Tính toán của Thổ Nhĩ Kỳ khi giữ 50 quả bom hạt nhân Mỹ làm "con tin"

VOV.VN - 50 quả bom B61 tàng trữ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành những quân bài mặc, làm phức tạp thêm mối quan hệ đang căng thẳng giữa Washington và Ankara.

Những quả bom đó cũng có thể làm phức tạp thêm cả những toan tính của hai phía trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào miền bắc Syria.

Bom hạt nhân B61 - "một bí mật mở" của Incirlik

Bom hạt nhân B61 là bom nhiệt hạch trọng lực - sản phẩm của chương trình phát triển vũ khí gọn nhẹ, khởi xướng vào năm 1961, được Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos thiết kế, và được chế tạo tại nhà máy Pantex năm 1963, trước năm 1968 được biết đến với tên TX-61, vẫn là một trong những loại vũ khí hạt nhân chủ lực của quân đội Mỹ.

Kho bảo quản B61; Nguồn: hani.co.kr.

Là vũ khí hạt nhân chiến lược và chiến thuật có công suất từ 0,3 đến 400 kiloton (tùy phiên bản), bắt đầu được sản xuất loạt vào năm 1968, B61 có thiết kế nổ bức xạ hai giai đoạn với vỏ đặc biệt, có thể chịu được tốc độ bay siêu thanh và chống lại các tác động ngoại lực lớn từ bên ngoài. B61 có chiều dài 3,56m, đường kính khoảng 33cm, trọng lượng 320kg (có thể thay đổi tùy theo phiên bản, cấu hình và ngòi nổ). Tính đến năm 2012, có tổng số 3.155 quả B61 gồm tất cả các phiên bản được sản xuất, trong đó khoảng 540 quả đang trong trạng thái trực chiến, 415 trong trạng thái chờ, và 520 đang chờ tháo dỡ.

B61 có 13 phiên bản được gọi là Mod 0 đến Mod 12, trong đó, 9 phiên bản có công suất khác nhau đã được đưa vào sản xuất. Hầu hết các bom B61 có trang bị dù giúp giảm tốc độ rơi và giữ ổn định cho bom, đồng thời, để máy bay ném bom có thời gian thoát khỏi ảnh hưởng của vụ nổ. Mod 11 được triển khai vào năm 1997 là vũ khí xuyên đất đánh hầm ngầm. Phiên bản mới nhất là B61-12 - bom hạt nhân dẫn đường đầu tiên của Mỹ, gọn nhẹ nhưng có sức công phá lớn, độ chính xác cao.

B61 có thể được sử dụng từ nhiều loại máy bay quân sự của Mỹ, như FB-111A, B-1 Lancer, B-2 Spirit, B-52; máy bay ném bom F-101 Voodoo, F-100 D & F Super Sabre, F-104 Starfolder, F/A-18 Hornet, F-111 Aardvark và F-4 Phantom II; máy bay tấn công A-4 Skyhawk, A-6 Intruder và A-7 Corsair II; máy bay chống hạm S-3 Viking, F-15E Strike Eagle và F-16 Falcon; máy bay PanS Tornado IDS của Anh, Đức và Ý. Không quân Mỹ ở châu Âu và tất cả các máy bay vai trò kép của NATO đều có thể mang B61.

Đến thập niên 1960, hơn 7.000 vũ khí hạt nhân của Mỹ đã được triển khai tại Tây Âu, Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Những vũ khí này gồm đầu đạn hạt nhân, bom, mìn, đạn pháo... với nhiều kích cỡ, hình dạng và công suất khác nhau. Chiến lược của NATO là dựa vào vũ khí hạt nhân như một đối trọng trước sự ưu việt của các lực lượng thông thường phía Liên Xô. NATO tin rằng mối đe dọa tấn công bằng vũ khí hạt nhân sẽ giúp ngăn chặn xe tăng của quân đội Xô viết tràn sang lãnh thổ của khối, và Mỹ đã đào tạo cho các quốc gia tham gia sử dụng các vũ khí "tận thế" này.

B61 được triển khai tới các đồng minh NATO ở châu Âu như một phần của Chương trình chia sẻ vũ khí hạt nhân của NATO. Khoảng 150 quả bom được cất giữ tại sáu căn cứ của Mỹ và châu Âu: Kleine Brogel (Bỉ), Büchel (Đức), Aviano và Ghedi-Torre (Ý), Volkel (Hà Lan) và Incirlik (Thổ Nhĩ Kỳ). Căn cứ Không quân Incirlik ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ hiện là kho cất giữ vũ khí hạt nhân lớn nhất, với 50 quả bom B61, được tàng trữ từ thập niên 1960, chiếm hơn 25% tổng số vũ khí thuộc loại này của NATO.

Mỹ xem Thổ Nhĩ Kỳ như một bàn đạp quan trọng trong chiến lược chống Nga. Incirlik được công binh Lục quân Mỹ xây dựng từ những năm 1950. Khi Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập NATO vào năm 1952, nó trở thành căn cứ quan trọng của Mỹ trong thời Chiến tranh Lạnh. Cách chỉ 1 giờ bay để đến Liên Xô, Incirlik đã tiếp nhận các chiến đấu cơ, oanh tạc cơ, xe tăng và máy bay do thám U-2..., cung cấp cho Mỹ khả năng can thiệp quân sự trên một diện rộng của khu vực Kavkaz, Biển Đen, Đông Địa Trung Hải đến Vịnh Ba Tư. Hiện nay, Incirlik là một căn cứ thiết yếu đối với liên minh chống khủng bố IS ở Iraq và Syria. Từ đây, các UAV và chiến đấu cơ có thể nhanh chóng tiếp cận các mục tiêu IS; nó cũng đang được Không quân Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng cho chiến dịch “Mùa xuân Hòa bình” ở miền Bắc Syria.

Mặc dù những quả bom hạt nhân này chịu sự giám sát của Bộ Năng lượng Mỹ nhưng hiện tại, chúng đều được Không quân Mỹ cất giữ và bảo quản trong những kho kiên cố, được bảo vệ nghiêm ngặt. Để kích hoạt chúng, cần phải có một thiết bị đặc biệt được gọi là Kết nối hành động được phép (PAL) - công tắc cài mật mã được gắn bên trong những quả bom nhiệt hạch của NATO, được thiết kế để ngăn chặn việc sử dụng trái quy trình và sẽ không phát nổ nếu không nhập đúng mã. Để kích hoạt những quả bom này, cần phải nhập mật mã gồm 12 chữ số, và một số biện pháp an ninh khác.

B61 được xem là một chướng ngại quan trọng để cản trở Nga và chứng minh cam kết của Mỹ với NATO, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng trên thực tế, chúng là di sản thời Chiến tranh Lạnh, không có chức năng hoạt động trong kế hoạch chiến tranh. Các vũ khí hạt nhân triển khai ở đây tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ và các nước láng giềng, được coi là công cụ bổ trợ để tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào một nước khác phù hợp với các lợi ích khu vực của Mỹ. Bằng chứng sinh động nhất là việc những quả bom B61 đặt tại Incirlik được phép thả từ những máy bay chiến đấu F-15 và F-16 của Mỹ nếu cần thiết, trong khi các máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ lại bị cấm làm việc đó.

“Số phận” của 50 bom B61 Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Theo New York Times, từ năm 1960, Mỹ đã quan ngại rằng Thổ Nhĩ Kỳ và các nước NATO có thể dùng bom B61 không có sự đồng thuận của Mỹ. Vào những năm 1970, khi cuộc chiến tranh giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng, Mỹ đã mang kho hạt nhân ở Hy Lạp đi và vô hiệu hóa số bom trữ tại Thổ Nhĩ Kỳ. Mặc dù vậy, các cuộc thảo luận của NATO trong 3 thập kỷ qua về việc di chuyển chúng ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ vẫn liên tục bị một số nước thành viên NATO phản đối, bao gồm cả Ankara, theo đó, đây là đại diện cho cam kết của Mỹ với nền quốc phòng nước này thông qua sự tồn tại của kho vũ khí có tác dụng răn đe.

Căn cứ không quân Incirlik; Nguồn: zerohedge.com.

Một cựu quan chức chính quyền cựu Tổng thống Obama đã từng thảo luận phải làm gì với số bom này, cả vì chương trình giải trừ vũ khí của Obama lẫn nỗi lo ngại an ninh sau âm mưu đảo chính năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ, khi toàn bộ hệ thống cung cấp điện ở căn cứ không quân Incirlik bị cắt trong vài ngày, đặt ra câu hỏi về sự an toàn của số vũ khí hạt nhân ở đây. Theo sau cuộc đảo chính quân sự bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm 2016, một nhóm chuyên gia hàng đầu tại Trung tâm Stimson (Mỹ) cảnh báo các vũ khí hạt nhân trên có thể rơi vào tay của "bọn khủng bố hay các lực lượng thù địch khác".

Theo Stein - chuyên gia thuộc tổ chức nghiên cứu Hội đồng Đại Tây Dương (Mỹ) cho rằng vụ đảo chính hụt cùng sự dính líu của chỉ huy căn cứ Incirlik đã đặt ra những câu hỏi lớn hơn về vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong NATO. Nó nói lên rất nhiều điều về khả năng hoạt động của Thổ Nhĩ Kỳ trong các chiến dịch một khi quân đội của họ không thể được tin cậy. Việc có những chỉ huy không quân gàn dở bay khắp Thổ Nhĩ Kỳ đặt ra nhiều kịch bản mà NATO không thể lường tới.

Theo các nhà quan sát, trước khi bùng nổ cuộc khủng hoảng Ukraina, mối quan hệ giữa NATO và Nga còn tốt đẹp, người ta đã nói về việc rút bỏ vũ khí hạt nhân và hạn chế sử dụng chúng dưới mọi hình thức. Nhưng sau đó, việc thảo luận về vấn đề này đã bị dẹp bỏ. Trong bối cảnh tình hình khu vực bất ổn và tầm bắn của tên lửa đạn đạo ngày càng được nâng cao, sự hiện diện của các vũ khí hạt nhân NATO tại Thổ Nhĩ Kỳ trước tiên phải được xem như là một biện pháp răn đe và phòng ngừa liên quan tới an ninh.

Kế hoạch di dời số bom này vẫn thường xuyên được xem xét nhưng chưa bao giờ được đưa vào hành động. Giới chức Mỹ không được phép thảo luận về sự tồn tại của số bom được triển khai ở Thổ Nhĩ Kỳ và 4 quốc gia thành viên NATO khác nhưng chúng lại là bí mật ai cũng biết. Tuy nhiên, việc di dời chúng trong những tình huống như hiện nay có thể là rất nguy hiểm vì sẽ liên quan đến việc đưa 50 quả bom hạt nhân ra khỏi các căn hầm, di chuyển chúng trên một căn cứ của Thổ Nhĩ Kỳ và chở chúng ra khỏi không phận Thổ Nhĩ Kỳ. Vận chuyển vũ khí hạt nhân phải đi kèm với các biện pháp tăng cường an ninh đặc biệt, vì chúng có thể dễ gặp rủi ro, bị trộm cắp hoặc tấn công.

Máy bay vận tải quân sự C-17 Globemaster sẽ được dùng để vận chuyển các bom hạt nhân này, kèm theo đó là một phi đội máy bay chiến đấu của Không quân Mỹ tham gia nhiệm vụ bảo vệ. Hiện tại, các phương tiện vận chuyển phải di chuyển theo hướng không an toàn, nằm trong khu vực cấm bay, hay di chuyển qua các khu vực “không ổn định”. Đường bay về phía Đông và phía Nam từ của căn cứ Incirlik bị hạn chế, do khu vực chiến sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Một phương án khác là di chuyển kho vũ khí hạt nhân này về phía Tây Bắc, hướng về các cơ sở dự trữ hạt nhân ở Bỉ, Đức hoặc Hà Lan, nơi Mỹ cũng triển khai các kho vũ khí hạt nhân.

Tuy vậy, chính phủ các nước này đang gặp nhiều chỉ trích từ người dân, và sẽ rất miễn cưỡng đáp ứng yêu cầu này từ Washington. Chưa kể, 50 quả bom B61 được tàng trữ tại Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành những quân bài mặc cả tiềm năng, làm phức tạp thêm mối quan hệ đang căng thẳng giữa Washington và Ankara cũng như những toan tính của cả hai phía sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tấn công vào Bắc Syria. Căng thẳng Mỹ - Thổ đang leo thang khi Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh hành pháp áp trừng phạt lên các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan tới chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd ở đông bắc Syria, tăng thuế quan 50% lên thép Thổ Nhĩ Kỳ và ngừng đàm phán thỏa thuận thương mại trị giá 100 tỉ USD với Ankara.

B61-12 – bom hạt nhân thông minh của Mỹ; Nguồn: thesun.co.uk.

Mới đây, Ankara quyết định mua hệ thống phòng không tối tân S-400 từ Nga, hai nước hiện nay lại đang cùng bắt tay điều phối chính sách quân sự ở Bắc Syria, còn Mỹ chỉ đóng vai trò như người đứng ngoài cuộc chơi. Ankara cũng đang theo đuổi một “cuộc chơi kép” tại Syria khi cố gắng thiết lập một “vùng an toàn” tại lãnh thổ phía Bắc Syria hiện do người Kurd kiểm soát. Một điều đáng chú ý nữa là sự thay đổi chiến lược gần đây của Trump cũng khiến nhiều người bất ngờ.

Chưa rõ Mỹ chuẩn bị đến đâu để giải quyết những vấn đề liên quan đồng minh người Kurd hoặc các chiến binh tổ chức IS thoát khỏi các trại giam ở miền bắc Syria, chưa nói đến bài toán về răn đe hạt nhân. Bất ổn ở Thổ Nhĩ Kỳ và khu vực, cùng với mối quan hệ thân thiết giữa Ankara với Moscow đã khiến các chiến lược gia Mỹ nghĩ đến chuyện tái bố trí các vũ khí này.

Nỗ lực duy trì một nguồn cung bom nguyên tử đủ lớn được triển khai ở châu Âu, Mỹ hy vọng những nước như Thổ Nhĩ Kỳ sẽ coi đó là lý do họ không cần phát triển vũ khí hạt nhân của mình nữa. Thế nhưng có vẻ như Ankara không nghĩ như vậy. Tham vọng hạt nhân của Thổ Nhĩ Kỳ là một tình huống tiềm ẩn trong bối cảnh hỗn loạn gần đây và Tổng thống Erdogan được cho là "không thể chấp nhận" các quy tắc ngăn Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một cường quốc hạt nhân, đã nhiều lần bắn tín hiệu muốn sở hữu vũ khí hạt nhân. Các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ từng được cho là đã nói rằng họ có thể sẽ phát triển vũ khí hạt nhân riêng của họ nếu Mỹ đưa 50 quả bom đi.

Việc Mỹ rút vũ khí hạt nhân khỏi Thổ Nhĩ Kỳ đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn. Nếu đó là sự thật thì chắc chắn sẽ làm thay đổi cán cân quyền lực không chỉ ở khu vực Trung Đông, Biển Đen, Kavkaz mà còn cả ở nơi những vũ khí hạt nhân này được chuyển đến.

Cựu Bộ trưởng Không quân Mỹ James từng nhận định kịch bản di dời vũ khí hạt nhân sẽ vô cùng phức tạp, Washington sẽ phải đàm phán tìm nơi tiếp nhận số đầu đạn này và huy động nguồn lực lớn đển vận chuyển và đảm bảo an toàn cho chúng. Từng có suy đoán, nước có thể sẵn sàng cả về chính trị lẫn quân sự để đón nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ từ Thổ Nhĩ Kỳ, có vẻ là Israel. Lý giải điều này, các nhà phân tích cho rằng trục Nga - Iran - Thổ Nhĩ Kỳ đang hình thành và Iran - đối thủ không đội trời chung của Israel vừa được trang bị hệ thống phòng không S-300 từ Nga.

Là thành viên NATO, nhưng thời gian gần đây ở Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều diễn biến phức tạp. Cuộc đảo chính không thành hồi 2016 khiến quan hệ giữa Ankara với Brussels và Washington xuất hiện nhiều rạn nứt. Nguy hiểm hơn, cuộc đảo chính là lời cảnh báo rằng tình hình ở Thổ Nhĩ Kỳ chứa nhiều bất ổn. Hàng loạt các cuộc trấn áp với quy mô lớn của Tổng thống Erdogan chứng tỏ xã hội Thổ Nhĩ Kỳ bị chia rẽ nghiêm trọng, khó đảm bảo sẽ không có cuộc đảo chính diễn ra tiếp theo. Ngoài ra, vấn đề người Kurd tiếp tục gây nhức nhối và các nhóm khủng bố từ Syria liên tục tấn công Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong quan hệ quốc tế, Erdogan đã chính thức gác lại “giấc mơ châu Âu”, quay sang bình thường hóa quan hệ với Nga. Với những diễn biến gần đây, chẳng ai có thể cam đoan rằng Ankara không thể trở thành đồng minh thân cận của Moscow. Tất cả những yếu tố này khiến việc cất giữ vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ không an toàn.

Theo các nhà phân tích, vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng khác gì cái “ô hạt nhân” che chở cho Israel. Giờ đây, nếu Mỹ rút đi, buộc Tel-Aviv phải củng cố khả năng phòng thủ của mình trong một khu vực tiềm ẩn nhiều bất trắc, chính vì vậy, suy đoán Israel sẵn sàng đón nhận vũ khí hạt nhân của Mỹ từ Thổ Nhĩ Kỳ cũng là có cơ sở.

Việc cân nhắc di chuyển bom B61, việc thương lượng mặc cả giữa kẻ trao người nhận và nơi đến chắc chắn đang diễn ra và hứa hẹn nhiều kịch tính. Việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết tâm để sở hữu vũ khí hạt nhân cũng không còn gì phải bàn cãi, nhưng việc đồng ý chuyển giao và chuyển giao như thế nào, hay “số phận” của 50 bom hạt nhân B61 ở Incirlik, cũng như Ankara sẽ làm gì để sở hữu vũ khí nguyên tử vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Hạ hồi phân giải!/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Trung Quốc và Liên Xô từng suýt bước vào chiến tranh hạt nhân
Trung Quốc và Liên Xô từng suýt bước vào chiến tranh hạt nhân

VOV.VN - Chúng ta đã nghe tới những lần Mỹ và Liên Xô suýt bị kéo vào chiến tranh hạt nhân với nhau. Giữa Trung Quốc và Liên Xô cũng từng có nguy cơ đó.

Trung Quốc và Liên Xô từng suýt bước vào chiến tranh hạt nhân

Trung Quốc và Liên Xô từng suýt bước vào chiến tranh hạt nhân

VOV.VN - Chúng ta đã nghe tới những lần Mỹ và Liên Xô suýt bị kéo vào chiến tranh hạt nhân với nhau. Giữa Trung Quốc và Liên Xô cũng từng có nguy cơ đó.

Nước Anh từng lo sợ bị tấn công hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh
Nước Anh từng lo sợ bị tấn công hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh

VOV.VN - Chính quyền Anh đã chuẩn bị 1 kịch bản đầy thảm khốc khi bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào thời kỳ đối đầu giữa phe tư bản và phe XHCN năm 1981.

Nước Anh từng lo sợ bị tấn công hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh

Nước Anh từng lo sợ bị tấn công hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh

VOV.VN - Chính quyền Anh đã chuẩn bị 1 kịch bản đầy thảm khốc khi bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào thời kỳ đối đầu giữa phe tư bản và phe XHCN năm 1981.

Thổ Nhĩ Kỳ là điểm nóng khủng bố, nơi chồng chéo lợi ích các quốc gia
Thổ Nhĩ Kỳ là điểm nóng khủng bố, nơi chồng chéo lợi ích các quốc gia

VOV.VN - Vụ Đại sứ Nga Karlov bị ám sát phản ánh quan hệ quốc tế phức tạp quanh Thổ Nhĩ Kỳ và là phép thử đối với quan hệ Nga-Thổ.

Thổ Nhĩ Kỳ là điểm nóng khủng bố, nơi chồng chéo lợi ích các quốc gia

Thổ Nhĩ Kỳ là điểm nóng khủng bố, nơi chồng chéo lợi ích các quốc gia

VOV.VN - Vụ Đại sứ Nga Karlov bị ám sát phản ánh quan hệ quốc tế phức tạp quanh Thổ Nhĩ Kỳ và là phép thử đối với quan hệ Nga-Thổ.

5 chiến dịch khét tiếng của tình báo Mỹ chống phá Liên Xô
5 chiến dịch khét tiếng của tình báo Mỹ chống phá Liên Xô

VOV.VN -Cơ quan tình báo đối ngoại Mỹ (CIA) đã đầu tư khủng khiếp cho các chiến dịch quy mô cực lớn để phá hoại Liên Xô – thành trì XHCN một thời.

5 chiến dịch khét tiếng của tình báo Mỹ chống phá Liên Xô

5 chiến dịch khét tiếng của tình báo Mỹ chống phá Liên Xô

VOV.VN -Cơ quan tình báo đối ngoại Mỹ (CIA) đã đầu tư khủng khiếp cho các chiến dịch quy mô cực lớn để phá hoại Liên Xô – thành trì XHCN một thời.

Hiểm họa đối với Mỹ từ việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria
Hiểm họa đối với Mỹ từ việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria

VOV.VN - Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến công người Kurd ở Syria đang đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền Tổng thống Mỹ Trump.

Hiểm họa đối với Mỹ từ việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria

Hiểm họa đối với Mỹ từ việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Syria

VOV.VN - Việc quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến công người Kurd ở Syria đang đặt ra nhiều thách thức cho chính quyền Tổng thống Mỹ Trump.

Thổ Nhĩ Kỳ giữ 50 quả bom hạt nhân của Mỹ làm “con tin”
Thổ Nhĩ Kỳ giữ 50 quả bom hạt nhân của Mỹ làm “con tin”

VOV.VN - Theo The Guardian, những quả bom B61 từ thời Chiến tranh Lạnh này chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria khoảng 160 - 400km.

Thổ Nhĩ Kỳ giữ 50 quả bom hạt nhân của Mỹ làm “con tin”

Thổ Nhĩ Kỳ giữ 50 quả bom hạt nhân của Mỹ làm “con tin”

VOV.VN - Theo The Guardian, những quả bom B61 từ thời Chiến tranh Lạnh này chỉ cách biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria khoảng 160 - 400km.