Bất chấp cả đạo lý để trục lợi

Hôm nay (22/9), TAND tỉnh Nam Định mở phiên xét xử sơ thẩm 16 bị cáo có hành vi lập hồ sơ giả để đưa trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi. Điều đáng nói, ngoài việc lợi dụng kẽ hở của pháp luật, các bị cáo còn bất chấp cả đạo lý để trục lợi.

Các bị cáo nguyên là bác sĩ, y tá tại các trạm y tế xã thuộc 5 huyện của tỉnh Nam Định bị xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 Bộ luật Hình sự. 

Trong vụ án này, bị cáo Vũ Đình Khản, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội huyện Trực Ninh và bị cáo Trần Thị Lương, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp nhân đạo và dạy nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn huyện Ý Yên, đóng vai trò quan trọng nhất.

Lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao, từ năm 2005 đến tháng 7/2008, Vũ Đình Khản và Trần Thị Lương tổ chức “thu gom” hoặc “thỏa thuận” với những phụ nữ mang thai ngoài ý muốn, đã tiếp nhận hàng trăm trẻ sơ sinh về Trung tâm nuôi dưỡng. Sau đó, hai bị cáo thông đồng với nhiều Trạm trưởng trạm y tế xã ở Nam Định, lập hồ sơ giả, biến các cháu sơ sinh non dại thành người có nguồn gốc là “trẻ em bị bỏ rơi”, để dễ dàng cho người nước ngoài nhận làm con nuôi. Đường dây của Trần Thị Lương, Vũ Đình Khản đã thực hiện trót lọt việc làm giả hồ sơ, đưa 266 trẻ em ra nước ngoài làm con nuôi, trục lợi hàng trăm triệu đồng.

Thật khó nghi ngờ khi Trần Thị Lương và Vũ Đình Khản, lại là những người phụ trách các Trung tâm mang tên “bảo trợ xã hội”, “trợ giúp nhân đạo trẻ em” ở địa phương. Sự “nhân đạo” hay “trợ giúp” trẻ em - với họ chỉ là bình phong để lợi dụng. Tinh thần “nhân đạo” và “trợ giúp trẻ em” chẳng có ý nghĩa gì, khi mà việc làm của các bị cáo chỉ vì tiền, bất chấp đạo lý và pháp lý, có thể tiếp tay cho tội ác “buôn bán trẻ em” đang có chiều hướng gia tăng; ảnh hưởng xấu đến hoạt động hàng trăm Trung tâm nhân đạo nuôi dưỡng trẻ em trên cả nước.

Việc cho và nhận con nuôi là hoạt động nhân đạo bình thường, được pháp luật bảo hộ. Nhưng để việc này mang đúng ý nghĩa cao cả của nó thì người cho và nhận con nuôi phải đặt cái tâm trong sáng lên trên hết. Không chỉ thiếu cái tâm trong sáng, các bị cáo còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật về nuôi con nuôi của nước ta để thực hiện ý đồ của họ.

Theo quy định hiện hành, việc cho người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh mà chưa tập trung một đầu mối. Các tổ chức con nuôi quốc tế được quyền trực tiếp liên lạc với cơ sở nuôi dưỡng và tiếp cận nguồn trẻ em làm con nuôi, nên rất dễ phát sinh tiêu cực. Chính vì vậy, Dự thảo Luật nuôi con nuôi sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 tới và thông qua vào tháng 5/2010 là cơ sở pháp lý để khắc phục tình trạng trên; chặn đứng hành vi “thu gom” và “đánh tráo nguồn gốc trẻ” như 16 bị cáo ở Nam Định đã từng làm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên