Giảm hình phạt tử hình: Nhân đạo hay tạo kẽ hở cho tội ác?

VOV.VN - Một số đại biểu Quốc hội cho rằng đề xuất bỏ án tử hình với 7 tội danh trong Bộ luật Hình sự sẽ tạo kẽ hở cho tội ác

Mời quý độc giả cùng theo dõi chương trình "Từ nghị trường đến cuộc sống" bàn về vấn đề này:

Phần 1 của chương trình

Trong khi tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp với những phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt. Số lượng tội phạm nguy hiểm đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Với thực tế đó thì việc sửa đổi Bộ luật Hình sự theo hướng giảm hình phạt tử hình đối với một số tội danh (đặc biệt là tội danh về ma tuý) là một trong những nội dung nóng, nhận rất nhiều ý kiến tranh luận trên diễn đàn Quốc hội, cũng như trong dư luận xã hội.

Việc giảm hình phạt tử hình hay tử hình với cách thức "nhẹ nhàng" hơn là xu hướng của một số quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) được trình Quốc hội cho ý kiến lần này với định hướng đề cao tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội, tiếp tục hạn chế hình phạt tử hình ở cả 3 phương diện: Giảm bớt số tội danh có hình phạt tử hình; quy định điều kiện chặt chẽ nhằm hạn chế các trường hợp áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng hơn đối tượng bị kết án tử hình nhưng không phải thi hành án tử hình.

Phần 2 của chương trình

Mặc dù đồng thuận với quan điểm hạn chế hình phạt tử hình, nhằm thể hiện sự khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta, cũng như bảo đảm thực thi đầy đủ các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được ghi nhận trong Hiến pháp mới năm 2013. Nhưng đặt vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam hiện nay thì một số tội danh được đề xuất giảm hình phạt tử hình trong dự thảo Bộ Luật (sửa đổi) lại không nhận được nhiều sự đồng tình của đại biểu Quốc hội cũng như của xã hội.

Trước hết, với 7 tội danh được đề xuất bãi bỏ hình phạt tử hình trong dự thảo lần này gồm: Cướp tài sản; phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người; tội phạm chiến tranh. Nhiều ý kiến còn băn khoăn và cho rằng hầu hết các tội danh trên là những tội đặc biệt nguy hiểm, nếu như xảy ra thì hậu quả là khôn lường, đe dọa đến độc lập chủ quyền của quốc gia, đe dọa đến sự tồn vong của loài người. Những loại tội danh này cả nhân loại đều lên án và ra sức ngăn chặn, loại bỏ thì chúng ta phải càng phải đấu tranh mạnh mẽ hơn.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên