Nhiều băn khoăn về pháp lý trong quy định về mang thai hộ

VOV.VN - Quy định về cho phép mang thai hộ là tiến bộ và được nhiều người đón nhận khá tích cực nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.

Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) và Nghị định số 10/2015 của Chính phủ về điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo chính thức có hiệu lực đã được các cặp vợ chồng hiếm muộn rất quan tâm. Tuy nhiên, để nghị định đi vào cuộc sống cần có tiếp tục có những điều chỉnh hợp lý hơn.

Nội dung này được đề cập trong chương trình Pháp luật và Đời sống phát sóng trên Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) của Đài TNVN. Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi:

 

(Nghe nội dung chương trình)

“- Chúng tôi đã làm ống nghiệm 5 lần đó là những hy vọng, chờ đợi nhưng kết quả vẫn không được vì bệnh tình không mang thai được, bác sĩ cũng rất cố gắng nhưng….

-Khi mình muốn làm thì rất khó vì tìm người mang thai hộ khó lắm không đơn giản…”

Đó là 2 người phụ nữ mà chúng tôi đã gặp ở Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội). Tuy mỗi người một hoàn cảnh, một số phận, nhưng họ cùng giống nhau ở một điểm: kết hôn đã lâu mà chưa một lần các chị được thực hiện chức năng thiên phú của người phụ nữ là được làm mẹ.

Ảnh minh họa: Internet

Luật Hôn nhân gia đình sửa đổi và Nghị định 10 của Chính phủ chính thức có hiệu lực đã nhen nhóm lên niềm hy vọng của rất nhiều cặp vợ chồng mong muốn có một đứa con. Tuy nhiên, điều kiện quy định người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng với vợ hoặc chồng nhờ mang thai hộ, cùng với một số điều kiện nghiêm ngặt khác là cần thiết đảm bảo cho vợ chồng hiếm muộn có thể có con và tránh được rủi ro trong mang thai hộ.

Những điều kiện này cũng đang khiến nhiều gia đình khó khăn trong việc thực hiện ước mơ của mình. Gia đình anh Nguyễn Xuân Thành là ví dụ điển hình, dù đã lấy nhau được 17 năm nay nhưng vợ chồng anh vẫn chưa có con vì vợ anh không có khả năng mang thai. Khi biết luật cho phép mang thai hộ, vợ chồng anh Thành rất mừng, nhưng theo luật quy định, người mang thai hộ phải là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ thì vợ chồng anh chưa biết nhờ ai.

“Khi quy định này ra đời, vợ chồng tôi rất vui vì chúng tôi có khả năng sẽ có những đứa con. Tuy nhiên, quy định ngặt quá khiến chúng tôi khó thực hiện vì phải nhờ người thân thiết bên vợ, bên chồng, và nhiều điều kiện khác, nhà thì neo người không có chị em gái”, anh Nguyễn Xuân Thành chia sẻ.

Việc đưa ra quy định giới hạn đối tượng là người mang thai hộ nhằm mục đích ngăn ngừa tình trạng thương mại hóa hoạt động này. Câu hỏi đặt ra là, liệu có thể ngăn chặn được hiện tượng lách luật để biến mang thai nhân đạo thành mang thai thương mại hay không? Những hành vi mang thai hộ vì mục đích thương mại thường bị phê phán, tuy nhiên đối với những người hiếm muộn thì mong muốn có con là chính đáng và cách thức thực hiện điều đó luôn nhân đạo. Vấn đề ở đây là luật pháp sẽ quản lý, giám sát quá trình này như thế nào?

Theo Tiến Sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ Y tế, xét ở khía cạnh pháp luật sẽ có những cặp vợ chồng không thể thực hiện được việc mang thai hộ.

“Mang thai hộ có những vấn đề thuộc về pháp luật nhưng cũng có những vấn đề thuộc về đạo đức, nên mong ước của con người thì vô cùng nhưng pháp luật thì chỉ cho phép thế thôi. Vì vậy, những cặp vợ chồng đáp ứng được yêu cầu của pháp luật thì thực hiện còn nếu như không có thì pháp luật cũng không chấp nhận vì pháp luật quy định thế nào chỉ được thực hiện như thế”, TS Nguyễn Huy Quang nói. 

Quy định về cho phép mang thai hộ là tiến bộ và được nhiều người đón nhận khá tích cực. Tuy nhiên cũng có những vấn đề, những quy định về mang thai hộ trong luật Hôn nhân gia đình và Nghị định 10 của Chính phủ vẫn còn những điểm còn có ý kiến khác nhau đòi hỏi các cơ quan tiếp tục xem xét./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên