Rác và... hoa

VOV.VN - Hà Nội vươn nhanh, khoe sắc trong nắng hanh màu mật ong đang đẩy lùi rác rưởi đến nơi chôn lấp cuối cùng.

Cụ Nguyễn Duy Yên, tổ dân phố số 22, khu dân cư số 6, phường Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội) nghỉ hưu từ năm 1982, nay 84 tuổi, đã có thâm niên 16 năm cầm chổi quét đường, vợt rác giữ gìn giếng cổ trong sạch. Trong hội nghị biểu dương gia đình văn hóa khu dân cư, tôi được ngồi bên cụ, hỏi vui: “Cụ không được khỏe, sao vẫn bền bỉ “vác tù và hàng tổng”? Cụ Yên cười nhỏ nhẹ: “Các cụ tổ tiên nhà mình giữ giếng làng 200 năm nay sạch sẽ, ngọt lành, nay lớp hậu duệ đã lên phố văn minh hiện đại mà để dơ bẩn thì có tội với tiên tổ”.

Nghĩ về nguồn cội, cụ không tính toán thiệt hơn, bỏ ra ngoài tai những lời đàm tiếu, dè bỉu cho là “lão già thần kinh” để ngày ngày, tháng tháng cùng bà con dân phố tát giếng, làm sạch, vợt rác, trồng hoa. Bờ giếng cổ, sân đình trở thành sân chơi của các cháu, điểm văn hóa của cộng đồng. Cụ Yên bảo: “Có một điều mà lớp trẻ hiện nay chưa hiểu hết, 7 cái giếng cổ, sâu, rộng của làng Mai hiện giờ không chỉ là cảnh đẹp mà còn giá trị lịch sử và phong - thủy. Thiêng liêng lắm, đừng làm dơ bẩn mạch nguồn sông nước”. Tôi nghe như có mạch ngầm khí thiêng nguồn cội đang chảy trong huyết cảm của cụ, làm bật dậy, tỏa sáng cái đẹp, lung linh trong từng bông hoa mới nở nơi ngõ vắng, độ xuân về.

Cụ Đặng Văn Xuyên tổ 32, khu 6, ít nói, chỉ tủm tỉm cười hiền hậu. Cụ kém cụ Yên 2 tuổi, nhưng vẫn đi bộ đều đều. Hay tin cụ vừa làm việc tốt, tôi gặng hỏi, nhưng cụ lắc đầu: “Có gì đâu, chuyện nhỏ ấy mà”.

Chiều 9/10/2016, cụ Xuyên nhặt được chiếc ví trên ngõ 169, đường Hoàng Mai. Trong ví có 386.000 đồng với giấy CMTND, thẻ Visa ngân hàng, giấy phép lái xe ô tô, mô tô đều mang tên Nguyễn Huy Hoàng trú ở tỉnh Hưng Yên. Cụ nộp cho Công an phường Hoàng Văn Thụ, nhờ báo cho người bị mất đến nhận lại. Hai ngày sau, nhờ công an phường giúp đỡ, liên hệ, anh Nguyễn Huy Hoàng đến nhà cụ Xuyên xin lại toàn bộ giấy tờ và tiền mặt. Anh Hoàng xúc động cảm ơn và xin biếu cụ ít tiền gọi là tỏ tấm lòng thành. Cụ không nhận và nói: “Ham tiền thì tôi đã không trả lại ví”.

Tôi văn hoa ví cụ Xuyên là bông hoa đẹp trong vườn hoa “người tốt việc tốt” của Thủ đô. Cụ Xuyên cả cười: “20 năm trước, sau nghỉ hưu vài năm tôi được chọn đi báo cáo điển hình tiên tiến toàn thành phố Hà Nội rồi mà”.

Đang vui câu chuyện bên ly trà sáng tôi và cụ Xuyên nghe bản tin thời sự của Đài Quốc gia đưa tin có kẻ lái xe biển xanh cán người bị thương mà không cứu, còn chạy thục mạng làm nhiều người khác bị thương. Ông Tổ trưởng dân phố kỳ cựu, kém 3 tuổi là đầy 80 thả giọng gắt mỉa: “Cậu lái xe biển xanh này xách dép cho bà Nhâm nhà mình cũng chả xứng”.

Tôi hỏi chuyện. Thì ra rạng sáng 1/10/2016, bà Trần Thị Nhâm ở cùng tổ với cụ Nguyễn Duy Yên dậy sớm dọn vệ sinh đường ngõ thì thấy người phụ nữ buồn rượi đứng thẫn thờ bên thành giếng cổ. Đi vào, quay ra, bà Nhâm chẳng thấy người phụ nữ đâu nữa. Đến bờ giếng bà Nhâm thấy người đang chới với dưới nước. Giếng nước rộng mấy trăm mét, sâu hơn chục mét. Nguy hiểm quá. Bà kêu cứu thật to mà chẳng thấy ai. Bất chợt, có hai người chạy xe máy qua, bà Nhâm chặn lại, kêu cứu người. Bà cùng hai người đàn ông đưa được người bị nạn vào bờ, sơ cứu.

Người phụ nữ hồi tỉnh, vừa lúc con gái đến đưa về gia đình. Do làm ăn thua lỗ, nợ nần nên người phụ nữ tìm cái chết để giải thoát. Sáng ấy, nếu không có bà Nhâm tốt bụng thì đau thương đã trùm lên gia đình người phụ nữ khốn khổ. Có ai hỏi, bà Nhâm dân giã: “Thấy người gặp hoạn nạn mà không ra tay cứu giúp thì có mà người đời!”.

Tôi ngồi miên man nghĩ, thả hồn theo những bông hoa đậm hương trong ngõ nhỏ đang vào xuân. Hà Nội vươn nhanh, khoe sắc trong nắng hanh màu mật ong đang đẩy lùi rác rưởi đến nơi chôn lấp cuối cùng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên