canh Dần, chị Bích Hường và gia đình có dịp về thăm quê nhà khoảng một tháng rồi lại sang Brazil để mua sắm và chuẩn bị Tết cho bà con Việt kiều bên đó. “Hiện nay, có khoảng 300 người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Brazil. Họ sống rải rác ở nhiều nơi chứ không tập trung như ở các nước khác, nhưng mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhiều người lại tìm đến gia đình tôi để nhờ gói bánh chưng, bánh tét. Dù ở xa nhà nhưng mâm cỗ Tết của người Việt tại Brazil lúc nào cũng phải có thịt gà, bánh chưng, bánh tét và bát canh măng” - chị Hường nói.

 

Chợ ở Brazil rất ít đồ Việt để mua sắm nên chị Bích Hường và một số Việt kiều khác phải đặt mua lá dong, gạo nếp, đỗ lạc từ các nước khác gửi về trước Tết hàng tháng trời. Năm nào cũng vậy, gia đình chị Hường cũng phải gói đến gần 100 cái bánh chưng, bánh tét cho các gia đình người Việt tại Brazil. Công việc chuẩn bị tuy vất vả nhưng chị Hường cảm thấy rất vui vì dù sống xa quê hương nhưng bà con tại Brazil luôn nhớ về Việt Nam, nhớ đến hương vị Tết của quê nhà.

Sống và làm việc ở Brazil gần 6 năm nhưng năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ Tết đến xuân về là nhà chị luôn tấp nập, nhộn nhịp vì bạn bè, người quen đến để chuẩn bị Tết và ăn Tết rất đông vui và đầm ấm. Gia đình chị như một “ngôi nhà chung” lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười nói, tâm tình của những người con xa xứ.

Đặc biệt, khi Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tổ chức đón Tết cho cộng đồng người Việt thì hầu như gia đình nào cũng tới dự để cùng chung vui về những thành quả đã “gặt hái” được trong một năm. Trong buổi hội ngộ, gặp mặt xúc động này, hạnh phúc nhất đối với bà con là lại được nghe những làn điệu dân ca ấm áp, thưởng thức các món ăn dân dã, thuần tuý của quê nhà.

Đưa văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế

Chị Lê Thị Bích Hường không chỉ giỏi trong việc nội trợ, khéo léo trong giao tiếp mà còn là một Việt kiều có nhiều đóng góp cho việc quảng bá văn hoá Việt Nam tới bạn bè quốc tế.

Trong thời gian sống và làm việc tại Italy và Brazil, chị Hường thường xuyên đến các câu lạc bộ văn nghệ, rạp hát để quảng bá về văn hóa Việt Nam thông qua những chủ đề: Giới thiệu về chiến tranh, những đau thương mất mát của người dân Việt Nam trong chiến tranh cũng như hậu quả để lại của chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ đã rải xuống nước ta... Đặc biệt, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong quá khứ, chiến tranh và hiện tại được chị Bích Hường giới thiệu với bạn bè quốc tế rất chân thực và cảm động. Đó là một Việt Nam với những con người bất khuất như các chị em “đội quân tóc dài”; 10 cô gái đã ngã xuống trên ngã ba Đồng Lộc; Mẹ Suốt tóc bạc phơ nhưng vẫn chèo thuyền đưa bộ đội qua sông trong mưa bom, bão đạn ra tiền tuyến đánh giặc. Phụ nữ Việt Nam hiện lên rất anh hùng như trong hình tượng “O du kích nhỏ giương cao súng/Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu”. Chị Hường còn giới thiệu cuốn Nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm và biết bao nhiêu tấm gương phụ nữ khác đã âm thầm ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Đến các trường mầm non tại Brazil, chị Bích Hường thường kể cho các cháu bé nghe những câu chuyện cổ tích Tấm Cám, Thạch Sanh... Mỗi lần đi giới thiệu như vậy, chị Hường thường mang theo những vật dụng như: Nồi niêu, quang gánh, rơm, gầu sòng, thúng, mủng, giần sàng để minh họa, kèm theo những câu nói ví von, truyền cảm nhằm thu hút sự quan tâm, chú ý của các cháu học sinh. Còn tại các chương trình giới thiệu ẩm thực và nét đẹp quan họ Bắc Ninh, phong tục của người Việt đón Tết, chị Hường cũng giới thiệu phong tục mời trầu, mời nước, múa hát, trình diễn thời trang để bạn bè quốc tế hiểu rõ hơn về những nét tinh tuý của văn hoá Việt Nam.

 

Mỗi buổi thuyết trình về văn hóa Việt Nam tại nước ngoài của chị Bích Hường thường có từ 300-600 người đến dự. Đặc biệt, đầu tháng 3/2008, sau cuộc nói chuyện, giới thiệu về văn hóa Việt Nam tại Brazil đã khiến Bí thư Đảng Lao động thành phố Belo Horizonte trao tặng chị tấm bảng khắc dòng chữ “Kính tặng nhân dân Việt Nam anh hùng”. Điều này đã làm chị xúc động đến nghẹn lòng.

Công việc quảng bá văn hóa Việt Nam tại nước ngoài của chị Hường rất vất vả nhưng rất may chị được chồng và các con ủng hộ, chia sẻ. Chồng chị Bích Hường là người Italy. Hàng ngày giao tiếp giữa hai vợ chồng và hai con, chị Hường thường sử dụng tiếng Việt. Đối với chị Hường, niềm vui lớn nhất là được chồng và hai con đến dự những buổi thuyết trình về văn hóa Việt Nam tại nước ngoài.

Tâm sự về những ước muốn của mình, chị Lê Thị Bích Hường tiết lộ: Hiện nay, nhiều trẻ em Việt Nam sang Brazil từ lúc còn nhỏ nên các cháu chủ yếu nói tiếng nước sở tại là chính, còn nói tiếng Việt không được thành thạo lắm. Chị mong muốn có một chương trình học tiếng Việt thông qua sách giáo khoa phù hợp với từng độ tuổi, trình độ khác nhau.

Trong thời gian tới, chị Bích Hường sẽ hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại Brazil tổ chức triển lãm ảnh và chiếu phim Việt Nam tại thành phố Belo Horizonte, bang Minas Genais. Chị cũng sẽ giới thiệu nghệ thuật múa rối nước ở các trường học Brazil và Dân ca quan họ Kinh Bắc, một di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.

Với những điều ước và dự định nhỏ nhoi nhưng rất có ý nghĩa đó, xin chúc chị sẽ gặt hái được những thành công mới để văn hoá Việt Nam ngày càng gần gũi hơn với bạn bè quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên