Cựu GĐ Học viện Tư pháp: Không nên quy định luật sư tố giác thân chủ

VOV.VN - PGS.TS Nguyễn Thái Phúc đã nhấn mạnh như vậy khi bàn về khoản 3, Điều 19 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015.

Nội dung quy định người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự khi không tố giác thân chủ phạm phải các tội xâm phạm an ninh quốc gia, hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. VOV giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp về nội dung này.

PGS.TS Nguyễn Thái Phúc – nguyên Giám đốc Học viện Tư pháp.
Trước hết phải thấy rằng, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà bất kỳ Nhà nước nào cũng phải đấu tranh phòng, chống, bởi lẽ nó đe dọa xâm phạm đến những lợi ích cơ bản của Nhà nước và lợi ích chung của xã hội. Vì vậy, tố giác tội phạm luôn được xem là nghĩa vụ của công dân và khi vi phạm nghĩa vụ này công dân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm trong Bộ luật Hình sự của mỗi quốc gia phản ánh cách thức giải quyết xung đột của hai nhóm lợi ích: nhóm lợi ích của Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, trong đó có loại tội phạm nguy hiểm nhất là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và nhóm lợi ích về quyền con người của công dân nói chung hay quyền con người của nhóm công dân cụ thể. Lịch sử phát triển của pháp luật hình sự trên thế giới cho thấy có 4 cách giải quyết xung đột này.  

Cách thứ nhất là quy định trách nhiệm hình sự của mọi công dân trong trường hợp không tố giác tội phạm, không miễn trừ đối với cá nhân nào và không miễn trừ đối với một số nhóm tội phạm cụ thể nào. Cách giải quyết này cho thấy Nhà nước đã đề cao tuyệt đối lợi ích của mình trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích quyền con người của công dân hoặc một số nhóm công dân cụ thể. Pháp luật hình sự thời trung cổ đi theo hướng này.

Cách thứ hai là Nhà nước có cân nhắc đến quyền con người của công dân khi thu hẹp phạm vi truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm, tức là chỉ khi không tố giác tội phạm đối với một số tội cụ thể mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, còn lại với đa số tội phạm thì hành vi không tố giác tội phạm không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Bộ luật Hình sự năm 1985 của nước ta đã đi theo cách này tại Điều 247. Cách giải quyết này cho thấy, Nhà nước đã có sự tôn trọng và nhượng bộ nhất định khi xem xét quyền con người của công dân trong mối quan hệ với lợi ích đấu tranh phòng, chống tội phạm của mình.

Cách thứ ba là quy định trách nhiệm hình sự không đầy đủ về hành vi không tố giác tội phạm đối với một số nhóm công dân cụ thể như những người có quan hệ huyết thống, quan hệ hôn nhân với người thực hiện tội phạm (Khoản 2, Điều 22 BLHS 1999), tức là luật không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhóm công dân nàyvề hành vi không tố giác tội phạm trong phần lớn các loại tội phạm thông thường.

Còn đối với loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng… thì nhóm công dân này vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự như các công dân khác. Cách giải quyết này mặc dù chưa hoàn toàn triệt để cũng có thể xem là bước phát triển thể hiện thái độ nhân văn của Nhà nước trước những vấn đề thuộc truyền thống đạo đức xã hội, bởi lẽ ở góc độ này rất khó chấp nhận quy định của luật về nghĩa vụ con phải tố giác cha, mẹ của mình, vợ hoặc chồng phải tố giác lẫn nhau…

Cách thứ tư là không quy định trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với một số nhóm công dân cụ thể (ngoài những người có quan hệ huyết thống, hôn nhân còn có thêm những người hành nghề tôn giáo, hành nghề y, luật sư, …) và không kèm theo điều kiện hay hạn chế về nhóm tội phạm nào cả. Ở đây, Nhà nước đã có sự nhượng bộ hoàn toàn, đặt lợi ích của mình xuống dưới lợi ích, quyền con người và vấn đề nhân văn, đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp của nhóm công dân này.

Đạo đức nghề nghiệp của những người này không cho phép họ tiết lộ những thông tin bất lợi, thông tin thuộc lĩnh vực đời sống riêng tư của thân chủ cho chính thân chủ hoặc cho người thứ ba – những thông tin mà họ có thể biết được trong quá trình hoạt động nghề nhiệp. Thông tin về tội phạm cũng là thông tin bất lợi cho thân chủ.

Tiết lộ những thông tin này luôn được xem là một trong những vi phạm đạo đức nghề nghiệp nặng nhất, bởi lẽ nó làm xói mòn những giá trị nhân đạo cao quý của những ngành nghề này.

Sự lựa chọn một trong cách thức trên để giải quyết vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm ở mỗi quốc gia tùy thuộc vào điều kiện lịch sử, truyền thống văn hóa – pháp lý và nhận thức về xu thế phát triển chung của nhân loại.

Vấn đề nêu tại khoản 3 điều 19 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 chính là sự mở rộng phạm vi của khoản 2, Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 1999. Trước hết, cần hoan nghênh Dự thảo vì dù sao nó cũng là bước phát triển mới trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người theo Điều 14 Hiến pháp 2013.

Tuy nhiên theo ý kiến cá nhân, quy định này của Dự thảo chưa phải là phương án tối ưu đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Điều14 Hiến pháp 2013, đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền và xu thế phát triển của xã hội. Chúng ta mới chỉ mở rộng phạm vi áp dụng không truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với những người hành nghề luật sư, còn vẫn giữ nguyên điều kiện là không áp dụng quy định này đối với nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội đặc biệt nghiêm trọng…

Ý kiến bảo vệ sự hạn chế này trong Dự thảo dựa trên lợi ích của Nhà nước trong đấu tranh với nhóm tội nguy hiểm nhất cho bất kỳ Nhà nước nào là nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia cũng có tính thuyết phục nhất định. Nhưng đứng ở góc độ đạo đức xã hội, đạo đức gia đình thì việc con tố giác cha mẹ; vợ tố giác chồng hoặc ngược lại đều không được chấp nhận dù đó là tố giác tội gì, không có sự phân biệt hay hạn chế theo nhóm tội.

Trong con mắt của đạo đức xã hội, tình nghĩa vợ chồng thì hành vi vợ tố giác chồng về tội trộm cắp hay về tội xâm phạm an ninh quốc gia đều không được chấp nhận như nhau. Đối với luật sư cũng vậy. Đã đến lúc nên tháo bỏ điều kiện hay hạn chế này trong quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm đối với những người có quan hệ  huyết thống, quan hệ hôn nhân, luật sư và bổ sung thêm những người hành nghề tôn giáo, nghề y…

Nhà nước có thể có thêm khó khăn trong việc thu nhận thông tin về tội phạm. Nhưng cái mà chúng ta được ở đây lớn hơn nhiều. Đó chính là hình ảnh về một Nhà nước thực sự đề cao quyền con người, quyền công dân trong con mắt của người dân, trong nhìn nhận của cộng đồng quốc tế. Đó chính là một điểm son nữa về tính nhân văn của pháp luật hình sự nước ta./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Luật sư giữ bí mật thân chủ & trách nhiệm khi "không tố giác tội phạm"
Luật sư giữ bí mật thân chủ & trách nhiệm khi "không tố giác tội phạm"

VOV.VN - Luật Luật sư yêu cầu giữ bí mật khách hàng; Luật Hình sự lại yêu cầu luật sư tố giác tội phạm, là việc làm mâu thuẫn.

Luật sư giữ bí mật thân chủ & trách nhiệm khi "không tố giác tội phạm"

Luật sư giữ bí mật thân chủ & trách nhiệm khi "không tố giác tội phạm"

VOV.VN - Luật Luật sư yêu cầu giữ bí mật khách hàng; Luật Hình sự lại yêu cầu luật sư tố giác tội phạm, là việc làm mâu thuẫn.

Luật sư tố giác thân chủ: "Tôi phát biểu vì lợi ích của quốc gia”
Luật sư tố giác thân chủ: "Tôi phát biểu vì lợi ích của quốc gia”

VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) chia sẻ như vậy trước ý kiến không đồng tình với phát biểu của bà liên quan quy định luật sư tố giác thân chủ.

Luật sư tố giác thân chủ: "Tôi phát biểu vì lợi ích của quốc gia”

Luật sư tố giác thân chủ: "Tôi phát biểu vì lợi ích của quốc gia”

VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) chia sẻ như vậy trước ý kiến không đồng tình với phát biểu của bà liên quan quy định luật sư tố giác thân chủ.

Luật sư nói gì về khoản 3, điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015
Luật sư nói gì về khoản 3, điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

VOV.VN -Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, chúng ta cần phải có sự đánh giá, xác định lại chứ không ‘buông’ hẳn khoản 3, điều 19, Dự thảo BLHS năm 2015.

Luật sư nói gì về khoản 3, điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

Luật sư nói gì về khoản 3, điều 19 Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015

VOV.VN -Luật sư Nguyễn Huy Thiệp cho rằng, chúng ta cần phải có sự đánh giá, xác định lại chứ không ‘buông’ hẳn khoản 3, điều 19, Dự thảo BLHS năm 2015.

Quy định luật sư tố giác thân chủ xung đột với điều luật khác
Quy định luật sư tố giác thân chủ xung đột với điều luật khác

VOV.VN - Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, quy định tại khoản 3 điều 19 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 xung đột với điều luật khác.

Quy định luật sư tố giác thân chủ xung đột với điều luật khác

Quy định luật sư tố giác thân chủ xung đột với điều luật khác

VOV.VN - Theo luật sư Nguyễn Doãn Hùng, quy định tại khoản 3 điều 19 Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS 2015 xung đột với điều luật khác.

Chủ tịch Quốc hội: “Có những tội luật sư không thể làm ngơ“
Chủ tịch Quốc hội: “Có những tội luật sư không thể làm ngơ“

VOV.VN - "Đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được, nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được"

Chủ tịch Quốc hội: “Có những tội luật sư không thể làm ngơ“

Chủ tịch Quốc hội: “Có những tội luật sư không thể làm ngơ“

VOV.VN - "Đúng là luật sư cứ đi tố giác thân chủ thì không được, nhưng cũng phải giới hạn tội nào thì anh không thể làm ngơ được"